BNEWS Bắc Giang phát động chương trình du lịch với chủ đề “Hương sắc mùa Hè Lục Ngạn” năm 2022, hướng đến phát triển du lịch sinh thái cộng, với mục tiêu thu hút 1 triệu khách tham quan vào năm 2025.
Ngày 14/6, tại Bắc Giang diễn ra Hội nghị Xúc tiến du lịch và phát động chương trình du lịch với chủ đề “Hương sắc mùa Hè Lục Ngạn” năm 2022. Hội nghị nằm trong chương trình khảo sát tour du lịch mùa vải thiều huyện Lục Ngạn do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang, UBND huyện Lục Ngạn, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức trong hai ngày 13 và 14-6/2022.
Đây là sự kiện quan trọng thể hiện sự nỗ lực vượt khó khăn, phục hồi và quyết tâm đẩy mạnh phát triển ngành du lịch của huyện Lục Ngạn nói riêng và của tỉnh Bắc Giang nói chung trước những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19.
Theo đề án phát triển du lịch sinh thái cộng đồng huyện Lục Ngạn, đến năm 2025, huyện hình thành 7 điểm du lịch được công nhận. Mỗi điểm có từ 10-20 hộ dân tham gia làm du lịch, phấn đấu thu hút 1 triệu khách tham quan, trải nghiệm vào năm 2025.
Phát biểu tại hội nghị, ông La Văn Nam, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, trong 2 năm qua, du lịch của Lục Ngạn, Bắc Giang nói riêng, cả nước nói chung đã bị ảnh hưởng rất lớn của dịch COVID-19. Do đó, để khôi phục, phát triển du lịch, từ cuối năm 2021 đến nay, huyện Lục Ngạn luôn quan tâm, có nhiều giải pháp từ tuyên truyền quảng bá, học tập kinh nghiệm, đầu tư hạ tầng, xây dựng sản phẩm du lịch đến huy động và nâng cao ý thức, hiểu biết của người dân khi tham gia làm du lịch.
Chính vì vậy, du lịch trên địa bàn huyện Lục Ngạn có những phát triển vượt bậc, tạo dấu ấn mạnh mẽ; nhiều đơn vị lữ hành đã kết nối tour đưa khách về Lục Ngạn; nhiều hợp tác xã du lịch của huyện đã trực tiếp tổ chức đưa đón và phục vụ các đoàn khách đến tham quan trọn gói tại huyện.
Lục Ngạn là huyện miền núi phía đông bắc của tỉnh Bắc Giang với khí hậu ôn hoà để trở thành một vùng cây ăn quả trù phú với diện tích cây ăn quả trên 28.000 ha, trong đó có nhiều loại cây đặc sản như vải thiều, nhãn, cam ngọt, bưởi….
Trong chu kỳ một năm, Lục Ngạn có 4 mùa hoa trái để đón khách du lịch thăm quan, trải nghiệm; từ tháng 1 đến tháng 3 có cam V2 và táo, hoa mận, hoa cam, bưởi và vải; tháng 3 ngắm hoa và trải nghiệm quay mật ong; tháng 5,6,7 có vải; tháng 7, 8 có nhãn; tháng 9 đến tháng 12 có cam, bưởi, táo, ổi, chuối… Những mùa thu hoạch, du khách có thể trải nghiệm tận tay hái trái tại vườn. Chất lượng trái cây Lục Ngạn ngày càng cao, đậm vị, hình thức đẹp nên được người tiêu dùng ưa chuộng.
Đáng chú ý, mùa Hè là mùa vải thiều chín, Lục Ngạn được đón nhiều thương nhân trong và ngoài nước, khách du lịch, người lao động khắp nơi về để mua bán, tham quan, trải nghiệm, tham gia các hoạt động trong vụ thu hoạch vải thiều.
Bên cạnh đó, Lục Ngạn có nhiều di tích được xếp hạng, tiêu biểu phải kể đến di tích quốc gia chùa Am Vãi, đền Hả. Cùng với những giá trị đặc sắc về văn hoá, Lục Ngạn có nhiều thắng cảnh thiên nhiên đẹp như: hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần thơ mộng, yên bình; suối Cặm, suối Đấy, suối Tà Cang hoang sơ, kỳ vĩ… Lục Ngạn cũng có 3 làng nghề truyền thống là: làng nghề mỳ Chũ, xã Nam Dương; làng nghề rượu mem lá xã Kiên Thành; làng nghề cây cảnh thôn Bồng 1, xã Thanh Hải.
“Do đó, để khai thác tiềm năng và phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, UBND huyện tổ chức phát động chương trình du lịch “Hương sắc mùa Hè Lục Ngạn” năm 2022 nhằm quảng bá, mời gọi du khách về Lục Ngạn tham quan, trải nghiệm tại các vườn cây, ngắm cảnh đẹp thưởng thức những trái vải thiều đặc sản thơm ngon – trái cây được xác lập là 1 trong 10 món ăn, đặc sản đạt giá trị kỷ lục Đông Nam Á năm 2018. Đây là một chương trình với hướng đi mới của Lục Ngạn trong phát triển du lịch”, ông La Văn Nam cho biết./.
>>>Đức: Ngành du lịch hưởng lợi từ ưu đãi giá vé giao thông công cộng
Theo BNews/