Trang chủ » Siết chặt điều kiện kinh doanh bất động sản

Siết chặt điều kiện kinh doanh bất động sản

bởi unexpress

Theo dự thảo, tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh BĐS phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc hợp tác xã theo quy định của pháp luật về hợp tác xã, có ngành nghề kinh doanh BĐS (sau đây gọi chung là doanh nghiệp).

Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân muốn kinh doanh lĩnh vực này phải công khai thông tin về doanh nghiệp, bao gồm: Tên, địa chỉ trụ sở chính, người đại diện theo pháp luật và số điện thoại liên lạc và các thông tin liên quan đến BĐS đưa vào kinh doanh theo quy định tại Khoản 2, Điều 6 của Luật Kinh doanh BĐS trên Cổng thông tin điện tử của doanh nghiệp, Cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và nơi có BĐS đưa vào kinh doanh.

Chú thích ảnh
Siết chặt điều kiện kinh doanh bất động sản.

Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân chỉ kinh doanh các BĐS có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 9, Điều 55 của Luật Kinh doanh BĐS.

Đối với trường hợp là chủ đầu tư dự án BĐS thì phải có các điều kiện quy định trên và có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha, không thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha trở lên. Việc xác định vốn chủ sở hữu được căn cứ vào kết quả báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc kết quả báo cáo kiểm toán độc lập của doanh nghiệp (được thực hiện trong năm tham gia đầu tư kinh doanh hoặc năm trước liền kề năm tham gia đầu tư kinh doanh BĐS).

Đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh BĐS quy mô nhỏ, không thường xuyên, dự thảo nêu rõ, các trường hợp kinh doanh BĐS không bắt buộc phải có các điều kiện trên, nhưng phải kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, kinh doanh BĐS quy mô nhỏ được xác định trong trường hợp bán, cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất dưới mức diện tích đất, diện tích sàn xây dựng nhà ở, công trình xây dựng do UBND cấp tỉnh quy định.

Cụ thể, kinh doanh BĐS không thường xuyên bao gồm các trường hợp: Bán nhà, công trình xây dựng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất do phá sản, giải thể, chia tách theo quy định của pháp luật; bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua BĐS thuộc sở hữu Nhà nước khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật; tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng, công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam thực hiện bán nhà ở, công trình xây dựng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng dự án đang bảo lãnh, thế chấp để thu hồi nợ theo quy định pháp luật; bán nhà, công trình xây dựng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quyết định của Tòa án, của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo; bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp, nhưng dưới mức diện tích đất, diện tích sàn xây dựng nhà ở, công trình xây dựng do UBND cấp tỉnh quy định.

Theo Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm