BNEWS Năm 2022, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS – mã chứng khoán GAS) chủ động nhận diện những khó khăn, thách thức phía trước với nhiều diễn biến phức tạp, khó lường để có kế hoạch vượt qua “sóng lớn”.
PV GAS nhận nhiệm vụ kế hoạch được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giao khá “nặng nề” với chỉ tiêu sản lượng khí, LNG cung cấp tăng 25% so với thực hiện năm 2021. Lượng hóa được những thử thách này, PV GAS sẽ phải nỗ lực hơn rất nhiều và không ngừng đổi mới, sáng tạo để biến thách thức thành cơ hội, động lực phát triển.
Mục tiêu được PV GAS đặt ra cho năm 2022 là quyết tâm đảm bảo vận hành an toàn các công trình khí; xây dựng chiến lược phát triển PV GAS để thích ứng trong điều kiện mới, gắn liền với Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và Chiến lược phát triển của Tập đoàn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ tăng cường phát triển mở rộng, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ khí/LNG và các sản phẩm khí; tập trung tăng cường quản trị, phát triển văn hóa doanh nghiệp với tầm nhìn mới với những giá trị “Khát vọng – Tiên phong – Bản lĩnh – Nghĩa tình”; xứng đáng là một thành viên chủ lực trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Tổng Giám đốc PV GAS Hoàng Văn Quang cho rằng, dù sao năm 2021 vẫn là mốc thời gian khó quên của doanh nghiệp bởi phải đối mặt với quá nhiều khó khăn. Nhưng năm 2021 lại là năm PV GAS đạt mức doanh thu lớn nhất từ trước đến nay.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành, huy động khí sụt giảm, PV GAS vẫn giữ vững tinh thần, chủ động tháo gỡ khó khăn, thực hiện thành công và vượt mức các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 để tiếp tục giữ vững vị thế đơn vị dẫn đầu và là một trong những trụ cột của PVN.
Nhất là khi làn sóng đại dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát trong nước từ cuối tháng 4/2021, diễn biến phức tạp và kéo dài, nhất là tại các tỉnh thành phía Nam, đã gây tác động tiêu cực đến đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư tại PV GAS, đặc biệt trong quý III kéo dài sang cả quý IV. Nhiều khách hàng dừng hoặc giảm sản xuất, hoạt động cầm chừng nên nhu cầu khí giảm mạnh; đặc biệt là huy động khí cho phát điện sụt giảm nghiêm trọng.
Cụ thể, huy động khí của khách hàng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giảm mạnh, chỉ bằng 76% so với cùng kỳ năm trước, bằng 69% kế hoạch của PVN. Nhu cầu của các hộ công nghiệp, thị trường có thời điểm giảm 35-40% đối với LPG và 25-30% đối với khí thấp áp, CNG so với khi dịch COVID-19 chưa bùng phát lần thứ 4. Việc huy động nguồn lực triển khai các dự án cũng như cho công tác bảo dưỡng sửa chữa gặp nhiều khó khăn, chi phí cho các hoạt động tăng cao…
Để vững tay chèo vượt sóng lớn, Tổng giám đốc Hoàng Văn Quang chia sẻ, trong bối cảnh khó khăn đó, PVGAS vẫn có những thuận lợi, tạo động lực cho sản xuất kinh doanh. Đó là giá dầu, giá cổ phiếu tăng và đặc biệt là chỉ đạo sát sao của PVN và hỗ trợ của các bộ ngành, địa phương, lực lượng phối hợp.
Bởi vậy, nhiều giải pháp trong hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn được triển khai đồng bộ và đạt hiểu quả tốt; kết hợp với việc kiểm soát tốt khâu phòng, chống dịch bệnh. Nhờ đó, các đơn vị thành viên đã cùng kiểm soát, bám sát chỉ tiêu kế hoạch được giao, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng từ những yếu tố bất lợi – ông Hoàng Văn Quang cho hay.
Tất cả hệ thống, công trình khí của PV GAS vận hành an toàn và hiệu quả; cấp khí, sản phẩm khí liên tục. Việc bảo dưỡng sửa chữa, kiểm định hiệu chuẩn được triển khai theo kế hoạch, đúng quy trình, chất lượng. Đặc biệt, việc bảo dưỡng sửa chữa dừng khí định kỳ hàng năm hoàn thành và đưa các hệ thống khí vào vận hành trước tiến độ…
Đây chính là những nền tảng vững chắc được duy trì và phát triển bền vững chính, trở thành bệ đỡ để PV GAS tiếp tục vượt qua các khó khăn, trở thành doanh nghiệp nổi bật trên thị trường chứng khoán, tiếp tục được các tổ chức uy tín trong và ngoài nước đánh giá cao.
Năm 2021, PV GAS đã cung cấp trên 7,1 tỷ m3 khí khô; sản xuất và cung cấp trên 65 nghìn tấn condensate; sản xuất và kinh doanh 2 triệu tấn LPG – về đích trước kế hoạch 2 tháng; tiếp tục duy trì cung cấp khí ổn định để sản xuất gần 15% sản lượng điện, 70% đạm, đáp ứng gần 70% thị phần LPG cả nước.
Ngoài việc đưa vào vận hành thành công kho nổi chứa LPG lạnh tại Thái Bình, năm 2021 PV GAS có sản lượng kinh doanh LPG lớn nhất từ trước đến nay.
Các chỉ tiêu tài chính cũng hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch từ 13-66% với doanh thu đạt trên 80 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 10,5 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 8,4 nghìn tỷ đồng; đóng góp đáng kể vào ngân sách Nhà nước – trên 5,8 nghìn tỷ đồng.
PV GAS luôn nằm trong Top đầu đơn vị có các chỉ số tài chính khả quan trong Tập đoàn ; Top đầu những đơn vị có vốn hóa lớn trên thị trường, có tỷ lệ chia cổ tức duy trì hàng năm bằng tiền mặt cao với 25%/vốn điều lệ.
Thêm một dấu ấn của PVGAS trong năm 2021 đó là hoạt động đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng ngành công nghiệp khí luôn được chú trọng, bám sát mục tiêu chiến lược; đặc biệt, các dự án LNG, chế biến sâu như: dự án kho LNG 1 triệu tấn, kho LNG 3 triệu tấn tại Thị Vải; đường ống thu gom, vận chuyển khí mỏ Sư Tử Trắng, chế biến sâu từ nguồn khí Sư Tử Trắng giai đoạn 2B; kho LNG/LPG lạnh khu vực miền Bắc…
Với giá trị giải ngân đầu tư xây dựng toàn PV GAS trên 5,7 nghìn tỷ đồng; trong đó, Công ty mẹ đạt gần 5 nghìn tỷ đồng, PV GAS là một trong những đơn vị có giá trị giải ngân đạt cao trong PVN.
Thời gian tới, PV GAS tiếp tục thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp cho phù hợp với phương án tái cấu trúc 2021-2025 đã được PVN phê duyệt và phù hợp với tình hình mới./.
Theo BNews/