Trang chủ » Quy hoạch đi trước một bước để quản lý xây dựng và phát triển đô thị

Quy hoạch đi trước một bước để quản lý xây dựng và phát triển đô thị

bởi unexpress

Phát huy vai trò của quy hoạch

Theo Vụ trưởng Vụ Quy hoạch và Kiến trúc (Bộ Xây dựng) Trần Thu Hằng, quy hoạch xây dựng là công cụ quan trọng quản lý và kiểm soát việc triển khai đầu tư xây dựng, cần phải đi trước một bước để đảm bảo khai thác hiệu quả và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên, tạo nguồn lực phát triển đô thị. Việc xây dựng, ban hành và thực hiện các quy chế quản lý kiến trúc; lập, phê duyệt thiết kế đô thị… đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý kiến trúc ở địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, phát triển đô thị, nông thôn.

Chú thích ảnh
Công khai đồ án quy hoạch các địa phương đề hạn chế ‘sốt đất’.

Qua tìm hiểu, hết năm 2021, tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đô thị so với diện tích đất xây dựng tại các đô thị trên cả nước đạt khoảng 53%. Trong đó, 2 đô thị đặc biệt là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và 19 đô thị loại I đạt khoảng 80 – 90%. Các đô thị khác đạt khoảng 40 – 50%. Tỷ lệ số xã có quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên cả nước đạt gần 100%.

Luật Kiến trúc được ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020 đã trở thành cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý, phát triển quy hoạch kiến trúc tại các tỉnh, thành phố và xây dựng, hoàn thiện Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 19/7/2021.

Tuy nhiên, hiện nay, quy hoạch vẫn còn một số hạn chế cần sớm khắc phục, nhất là vấn đề thiếu các căn cứ lập quy hoạch; việc lập quy hoạch đô thị chưa đồng bộ các cấp độ theo quy định; chất lượng các đồ án quy hoạch chưa khả thi; việc triển khai thực hiện các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đối với thành phố trực thuộc Trung ương thiếu đồng bộ… Bên cạnh đó, tỷ lệ độ phủ quy chế quản lý kiến trúc mới chiếm khoảng 20 – 30% trên tổng số đô thị và công tác lập thiết kế đô thị theo hướng dẫn tại Thông tư số 06/2013/TT-BXD ngày 15/5/2013 và Thông tư 16/2013/TT-BXD ngày 16/10/2013 của Bộ Xây dựng còn hạn chế.

Vì vậy, công tác quy hoạch kiến trúc cần sớm được Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan sớm thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch – kiến trúc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đô thị tại Việt Nam trong năm 2022.

Sáu giải pháp để quy hoạch đi trước một bước

Trước thực tế này, Vụ Quy hoạch và Kiến trúc đã đề xuất, kiến nghị Bộ Xây dựng thực hiện 6 giải pháp trong thời gian tới, gồm: Hoàn thiện thể chế, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa pháp luật về quy hoạch, phát triển đô thị với các pháp luật có liên quan, trọng tâm là xây dựng các công cụ kiểm soát phát triển đô thị; triển khai Luật Kiến trúc, đảm bảo nâng cao công tác quản lý Nhà nước về kiến trúc; rà soát, hoàn thiện Đề án “Đổi mới công tác lý luận, phương pháp luận về phát triển đô thị, quy hoạch đô thị”; hoàn thiện Cổng thông tin quy hoạch xây dựng quốc gia, đảm bảo công khai, minh bạch; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về quy hoạch đô thị trong cộng đồng và tăng cường kiểm tra, thanh tra quy hoạch kiến trúc tại các địa phương.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã chỉ đạo Vụ Quy hoạch và Kiến trúc tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022, trong đó chú trọng hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực quy hoạch – kiến trúc, lập hồ sơ đề xuất xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch, đảm bảo tầm nhìn, dự báo và tính khả thi; kiểm soát chặt chẽ công tác thẩm định quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, chấn chỉnh địa phương về công tác quy hoạch.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đã giao Cục Phát triển Đô thị phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và địa phương tổ chức lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030; triển khai Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030… làm cơ sở để xây dựng Luật Quản lý, phát triển đô thị, nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước, phân loại đô thị theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 và áp dụng các mô hình phát triển đô thị mới phù hợp với xu thế và thực tế phát triển của đất nước.

Thống kê của Bộ Xây dựng, cả nước hiện có 53 tỉnh, thành phố đã thực hiện việc đăng tải, với tổng số 1.087 hồ sơ đồ án quy hoạch và 10 địa phương chưa thực hiện việc đăng tải. Việc không đăng tải hoặc công bố hạn chế đồ án quy hoạch đã và đang tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu cơ lợi dụng để tung tin, thổi giá đất, tạo các cơn sốt đất ảo… trục lợi. Bên cạnh đó, việc các địa phương thiếu đồ án quy hoạch cũng tác động đến thị trường bất động sản. Vì vậy, việc các địa phương công bố rõ ràng thông tin hồ sơ quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị lên cổng thông tin điện tử về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị (www.quyhoach.xaydung.gov.vn) sẽ làm cơ sở kiểm soát chặt chẽ giá đất, thị trường bất động sản.

Theo Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm