Trang chủ » Phát triển hạ tầng số nhằm tạo lập và duy trì các kết nối, đảm bảo dòng chảy dữ liệu

Phát triển hạ tầng số nhằm tạo lập và duy trì các kết nối, đảm bảo dòng chảy dữ liệu

bởi unexpress

Mở rộng diện bao phủ nhưng chất lượng cần nâng cấp

Ông Đỗ Ngọc An, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Việt Nam đã phủ khắp các tỉnh thành trong cả nước. Hạ tầng số với thành phần cốt lõi là hạ tầng viễn thông băng rộng kết nối đến từng gia đình, từng cá nhân, hạ tầng điện toán đám mây, nền tảng định danh và xác thực số đang được thúc đẩy phát triển, đầu tư trước để đi cùng nhịp với các nước trên thế giới về ứng dụng công nghệ mới…

Chú thích ảnh
Lắp đặt các trạm phát sóng hạ tầng viễn thông. Ảnh: TL

Tuy nhiên, ông Đỗ Ngọc An cũng chỉ ra hệ thống hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin còn chậm về tốc độ, chưa đáp ứng được các yêu cầu phát triển IoT, thành phố thông minh, phương tiện tự động, sản xuất thông minh… Việc tiếp cận dịch vụ băng rộng ở nông thôn, miền núi còn hạn chế.

Ngoài ra, hạ tầng vật lý chưa đáp ứng được yêu cầu ứng dụng các phương thức quản lý thông minh. Hệ thống hạ tầng cơ sở dữ liệu dùng chung quốc gia còn chậm được triển khai. Cơ sở dữ liệu quy mô quốc gia tạo nền tảng cho kinh tế số còn phân tán, thiếu, chưa được chuẩn hóa và đồng bộ. Hạ tầng thanh toán số chưa đồng bộ, chưa tận dụng được các hạ tầng chung, độ phủ chưa lớn…

Do đó, quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế. Nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại còn thấp…

Các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin cùng chung nhận định, hạ tầng số là nền tảng căn bản để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế số quốc gia.

Phân tích tầm quan trọng của các hạ tầng: dữ liệu, tính toán trí tuệ nhân tạo, kết nối và định danh số, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long nhấn mạnh, hạ tầng số là một hạ tầng thiết yếu, đóng vai trò tạo lập và duy trì các kết nối, đảm bảo dòng chảy dữ liệu giữa các thực thể trong một nền kinh tế số, xã hội số.

Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, cuộc đổi mới của ngành viễn thông lần 1 diễn ra cách đây 30 năm là một cú hích để viễn thông trở thành một trong những lĩnh vực phát triển mạnh mẽ nhất. Ở cuộc đổi mới lần 2 của ngành viễn thông hiện nay chính là chuyển đổi từ hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số với mục tiêu phát triển hạ tầng số đi trước một bước để đảm bảo sẵn sàng và tạo động lực cho kinh tế số, xã hội số phát triển.

Sẽ phủ sóng băng rộng cố định và di động tới 100% thôn bản

Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Dự thảo chiến lược đã xác định tầm nhìn mục tiêu phát triển hạ tầng số sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của các ngành và trở thành động lực phát triển kinh tế, đưa kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030.

Dự thảo cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đưa Việt Nam vào nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về phát triển hạ tầng số. Ông Phạm Đức Long cho rằng, đây là một nỗ lực rất lớn của ngành Thông tin và Truyền thông để xây dựng và phát triển hạ tầng số, đảm bảo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số.

Cùng với đó là đảm bảo mọi người dân được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ số tiên tiến với chất lượng cao và giá cả phù hợp; trong đó sẽ phủ sóng băng rộng cố định và di động tới 100% thôn bản; triển khai phủ sóng 5G vào năm 2022.

Chú thích ảnh
Trung tâm điều hành thành phố thông minh tại Đà Lạt (Lâm Đồng).

Đặc biệt, mục tiêu sẽ phổ cập smartphone tới 100% dân số ở độ tuổi trưởng thành và mỗi hộ gia đình có 1 đường cáp quang là một chỉ tiêu rất thách thức với ngành. Tuy nhiên, muốn phát triển kinh tế số thì phải có thị trường số. Muốn xây dựng và tạo lập được thị trường kinh tế số thì mỗi người dân, hộ gia đình, doanh nghiệp phải có được kết nối số.

Dự thảo cũng đặt mục tiêu đưa Việt Nam nằm trong nhóm 2 nước dẫn đầu ASEAN về trung tâm dữ liệu.

Để đạt được mục tiêu trên, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, trong những năm tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ sửa đổi Luật Viễn thông, Luật Tần số vô tuyến điện và Luật công nghiệp công nghệ số với mục tiêu tạo hành lang pháp lý phù hợp sự phát triển của công nghệ mới như 5G (6G trong tương lai), thúc đẩy các lĩnh vực trong nền kinh tế phát triển… Bên cạnh đó sẽ xây dựng cơ chế chính sách phát triển IoT; các hạ tầng: định danh số, trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, dữ liệu lớn và AI đạt tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số quốc gia…

Tại hội thảo, ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam kịp thời chuyển sang chiến lược mới nhằm thích ứng an toàn, ứng phó linh hoạt và kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19; đồng thời tăng cường các biện pháp thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. “Chúng tôi lạc quan và tin tưởng, dựa trên kinh nghiệm bài học từ các đợt bùng phát dịch bệnh trong thời gian qua, Chính phủ và người dân Việt Nam có thể kiểm soát được đại dịch và lấy lại đà tăng trưởng sớm”, ông Andrew Jeffries cho biết.

Dịch COVID-19 đã tăng cường khả năng chống chịu đòi hỏi phải có các giải pháp mới cho những thách thức mà cộng đồng và doanh nghiệp phải đối mặt thời kỳ đại dịch. Hơn thế nữa, việc sử dụng có chiến lược công nghệ số là phương tiện để đạt được điều này. “Những tác động của COVID-19 tới sức khỏe, sinh kế của người dân và hoạt động kinh tế là rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, đại dịch đã thúc đẩy quá trình số hóa, nhờ đó không chỉ giảm bớt tác động tiêu cực của đại dịch đối với hoạt động kinh tế xã hội mà còn tạo nền tảng cho phục hồi kinh tế dài hạn” ông Andrew Jeffries đánh giá.

Số hóa, sử dụng công nghệ số đã trở thành một thành phần không thể thiếu của khả năng chống chịu và phục hồi kinh tế dài hạn sau đại dịch, một động lực mới thúc đẩy tiếp nối tăng trưởng và đổi mới sáng tạo trong nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội quan trọng…

“Việt Nam nên tận dụng cơ hội này để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong các doanh nghiệp và các cơ quan chính phủ để đạt được các lợi ích của số hóa. Để hiện thực hóa tiềm năng từ số hóa, Việt Nam cần tập trung các chính sách và cải cách trên nhiều phương diện”, chuyên gia ADB nhấn mạnh.

Với vai trò đồng hành và dẫn dắt quá trình chuyển đổi số quốc gia, từ góc nhìn của doanh nghiệp, đại diện FPT muốn thúc đẩy phát triển kinh tế số thì chỉ có cách thực hiện chuyển đổi số một cách mạnh mẽ và toàn diện ở tất cả các lĩnh vực của chính phủ, tổ chức và doanh nghiệp.

Trong khi đó, hạ tầng số là một thành phần chủ chốt của chuyển đổi số. Hạ tầng số phải đi trước, phải xây dựng một cơ sở hạ tầng số mạnh mẽ để làm nền tảng thúc đẩy phát triển chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số.

FPT đã tham gia sâu rộng vào các lĩnh vực phát triển hạ tầng số ở Việt Nam, trong những năm qua, với các trụ cột của hạ tầng số bao gồm: Mạng di động, mạng Internet và điện toán đám mây (Cloud).

Đáng chú ý, với hàng triệu doanh nghiệp đang cần chuyển đổi số thì Cloud chính là chìa khoá để giải quyết các vấn đề từ đó tạo động lực để nền kinh tế số có thể tăng trưởng một cách đột biến, hướng tới mục tiêu đạt tỷ trọng 20% GDP đất nước đến năm 2025.

Cụ thể, Could có khả năng cung cấp hạ tầng một cách nhanh chóng, doanh nghiệp chỉ mất vài ngày, thậm chỉ vài giờ để có một hạ tầng đầy đủ đáp ứng mục tiêu kinh doanh.

Ông Phan Hồng Tâm – Giám đốc hạ tầng FPT Smart Cloud chia sẻ, có thể nhìn thấy các thách thức từ chuyển đổi số, từ chiến lược đến hạ tầng, và phải áp dụng cách thức mới để giải quyết các vấn đề.

“Chúng tôi tin rằng, mô hình Future is as a Service on e-Infrastruture tức là mô hình dịch vụ trên hạ tầng số sẽ là câu trả lời cho mọi doanh nghiệp”, ông Phan Hồng Tâm chia sẻ.

Theo Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm