BNEWS Chiều 15/11, với 473/489 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 94,98% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô.
Nghị quyết này quy định thí điểm đấu giá biển số xe ô tô bao gồm: Biển số xe ô tô đưa ra đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản; giá khởi điểm, tiền đặt trước, bước giá, tiền thu được từ đấu giá; hình thức, phương thức, trình tự, thủ tục đấu giá; đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá biển số xe ô tô.
Nghị quyết này áp dụng đối với cơ quan được Bộ Công an giao tổ chức đấu giá; tổ chức đấu giá tài sản; đấu giá viên; tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đấu giá biển số xe ô tô.
Nghị quyết nêu rõ: Biển số xe ô tô đưa ra đấu giá là biển số xe ô tô nền màu trắng, chữ và số màu đen, trừ biển số cấp cho xe ô tô của doanh nghiệp quân đội làm kinh tế, xe ô tô của dự án, tổ chức kinh tế liên doanh với nước ngoài, xe ô tô của tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế và người nước ngoài làm việc trong cơ quan, tổ chức nước ngoài và quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
Bộ Công an, tổ chức đấu giá tài sản có trách nhiệm công khai biển số xe ô tô chưa đăng ký, dự kiến cấp mới trên cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản, cổng thông tin điện tử Bộ Công an, trang thông tin điện tử Cục Cảnh sát giao thông, trang thông tin điện tử trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản.
Tổ chức, cá nhân được lựa chọn biển số xe ô tô của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để đăng ký tham gia đấu giá. Biển số xe ô tô không được lựa chọn để đấu giá, biển số xe ô tô đấu giá không thành được chuyển ngay vào hệ thống đăng ký, quản lý xe để đăng ký theo quy định.
Trong thời gian thực hiện Nghị quyết này, Bộ Công an lựa chọn một tổ chức đấu giá tài sản trong số các tổ chức đấu giá tài sản có trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến, bảo đảm điều kiện an toàn, an ninh mạng khi kết nối với hệ thống đăng ký, quản lý xe để tổ chức việc đấu giá biển số xe ô tô.
Theo Nghị quyết, giá khởi điểm của một biển số xe ô tô đưa ra đấu giá là 40 triệu đồng. Tiền đặt trước bằng giá khởi điểm của một biển số xe ô tô đưa ra đấu giá. Bước giá là 5 triệu đồng. Số tiền thu được từ đấu giá biển số xe ô tô sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá được nộp vào ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Chính phủ quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ đấu giá biển số xe ô tô.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023 và được thực hiện trong 3 năm.
Trước khi biểu quyết, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết.
Về tên gọi của dự thảo Nghị quyết, một số ý kiến đề nghị sử dụng cụm từ “số đăng ký xe ô tô” thay cho cụm từ “biển số ô tô” trong tên và nội dung của dự thảo Nghị quyết. Nhiều ý kiến nhất trí với Báo cáo thẩm tra đề nghị sửa tên Nghị quyết đảm bảo dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện là “Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô”. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho điều chỉnh tên Nghị quyết là: “Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô”.
Liên quan đến giá khởi điểm, một số ý kiến nhất trí như Tờ trình của Chính phủ quy định mức giá khởi điểm theo vùng. Nhiều ý kiến đề nghị áp dụng thống nhất trong cả nước một mức giá khởi điểm như nêu trong Báo cáo thẩm tra là 40 triệu đồng; có ý kiến đề nghị thống nhất một mức giá khởi điểm là: 80 triệu đồng, 50 triệu đồng, 20 triệu đồng hoặc 0 đồng; ý kiến khác đề nghị giá khởi điểm 200 triệu đồng với biển số rất đẹp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, chưa có cơ sở để xác định giá khởi điểm đối với từng loại biển số khác nhau, nên không thể xác định, thẩm định được giá trị của mỗi biển số xe, mà giá trị cao hay thấp phụ thuộc vào sở thích của người tham gia đấu giá quyết định. Tiếp thu ý kiến nhiều đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội quy định một mức giá khởi điểm là 40 triệu đồng thực hiện thống nhất trên toàn quốc. Sau khi kết thúc thí điểm, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội việc tổng kết, nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp.
Đối với phạm vi thí điểm, nhiều ý kiến nhất trí thí điểm trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị thu hẹp phạm vi thí điểm, chỉ nên thực hiện tại một số địa phương.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Nghị quyết đã giới hạn phạm vi nội dung thí điểm với loại biển số đưa ra đấu giá và không giới hạn về phạm vi không gian để đáp ứng nhu cầu của người dân tất cả các địa phương, đảm bảo công bằng về quyền lợi của người dân trên cả nước; đồng thời, khai thác hiệu quả tài sản công là kho số đăng ký xe ô tô, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ đấu giá và là cơ sở để tổng kết, đánh giá, kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan khi kết thúc thí điểm để thực hiện ổn định, lâu dài. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép thực hiện thí điểm trên phạm vi toàn quốc./.
Theo BNews/