Nhờ đó nhiều doanh nghiệp không chỉ khôi phục được sản xuất mà còn tạo được nền tảng để sẵn sàng bứt phá trong năm 2022.
Giữ nguồn lực lao động
Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jean, thông tin: Trong những tháng TP Hồ Chí Minh là tâm điểm của đợt dịch COVID-19 lần thứ tư, ngành dệt may chịu ảnh hưởng lớn khi vừa thiếu nguyên liệu, vừa thiếu lao động sản xuất, nguy cơ không hoàn thành đơn hàng rất cao. Tuy nhiên, cũng trong lúc “nguy nan” thì tinh thần vươn lên và khả năng thích nghi của doanh nghiệp lại được phát huy rất mạnh mẽ.
Tại Việt Thắng Jean, thời điểm sản xuất “3 tại chỗ”, Công ty chỉ bố trí được 30% lao động làm việc trực tiếp, một số ít làm việc trực tuyến để đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Thời gian đó nhiều lao động tìm cách về quê tránh dịch, doanh nghiệp có nguy cơ thiếu lao động sản xuất trong khi nhiều đơn hàng sắp đến hạn giao.
Trước tình thế đó, Công ty đã tập trung chăm lo, đảm bảo an sinh cho tất cả nhân viên. Với lao động ở lại và tham gia “3 tại chỗ”, Công ty hỗ trợ để được tiêm vaccine sớm, cải thiện môi trường làm việc, chỗ ở an toàn phòng chống dịch để công nhân yên tâm. Với những lao động tạm ngừng việc, Công ty vẫn hỗ trợ lương tối thiểu và thực phẩm thiết yếu để không ai thiếu đói trong thời gian giãn cách xã hội.
Ngay khi Thành phố chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, các hoạt động sản xuất được khôi phục, doanh nghiệp đã liên hệ và tổ chức các chuyến xe đón lao động các tỉnh trở lại làm việc. Bằng các giải pháp thiết thực đó mà hầu hết người lao động của Công ty đã quay lại làm việc.
“Sau thời gian nghỉ ngơi, được đảm bảo các nhu cầu thiết yếu về đời sống cũng như thu nhập người lao động hoàn toàn yên tâm và tập trung vào làm việc. Minh chứng cụ thể nhất, trong 3 tháng cuối năm 2021 năng suất của Công ty đã đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Không chỉ hoàn thành được các đơn hàng trong năm 2021 đúng tiến độ mà còn bắt đầu sản xuất các đơn hàng cho năm 2022”, ông Phạm Văn Việt chia sẻ.
Cũng như Việt Thắng Jean, nhiều doanh nghiệp khác đã dồn hết nguồn lực và tâm huyết để giữ được chân người lao động bằng cách tạo điều kiện để lao động làm việc tăng ca, tăng thu nhập, chăm lo đời sống, điều kiện ăn, ở, sinh hoạt.
Theo Hội Dệt may Thêu đan TP Hồ Chí Minh, dù vẫn đang gặp khó khăn do giá nguyên liệu không ổn định, song nhiều doanh nghệp dệt may đã nhanh chóng thích ứng bằng cách trao đổi thông tin, kế hoạch sản xuất với các nhà cung ứng và nhận được sự chia sẻ từ đối tác. Ngoài các nguồn nhập khẩu, doanh nghiệp cũng chú trọng tìm kiếm nguồn cung trong nước để giảm mức độ phụ thuộc cũng như tiết kiệm một phần chi phí vận chuyển.
Vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong quý III, sang quý IV các doanh nghiệp dệt may TP Hồ Chí Minh đã phục hồi một cách ngoạn mục, đóng góp 35% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của cả nước (39 tỷ USD), tăng trưởng 11,2% so với năm 2020 và đảm bảo việc làm cho 2 triệu lao động. Khả năng thích ứng linh hoạt của các doanh nghiệp Việt Nam được các đối tác nước ngoài đánh giá cao là cơ sở để ngành dệt may đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn trong năm 2022. Hiện tại, hầu hết doanh nghiệp đã có đơn đặt hàng đến hết quý I/2022, một số doanh nghiệp lớn đã có đơn sản xuất đến quý II/2022.
Linh hoạt, đổi mới để phát triển
Là ngành sản xuất đòi hỏi nhiều nhân công cũng như khối lượng nguyên liệu lớn, chế biến gỗ, nội thất đối mặt nhiều khó khăn trong giai đoạn cao điểm dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành luôn chủ động tìm kiếm phương án để thích nghi với điều kiện mới.
Ông Nguyễn Hoài Bảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Scansia Pacific cho biết, trong thời gian giãn cách, quy mô sản xuất bị thu hẹp, sản lượng hàng hóa không đáp ứng được nhu cầu thực tế nên doanh nghiệp ưu tiên thực hiện những đơn hàng cần gấp, còn lại thương lượng với đối tác dời hoặc lùi thời gian giao hàng. Ngay cả khi không thể giao hàng ngay, Công ty vẫn cố gắng giữ mối liên hệ thường xuyên với người mua hàng, cung cấp thông tin tình hình sản xuất để khách hàng yên tâm về khả năng đáp ứng đơn hàng ngay khi tình dịch tiến triển tốt hơn.
Nỗ lực của doanh nghiệp đã đạt được mục tiêu không để đứt gãy hoàn toàn chuỗi cung ứng trong nước và giữ chân được những khách hàng quan trọng ở nước ngoài. Để tận dụng tối đa cơ hội thị trường mua sắm những tháng cuối năm, doanh nghiệp đã chủ động dự trữ nguyên liệu đủ để sản xuất trong 3 tháng. Chính vì vậy, khi bước vào giai đoạn “bình thường mới” doanh nghiệp gần như ngay lập tức có thể đẩy nhanh tiến độ khôi phục sản xuất và hoàn tất các đơn hàng.
Cũng với tâm thế duy trì chuỗi cung ứng trong mọi điều kiện, ông Nguyễn Minh Nhật, Giám đốc Công ty TNHH ván ép cơ khí xây dựng Nhật Nam cho biết: Ngay khi nhận định diễn biến dịch phức tạp, Công ty mua trữ hết các loại vật tư, nguyên vật liệu đảm bảo duy trì sản xuất trong vòng 3-5 tháng; hỗ trợ các nhà cung ứng như ưu tiên thanh toán, đặt trước các đơn hàng nguyên liệu dài hạn. Về cơ cấu chủng loại sản phẩm, doanh nghiệp tập trung vào dòng sản phẩm chất lượng cao, đa năng nhưng tốn ít nguyên liệu.
Những nỗ lực của các doanh nghiệp đã đưa kim ngạch xuất khẩu ngành chế biến gỗ, lâm sản năm 2021 đạt trên 15,6 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2020 và vượt xa kế hoạch 14 tỷ USD đặt ra từ đầu năm.
Không chỉ linh hoạt thích ứng, một số doanh nghiệp còn tận dụng cơ hội để nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới phù hợp với xu hướng, thị hiếu người tiêu dùng cũng như khai thác hiệu quả các nền tảng thương mại mới để phát triển thị trường.
Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn cầu thông tin: Duy trì sản xuất trong khoảng thời gian giãn cách xã hội là thử thách lớn với các doanh nghiệp, phải hoạt động “ba tại chỗ”; việc lưu thông, phân phối hàng hóa bị ách tắc; giá nguyên liệu, chi phí vận chuyển tăng cao; sức mua giảm. Tuy nhiên, đây lại là thời điểm thích hợp để Công ty có thời gian tập trung vào nghiên cứu sản phẩm mới một cách chuyên sâu, bài bản.
Kế hoạch ban đầu, Công ty sẽ phát triển dòng sản phẩm cà phê kết hợp cùng trái cây, nông sản Việt (Meet More coffee) vào quý II/2022. Nhưng “nhờ” thời gian giãn cách mà Công ty có thời gian tập trung vào nghiên cứu, thử nghiệm và hoàn thiện nhiều sản phẩm mới hướng đến bảo vệ sức khỏe người dùng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Luận, đại dịch COVID-19 khiến thói quen mua sắm, nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng cũng thay đổi. Đây là cơ hội tốt để tận dụng mạng xã hội, kênh thương mại điện tử giới thiệu, mời dùng thử sản phẩm mới và thu thập dữ liệu đánh giá của khách hàng để điều chỉnh sản phẩm ngày càng tốt hơn. Chính vì vậy, dù dịch kéo dài nhưng doanh nghiệp vẫn giới thiệu được các sản phẩm mới đến khách hàng trong và ngoài nước. Riêng thị trường trong nước, lượng đặt hàng online tăng mạnh, doanh thu tăng hơn 20% nhờ nhóm sản phẩm mới.
“Trong khi nhiều doanh nghiệp khác chấp nhận “nằm im” trong cao điểm dịch hiện đang loay hoay tìm hướng đi thì việc đã hoàn thiện các sản phẩm mới trong năm 2021 là lợi thế và nền tảng quan trọng để chúng tôi tiến thẳng đến giai đoạn bứt phá, chiếm lĩnh thị trường trong năm 2022 . Mục tiêu chúng tôi đề ra là tăng trưởng gấp đôi năm 2021, trong đó nâng tỷ trọng xuất khẩu lên 60% tổng sản lượng sản xuất và đưa sản phẩm lên kệ tất cả các hệ thống siêu thị bán lẻ trong nước”, ông Nguyễn Ngọc Luận chia sẻ.
Theo Báo Tin Tức