BNEWS Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tình hình thực hiện giải ngân 8 tháng năm 2021 đạt 183.320 tỷ đồng, đạt 39,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 461.300 tỷ đồng.
Để đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2021, Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương chủ động rà soát các dự án đến 30/9/2021 có tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn dưới 60 % để kịp thời có phương án điều chỉnh vốn cho các dự án khác cần vốn và có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn được giao.
Đồng thời, căn cứ Quyết định số 1535/QĐ-TTg ngày 15/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương triển khai phân bổ kế hoạch vốn năm 2021 cho các dự án khởi công mới đủ điều kiện. Từ đó, đảm bảo phân bổ 100% kế hoạch năm 2021 đã được giao; đồng thời, nhanh chóng thực hiện và giải ngân vốn cho các dự án.
Bộ Tài chính kiến nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm phối hợp với các đơn vị liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cơ sở pháp lý và thẩm quyền quyết định cho phép các bộ, cơ quan, địa phương chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn năm 2020 kéo dài sang năm 2021 của các dự án chậm tiến độ sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế – Học viện Tài chính cho rằng, cần sự phối hợp của nhiều ban, ngành cùng quyết tâm thực hiện đồng bộ và quyết liệt nhiều biện pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, với quy trình cấp vốn, chúng ta đang trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nên nhanh chóng rút gọn tối đa các thủ tục không cần thiết. Đồng thời, nâng cao vai trò các cơ quan quản lý trong hoạt động đấu thầu, tránh tình trạng không thực chất, quân xanh, quân đỏ để “bắt tay nhau” trúng thầu. Từ đó, dẫn đến lập dự toán khống hay đưa các khối lượng công việc không phù hợp vào trong dự án.
Bên cạnh đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh trách nhiệm và vai trò người đứng đầu của các cơ quan ban, ngành phải được đề cao bởi từ khâu lập kế hoạch đến kiểm tra giám sát thẩm định… suốt thời gian dài bị buông lỏng. Cùng đó, phân rõ trách nhiệm của các chính quyền địa phương, bộ, ngành để các cơ quan có thể phối hợp với nhau chặt chẽ nhất, giúp cho chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện tốt nhất kế hoạch thi công. Cơ chế pháp lý cũng cần được rà soát, hoàn thiện để có thể khi thực thi không khó khăn, vướng mắc.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tình hình thực hiện giải ngân 8 tháng năm 2021 đạt 183.320 tỷ đồng, đạt 39,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 461.300 tỷ đồng. Dự kiến giải ngân đến 30/9/2021 là 218.550 tỷ đồng, đạt 47,38% kế hoạch; trong đó, vốn trong nước đạt 51,74 %, vốn nước ngoài đạt 12,69 %.
Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ này là thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020. Hiện có 4 bộ và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 60 % như: Ngân hàng phát triển Việt Nam 100 %, Thái Bình 79,72 %, Thanh Hóa 77,66 %, Hà Nam 72,9 % , Văn phòng Quốc hội 71,44 %, Nam Định 70,41 %, Tiền Giang 67,96 %, Ngân hàng Chính sách xã hội 67,31%, Hà Tĩnh 66,88%, Hưng Yên 65,5%.
Nhưng vẫn còn nhiều bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Bộ Tài chính cho biết, có tới 36/50 bộ và 20/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 40%; trong đó, có 20 bộ và 2 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%. Đặc biệt, có tới 3 đơn vị chưa giải ngân kế hoạch vốn là: Liên Hiệp các hội Văn học Nghệ Thuật Việt Nam, Liên Hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam…
Nhắc qua một số dự án trọng điểm như: dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bộ Tài chính cho hay, lũy kế vốn đã bố trí cho dự án từ năm 2018 đến năm 2020 là 22.855,035 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện nay, dự án đã giải ngân 10.752,314 tỷ đồng, đạt 47,05 % kế hoạch đã giao; trong đó, kế hoạch năm 2021 giải ngân là 883,309 tỷ đồng, đạt 18,96 %. Tổng số vốn còn lại chưa giải ngân là 12.102,721 tỷ đồng.
Hay, dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, giải ngân số vốn giải ngân đến nay 9.260,151 tỷ đồng, đạt 60,7% kế hoạch năm 2021 được giao
Lý giải nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính cho biết là dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại hầu hết địa phương làm cho việc cung cấp vật tư gặp khó khăn, nhất là các hàng hóa cần nhập khẩu; không huy động được nhân lực cho các công trình cũng như triển khai thi công do giãn cách xã hội tại các tỉnh, thành phố.
Riêng các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 do hầu hết các hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, tư vấn xây dựng thiết kế kỹ thuật; thống nhất với nhà tài trợ đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án, giá cả 10 một số hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới biến động mạnh… nên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện của phần lớn các dự án ODA.
Bên cạnh đó việc chậm triển khai giải phóng mặt bằng tái định hay khó khăn trong đấu thầu và thi công cũng là một nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân thấp./.
Theo BNews/