BNEWS Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long nhìn từ Quy hoạch tích hợp
Chiều 1/8, tại thành phố Cần Thơ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Australia tại Tp. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo chính sách “Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long nhìn từ Quy hoạch tích hợp”.
Tham dự hội thảo có đại diện các bộ, ban ngành Trung ương, các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế, các tổ chức quốc tế, lãnh đạo Ủy ban nhân dân, đại diện các doanh nghiệp các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế chia sẻ về các nội dung: Nhận diện mô hình phát triển cho Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021 – 2030; Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long 2021-2030, những dự án ủng hộ từ cộng đồng quốc tế; Chính sách cần cho chuyển đổi năng lượng sạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Xây dựng nguồn nhân lực phù hợp với định hướng phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Xu hướng sử dụng lao động – những vấn đề đặt ra cho Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời thảo luận về việc nhận diện mô hình phát triển và những chính sách nhìn từ quy hoạch tích hợp. Qua đó, khuyến nghị các chính sách để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững trong tương lai.
Theo ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI, Quy hoạch tích hợp Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 được ví như là một sự sắp đặt lại cấu trúc kinh tế của vùng vốn đã manh mún, bị chi phối bởi quan niệm phát triển và cách tiếp cận trong hoạch định tăng trưởng của từng địa phương.
Tuy nhiên, để các nghị quyết quan trọng được triển khai, bản quy hoạch tích hợp được nhanh chóng được thực thi, đòi hỏi các địa phương trong vùng cần định hình lại mô hình phát triển. Theo đó, các chính sách đi kèm cần được xây dựng một cách đầy đủ, mang tính thực tiễn để nắm bắt cơ hội phát triển mới.
Để có những chính sách hiệu quả, các địa phương cần tìm hiểu những khó khăn thực tại của doanh nghiệp và những sáng kiến từ cộng đồng, từ đó cùng nhau hợp tác, cùng nhau tư duy để tìm mô hình phát triển mới…
Bên cạnh đó, những kinh nghiệm quốc tế cũng như tập hợp các nguồn lực từ bên ngoài rất cần được tận dụng để các địa phương khai thác tối đa những tiềm năng, thích ứng với thách thức và tiếp cận cơ hội đang đến.
Hội thảo sẽ khuyến nghị những chính sách cần thiết, cụ thể để giúp doanh nghiệp, các ngành và kinh tế vùng nói chung phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, là một người con Đồng bằng sông Cửu Long và cũng là người chịu trách nhiệm đứng đầu ngành nông nghiệp Việt Nam, ông rất trăn trở với tình hình khó khăn về kinh tế xã hội của người dân nơi đây trong thời gian qua.
Theo Bộ trưởng, việc đổi mới chính sách cần xuất phát từ doanh nghiệp, người dân. Đồng bằng sông Cửu Long cần tự đổi mới các mô hình rồi khuyến nghị chính sách. Bộ trưởng sẵn sàng đồng hành cùng với các doanh nghiệp để hình thành một mô hình mới, trong đó ngành nông nghiệp rất trông chờ vào những mô hình đổi mới từ Đồng bằng sông Cửu Long.
Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, chúng ta không phân biệt các lĩnh vực công, tư, bộ, ngành, doanh nghiệp, địa phương. Quy hoạch tích hợp cần mang được giá trị tâm huyết của tất cả các thành phần công, tư, doanh nghiệp, của người dân, của xã hội, của chuyên gia … mới mang lại thành công. Nếu chỉ dừng lại ở một bản quy hoạch tích hợp mà không kích hoạt được cả hệ sinh thái, không có sự tham gia của các doanh nghiệp thì sẽ không đạt được giá trị.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng, cần tạo ra nhiều việc làm cho người dân ở nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long để hạn chế việc di dân. Người dân từ Đồng bằng sông Cửu Long đổ về Đồng Nai, Bình Dương, Tp. Hồ Chí Minh bởi người dân ở lại nông thôn không có việc làm, không có thu nhập…
Vì vậy, trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới sắp tới các tỉnh thành cần phải chú trọng phát triển kinh tế nông thôn, đồng thời cần phải thay đổi tư duy từ sản lượng lương thực sang giá trị lương thực… Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, tài nguyên đất, nước và môi trường ở Đồng bằng sông Cửu Long đang suy giảm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, những thách thức về nước biển dâng, nhập mặn và chính sách, tập quán canh tác bất cập kéo dài bào mòn sức sống của Đồng bằng sông Cửu Long và kinh tế vùng đang bị tụt hậu so với cả nước.
TS. Vũ Thành Tự Anh nhìn nhận, trong bối cảnh phát triển Đồng bằng sông Cửu Long có 3 chuyển đổi lớn của vùng gồm: nông nghiệp, chuyển đổi số và chuyển đổi nhân khẩu. Ngoài ra, Đồng bằng sông Cửu Long cũng có 3 cú sốc lớn gồm: môi trường, kinh tế và y tế.
Đối với quan điểm về mô hình phát triển phù hợp cho Đồng bằng sông Cửu Long, TS. Vũ Thành Tự Anh cho rằng, cần hài hòa kinh tế, xã hội, môi trường, từng bước chuyển đổi thứ bậc ưu tiên dựa trên lợi thế so sánh từ lúa gạo, thủy sản, trái cây sang thủy sản, trái cây, lúa gạo.
Ngoài ra, chú trọng đến chất lượng và giá trị hơn số lượng, coi nước mặn, nước lợ đều là tài nguyên quý báu. Đồng thời, tháo gỡ các nút thắt phát triển, tìm kiếm động lực tăng trưởng mới; hướng đến kinh tế nông nghiệp hiện đại thay cho sản xuất nông nghiệp truyền thống và huy động nguồn lực phát triển cho Đồng bằng sông Cửu Long.
TS.Vũ Thành Tự Anh cũng cho rằng, Đồng bằng sông Cửu Long đứng trước một loạt những cơ hội không phải là thách thức. Cơ hội đầu tiên đó là tăng trưởng xanh với chuyển đổi số, với kinh tế tuần hoàn, đó là động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của đồng bằng.
Thứ hai là trong quy hoạch tích hợp thì đưa vào khái niệm đó là hình thành các trung tâm đầu mối; trong đó, có một trung tâm khổng lồ đặt ở Cần Thơ và 7 trung tâm đầu mối ở 7 địa phương khác gắn liền với cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cảng biển, giao thông và logistics…
Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, Đồng bằng sông Cửu Long muốn giảm diện tích trồng lúa sẽ rất khó vì ng
ười nông dân không trồng lúa thì sẽ không biết trồng cây gì, bởi thổ nhưỡng vùng này phù hợp với cây lúa. Vấn đề quan trọng là phải giảm số lượng và nâng chất lượng hạt gạo.
Nếu trước đây nông dân sản xuất manh mún, nhỏ lẻ thì giờ đây cần sản xuất theo mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân mà mô hình này hiện tại chỉ có Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An và Tập đoàn Lộc Trời thực hiện rất hiệu quả.
“Đồng bằng sông Cửu Long không phải thay đổi gì nữa, nhưng chúng ta phải thay đổi tư duy, không trồng sản lượng nhiều nữa mà hãy nâng cao chất lượng theo nhu cầu của các nước. Chúng ta cần làm cơ chế chính sách làm sao cho có thật nhiều doanh nghiệp sản xuất theo mô hình cánh đồng liên kết với nông dân”, ông Phạm Thái Bình nêu quan điểm.
Theo ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời, hiện nay lợi nhuận của nông dân chỉ đạt khoảng 30% nhưng việc phân bổ lợi nhuận là chưa hợp lý. Trong khi thu nhập của nông dân hiện nay không tăng thì tất cả những người hợp tác với nông dân đều giàu lên nhanh chóng, như các doanh nghiệp, công ty chế biến xuất khẩu gạo, cung ứng vật tư nông nghiệp, giống…
Vì vậy dư địa phân phối lại lợi nhuận cho nông dân còn rất lớn và cần được tổ chức lại một cách hợp lý để tăng lợi nhuận cho nông dân. Mặc khác, trong khâu chế biến, chúng ta chủ yếu tập trung vào bán gạo, trong khi các phụ phẩm từ gạo như: cám, tấm, trấu… sẽ trở thành chính phẩm và có giá trị thu nhập rất cao nếu được tập trung chế biến sâu. Dư địa này hoàn toàn được các nhà khoa học nghiên cứu làm được.
Tập đoàn Lộc Trời đã tập trung nghiên cứu sản phẩm thứ cấp sau gạo và theo như tính toán sơ bộ cho thấy, riêng lĩnh vực này có thể làm tăng thêm thu nhập một lần nữa cho nông dân. Tổ chức lại sản xuất, xây dựng được hệ sinh thái thì có thể làm giảm thêm một nửa giá thành trong sản xuất lúa. Nói cách khác nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp, chúng ta có thể làm cho thu nhập của nông dân sản xuất lúa tăng lên gấp 3 lần so với hiện tại.
Theo ông Thòn, những dư địa trong sản xuất, chế biến, phân phối lúa gạo là còn rất lớn và theo đó chúng ta có thể xây dựng chương trình hành động mang tính chất cách mạng nhằm đảm bảo thu nhập của người nông dân trồng lúa đạt cao hơn chứ không cần phải giảm diện tích đất trồng lúa./.
Theo BNews/