Nhận thấy được hiệu quả của giao dịch thương mại điện tử, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đang thúc đẩy thương mại sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp theo hướng này, để tăng cường kết nối sản xuất và tiêu thụ cho người sản xuất.
Tạo điều kiện cho người sản xuất tiêu thụ sản phẩm
Công nghệ thông tin hiện nay đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Bằng sự thâm nhập của các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube, Twitter, Instagram… vào Việt Nam từ năm 2008, đã khiến cho hệ thống kênh phân phối tiêu dùng của người dân có sự chuyển biến lớn. Đặc biệt là trong giai đoạn các tỉnh khu vực phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội, ứng phó dịch bệnh COVID-19 trong những tháng qua, thương mại điện tử càng phát huy mạnh mẽ hiệu quả của nó.
Cũng trong thời gian này, nguồn nông sản của người dân sản xuất và cả sản phẩm nông sản chế biến của các doanh nghiệp xảy ra tình trạng ùn ứ do khó vận chuyển, thiếu kênh quảng bá và tiếp cận thông tin tiêu dùng. Người sản xuất đã phải mày mò để kết nối tiêu thụ nông sản do mình làm ra chỉ bằng các kênh thương mại điện tử.
Nhận thấy được công năng và hiệu quả của thương mại điện tử, tháng 7/2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai việc đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử. Đến nay, sở đã tổng hợp, cung cấp danh sách đầy đủ thông tin của cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc phạm vi quản lý của Sở cho các đơn vị liên quan. Đồng thời, sở cũng đã ban hành văn bản gửi UBND các huyện, thị, thành phố để cung cấp danh sách và đề nghị đẩy nhanh tiến độ cung cấp danh sách này.
Theo ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, những năm gần đây, thực hiện chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong liên kết tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có nhiều chỉ đạo xây dựng phần mềm trong quản lý sản xuất và tiêu thụ sàn phẩm, hàng hóa. Tuy nhiên, những năm qua, trước khi xảy ra dịch bệnh COVID-19, tỉnh triển khai các phần mềm liên kết tiêu thụ còn nhỏ lẻ, rời rạc, chưa có sự liên kết đồng bộ. Trong đợt ứng phó với dịch bệnh COVID-19 vừa qua, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thấy rõ được tính hiệu quả của các phần mềm, các ứng dụng thương mại điện tử.
Chính vì vậy, tỉnh đã hướng tới xác lập chuyển đổi số mạnh mẽ; trong đó chú ý nhất là đẩy sản phẩm nông nghiệp lên sàn giao dịch điện tử; đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cũng tập trung hướng dẫn người dân khai thác được các sàn giao dịch điện tử. Có như vậy, tỉnh mới thúc đẩy được tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của các hộ nông dân.
Cách thay đổi tập quán sản xuất nhanh nhất
Khi người sản xuất nông nghiệp tại Bà Rịa – Vũng Tàu đã có một “sân chơi” cho các loại sản phẩm do họ làm ra, thì việc tuân thủ các tiêu chí sản xuất, cũng như đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng là điều mà họ được nắm bắt trước tiên khi tiếp cận thương mại điện tử. Bởi người tiêu dùng hiện nay vốn không còn “dễ tính”, người sản xuất bán gì thì mua nấy, mà người tiêu dùng trong tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng, người tiêu dùng của cả nước và trên thế giới nói chung đều cần sản phẩm an toàn, chất lượng.
Theo ông Lâm Ngọc Nhâm, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thương Mại Dịch vụ Bầu Mây, thông qua sàn giao dịch điện tử, các thành viên Hợp tác xã Bầu Mây tiêu thụ hạt tiêu tốt hơn so với trước đây. Đây là xu hướng tất yếu vì thương mại điện tử đang phát triển ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Nhất là trong giai đoạn ứng phó với dịch bệnh COVID-19, sàn thương mại điện tử là mối liên kết giúp nông dân tiêu thụ nông sản, cũng giúp người tiêu dùng tiếp cận được sản phẩm, hàng hóa khi không thể đến trực tiếp cửa hàng như trước đây. Đây cũng là cách quảng bá sản phẩm mà người sản xuất mất ít thời gian và chi phí nhất, để đầu tư vào việc phát triển sản phẩm chất lượng theo yêu cầu của người tiêu dùng.
Hiện nay, Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Bầu Mây đang có hơn 10 sản phẩm đã được chứng nhận GlobalGAP được đưa lên giao dịch, mua bán trên sàn thương mại điện tử postmart.vn như: tiêu một nắng, tiêu không hạt, tiêu sữa, củ hoài sơn, bột hoài sơn…
Qua kinh nghiệm ứng phó dịch bệnh, các doanh nghiệp và người sản xuất đều nhận thấy, phải đảm bảo được các tiêu chuẩn sản xuất VietGAP, GlobalGAP…. thì các hộ sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã mới có thể tiêu thụ sản phẩm nhanh chóng và đảm bảo cung ứng cho nhu cầu của người tiêu dùng.
Tính đến tháng 10/2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã cung cấp danh sách 9.313 hộ sản xuất, cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã cho Sở Thông tin và Truyền thông, đã tạo 4.524 tài khoản trên sàn postmart.vn và 4.556 tài khoản trên sàn voso.vn. Kết quả số lượng sản phẩm đã kết nối qua điểm bán cố định và qua 2 sàn thương mại điện từ nêu trên là 364,1 tấn.
Ông Hoàng Văn Cường, Giám đốc Viettel Post, Chi nhánh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, để vận hành thương mại điện tử, các sàn thương mại cần một đội ngũ giao hàng chuyên nghiệp lớn, mới có thể đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng cùng lúc. Bưu chính Viettel có 22.000 nhân viên trên cả nước, riêng tại Bà Rịa-Vũng Tàu có 550 nhân viên phục vụ cho giao nhận hàng hóa. Khi tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đưa sản phẩm của nông dân, hợp tác xã lên sàn thương mại điện tử của Viettel Post, nguồn hàng này sẽ đến tay người tiêu dùng nhanh nhất, với chất lượng được đảm bảo tốt nhất.
Quy trình đưa sản phẩm lên sàn rất đơn giản, hội nông dân các đơn vị cung cấp đủ thông tin người sản xuất, địa chỉ liên hệ, số điện thoại, căn cước công dân là có thể tạo một tài khoản giao dịch thương mại điện tử trên sản Viettel Post. Song song với trang web, Viettel Post cũng đã tạo một ứng dụng để người sản xuất thuận tiện trong việc sử dụng, giao thương thương mại điện tử.
Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, trong thời gian tới, sở tiếp tục phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nông dân tỉnh, Bưu điện tỉnh và Bưu chính Viettel Vũng Tàu phổ biến, hướng dẫn cho các cơ sở tham gia tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử. Đồng thời, sở cũng lồng ghép thông qua hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề nông thôn, đào tạo nguồn nhân lực ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.
Đơn vị cũng sẽ phối hợp với các địa phương cập nhật lịch thời vụ thu hoạch các sản phẩm nông sản, thủy sản, ước sản lượng theo từng loại, tiêu chuẩn sản phẩm… để phối hợp với các đơn vị có kế hoạch truyền thông quảng bá, kết nối tiêu thụ, tránh tồn đọng khi vào chính vụ và cập nhật thường xuyên thông tin về thị trường, giá cả, dịch bệnh, tình hình vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu để cung cấp thông tin cho các hộ sản xuất.
Việc tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử là động lực để người sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ tăng cường công tác xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, khuyến khích phát triển liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng, ổn định và truy xuất được nguồn gốc…
“Đây cũng là phương án nhanh nhất giúp người sản xuất thay đổi tập quán và tư duy sản xuất, bởi thông quan những phản ánh trực tiếp từ người tiêu dùng trên sàn thường mại điện tử, nông dân sẽ hiểu được nhu cầu của người tiêu dùng, sản phẩm nào đang cần để hướng tới tính toán sản xuất cho phù hợp, tăng thu nhập của nông dân”, ông Trần Văn Cường, nhấn mạnh thêm.
Theo Báo Tin Tức