Trang chủ » Quy hoạch đường sắt kết nối liên thông cảng biển, hàng không

Quy hoạch đường sắt kết nối liên thông cảng biển, hàng không

bởi unexpress

Kết nối như thế nào?

Dự thảo quy hoạch đường sắt đề xuất các ga sẽ kết nối với cảng, trung tâm logistics để định hướng đầu tư.

Cụ thể, để kết nối với các cảng biển, dự thảo định hướng quy hoạch các ga có kết nối đường sắt chuyên dùng với cảng biển có khối lượng lớn và có nhu cầu thu gom, giải tỏa hàng hóa bằng đường sắt như các cảng: Nghi Sơn, Vũng Áng, Liên Chiểu, Vân Phong, Hiệp Phước…

Đối với kết nối các cảng cạn, cảng thủy nội địa, sẽ bố trí ga trên các tuyến đường sắt hiện có và đường sắt mới kết hợp được chức năng cảng cạn hoặc bố trí nhánh đường sắt đến cảng cạn như các ga: Lào Cai, Hương Canh, Văn Lâm, Lạng Sơn, Nghi Sơn, Hòa Vang… ; đồng thời, tiếp tục duy trì các ga có kết nối đường sắt đến cảng Việt Trì, cụm cảng Ninh Bình – Ninh Phúc.

Chú thích ảnh
Quy hoạch đường sắt kết nối liên thông cảng biển, hàng không.

Đối với kết nối đường sắt chuyên dùng, tiếp tục duy trì, cải tạo, mở rộng các ga có kết nối đường sắt chuyên dùng, đáp ứng nhu cầu trên tuyến Hà Nội – TP Hồ Chí Minh, Hà Nội – Đồng Đăng, Yên Viên – Lào Cai, Hà Nội – Hải Phòng, Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân.

Với hàng không, các ga sẽ kết nối Cảng hàng không quốc tế Nội Bài qua 2 tuyến đường sắt đô thị trên địa bàn TP Hà Nội là tuyến số 2 và tuyến số 6; kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành qua tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam và tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành; kết nối Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất qua tuyến đường sắt đô thị là tuyến 4b kéo dài và tuyến số 2.

Bên cạnh đó, dự thảo quy hoạch cũng dự kiến các ga đường sắt kết nối khi có nhu cầu tại các đầu mối. Dự kiến, 5 ga chính của đầu mối đường sắt TP Hà Nội gồm: Ngọc Hồi, Lạc Đạo, Yên Viên, Bắc Hồng, Tây Hà Nội; các ga chính khu đầu mối đường sắt TP Hồ Chí Minh gồm: Bình Triệu, Trảng Bom, An Bình, Tân Kiên.

Theo đó, trên tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng sẽ xây mới ga Nam Hải Phòng để kết nối cảng Đình Vũ, Lạch Huyện, Nam Đồ Sơn. Tuyến Biên Hòa – Vũng Tàu sẽ định hướng ga Thị Vải kết nối cảng Cái Mép – Thị Vải. Tuyến Hà Nội – TP Hồ Chí Minh sẽ định hướng ga Khoa Trường kết nối cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa), ga Tân Ấp kết nối cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh), ga Thừa Lưu kết nối cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế), ga Kim Liên kết nối cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng), ga Tu Bông kết nối cảng Vân Phong (Khánh Hòa)…

Về kết nối cảng cạn, trung tâm logistics, dự thảo định hướng tuyến Hà Nội – Lào Cai, ga Lào Cai kết nối cảng cạn Lào Cai, ga Hương Canh mới kết nối cảng cạn Hương Canh (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc). Tuyến Hà Nội – Đồng Đăng, định hướng ga Yên Viên kết nối cảng cạn Tiên Sơn (Bắc Ninh), ga Yên Trạch kết nối cảng cạn Lạng Sơn, ga Đồng Đăng kết nối Khu trung chuyển hàng hóa và logistics cửa khẩu Hữu Nghị. Tuyến Hà Nội – TP Hồ Chí Minh định hướng ga mới tại khu vực phường Nam Hòa Khánh kết nối cảng cạn Hòa Nhơn (Hòa Vang, Đà Nẵng); các ga Diêu Trì, Phước Lộc, Canh Vinh kết nối cảng cạn Quy Nhơn (tại Phước Lộc, Canh Vinh, tỉnh Bình Định); ga Trảng Bom kết nối với các cảng cạn, trung tâm logistics khu vực Đông Nam Bộ.

Phân kỳ vốn đầu tư

Dự thảo quy hoạch mạng lưới đường sắt đề xuất bố trí khoảng 240.000 tỷ đồng đầu tư các dự án ưu tiên giai đoạn 2021-2030. Số vốn này dự kiến phân bổ cho các dự án quan trọng quốc gia, ưu tiên đầu tư.

Theo dự thảo, trong 10 năm tới sẽ thực hiện các dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có gồm: Hà Nội – TP Hồ Chí Minh, Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Đồng Đăng, Hà Nội – Thái Nguyên, thực hiện đấu nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc). Cùng đó, sẽ đầu tư tuyến đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – cảng Cái Lân, đoạn đường sắt kết nối cảng Lạch Huyện, Đình Vũ với đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – cảng Cái Lân, đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu nối cảng Cái Mép – Thị Vải, các tuyến đường sắt Tân Ấp – Mụ Giạ – Vũng Áng, Dĩ An – Lộc Ninh, TP Hồ Chí Minh – Cần Thơ, tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Long Thành và tuyến đường sắt vành đai phía Đông thuộc khu đầu mối TP Hà Nội.

Chú thích ảnh
Kết hợp vận tải hành khách và vận tải hàng hóa kết nối cảng biển, cảng hàng không là mục tiêu của ngành Đường sắt giai đoan 2021-2030.

Dự thảo dự kiến phân kỳ vốn đầu tư giai đoạn 2021-2030, với nhu cầu vốn 47.269 tỷ đồng ưu tiên nâng cấp các tuyến hiện có như: Tuyến Hà Nội – TP Hồ Chí Minh dài 1.726 km, Hà Nội – Lào Cai 285 km, Hà Nội – Hải Phòng 96 km, tuyến Hà Nội – Thái Nguyên 55 km, tuyến Hà Nội – Đồng Đăng 156 km; đấu nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc) 5,5 km, nâng cấp các ga đường sắt, xây dựng các cầu đường bộ vượt đường sắt tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt có mật độ giao thông lớn. Các dự án, công trình này đều sử dụng vốn ngân sách Trung ương. Riêng đầu tư nhánh đường sắt kết nối các cảng biển Nghi Sơn, Liên Chiểu… sử dụng vốn ngân sách địa phương, vốn đầu tư đối tác công – tư (PPP) khoảng 923 tỷ đồng.

Tổng nhu cầu vốn cho đường sắt xây dựng mới (không bao gồm đường sắt tốc độ cao) khoảng 79.436 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương. Phân bổ cho các dự án: Hoàn thành xây dựng tuyến Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân dài 129 km; xây dựng đường sắt kết nối cảng Lạch Huyện, Đình Vũ với đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân gồm đoạn Mạo Khê – Dụ Nghĩa – Nam Hải Phòng, đoạn Nam Hải Phòng nối cảng Lạch Huyện, Đình Vũ; xây dựng mới tuyến vành đai phía Đông khu vực Hà Nội (Ngọc Hồi – Lạc Đạo – Bắc Hồng) dài 59 km; xây dựng đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu dài 84 km; xây dựng tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Long Thành dài 38 km.

Giai đoạn 2021-2030, dự thảo cũng quy hoạch đề xuất ưu tiên bố trí vốn để triển khai 2 đoạn ưu tiên Hà Nội – Vinh và Nha Trang – TP Hồ Chí Minh thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Nhu cầu vốn cho 2 đoạn này giai đoạn 2021-2030 dự kiến là 112.325 tỷ đồng, sử dụng cả vốn ngân sách Trung ương và vốn PPP.

Theo Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm