Ông Zhang mất thị lực khi ở độ tuổi 20 do mắc một căn bệnh thoái hóa. Người đàn ông 51 tuổi này đã khám phá ra đam mê mới với nghệ thuật thứ bảy qua câu lạc bộ “phim nói” nơi các tình nguyện viên sẽ mô tả sinh động cho người khiếm thị về tác phẩm điện ảnh.
Hãng thông tấn AFP (Pháp) dẫn lời ông Zhang chia sẻ: “Sau lần đầu tiên nghe một bộ phim trong năm 2014, tôi cảm thấy như một thế giới mới mở ra với mình. Tôi cảm thấy như mình hiểu bộ phim này mặc dù là người hiếm thị. Khi tình nguyện viên miêu tả cảnh phim, nhiều hình ảnh sinh động hiện lên trong tâm trí tôi”.
Ngoài ông Zhang Xinsheng, hàng chục người khiếm thị khác cũng đến rạp Xin Mu ở Bắc Kinh vào thứ bảy hàng tuần. Tại rạp Xin Mu, các tình nguyện viên miêu tả về những cảnh phim, bao gồm biểu cảm, cử chỉ, trang phục của diễn viên và bối cảnh… cho khán giả là người khiếm thị.
Người thành lập rạp phim này- Wang Weili chia sẻ động lực khiến ông thuật lại phim cho người khiếm thị là sau lần kể lại cho một người bạn về nội dung của phim “Kẻ hủy diệt”. Wang Weili chia sẻ: “Trán cậu ấy toát mồ hôi khi tôi miêu tả các cảnh hành động. Cậu ấy rất phấn khích và hỏi thêm về những gì tôi đã xem!”.
Wang Weili sau đó dùng tiền tiết kiệm thuê một căn phòng nhỏ tại Bắc Kinh vào năm 2005 và thành lập câu lạc bộ phim nói. Rạp chiếu phim rộng 20 mét vuông của ông luôn đông người.
Việc giải thích lại bộ phim cho khán giả khiếm thị không phải đơn giản, đặc biệt là với những bộ phim khoa học viễn tưởng. Một ví dụ là trước khi trình chiếu phim “Công viên kỷ Jura”, ông Wang đã cho khán giả tự cảm nhận một số mẫu đồ chơi khủng long.
Trong thời kỳ dịch COVID-19, đội tình nguyện viên đã sử dụng dịch vụ phát trực tuyến qua mạng dành cho khán giả với những đoạn tường thuật phim được ghi âm trước. Trong 15 năm qua, đội ngũ tình nguyện viên rạp Xin Mu đã tường thuật gần một nghìn bộ phim cho người khiếm thị.
Theo Hiệp hội Người mù Trung Quốc, nước này có hơn 17 triệu người khiếm thị, trong đó có 8 triệu người mất hoàn toàn thị giác.
Trong thập kỷ qua, nhiều thành phố tại Trung Quốc đã xây dựng thêm lối đi dành cho người khiếm thị, bổ sung chữ nổi trên bảng thang máy và tạo điều kiện để các ứng viên là người khiếm thị tham gia kỳ thi tuyển dụng của cơ quan chính phủ và trường đại học.
Tuy nhiên, bà Dawning Leung tại Hiệp hội Mô tả âm thanh Hong Kong (Trung Quốc) chia sẻ: “Cộng đồng người khiếm thị không có nhiều cơ hội tham gia vào các hoạt động văn hóa. Họ không thể đến rạp chiếu phim, nhà hát, triển lãm nghệ thuật bởi những nơi này không chú ý tới miêu tả bằng âm thanh”. Bà cũng bổ sung: “Ngay cả tường thuật bằng âm thanh ở các viện bảo tàng cũng không để tâm tới người khiếm thị khi nội dung chủ yếu xoay quanh lịch sử của vật thể nhưng hiếm khi miêu tả vẻ ngoài của nó”.
Do vậy, rạp chiếu phim Min Mu được coi là cơ hội hiếm hoi để người khiếm thị có thể thưởng thức các bộ phim hàng đầu thế giới. Ông Zhang chia sẻ: “Phim ảnh khiến cuộc sống của tôi phong phú hơn. Giúp tôi hiểu về những thách thức trong cuộc sống”.
Bộ phim yêu thích của ông là “Dangal” của Ấn Độ phát hành năm 2016. Bộ phim xoay quanh một người cha nghiêm khắc huấn luyện hai con gái vượt qua định kiến để trở thành nhà vô địch môn đấu vật. Ông Zhang nói: “Tôi cho rằng, cũng giống như các nhân vật chính trong bộ phim, tôi có thể thay đổi số phận bản thân bằng cách làm việc chăm chỉ”.
Theo Báo Tin Tức