Nếu không kể số tiền thuế nợ đang xử lý (đang trình cấp có thẩm quyền xóa nợ, miễn giảm, gia hạn, nộp dần tiền thuế) và tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện, tổng số tiền thuế nợ tính đến thời điểm ngày 30/6 là 105.315 tỷ đồng, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, tiền thuế nợ có khả năng thu là 80.037 tỷ đồng, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm ngoái, gồm: Các khoản nợ thuế, phí là 38.982 tỷ đồng, tăng 26,4% so với cùng kỳ; các khoản nợ liên quan đến đất là 21.063 tỷ đồng, tăng 40,7% so với cùng kỳ; tiền phạt và tiền chậm nộp phát sinh của nợ có khả năng thu (tính 0,03%/ngày trên số thuế chậm nộp) là 19.992 tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ.
Lũy kế đến 30/6, toàn ngành Thuế thu hồi nợ thuế ước đạt 16.302 tỷ đồng, bằng 54,2% chỉ tiêu thu nợ được giao. Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ là 11.012 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 5.290 tỷ đồng.
Để thu hồi, xử lý nợ thuế hiệu quả năm 2021, Tổng cục Thuế đã xây dựng và giao chỉ tiêu thu nợ thuế đến từng cục thuế, giao tổng số tiền thuế nợ không vượt quá 5% so với tổng số thực thu ngân sách năm 2021; thu tối thiểu 80% các khoản tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày thời điểm 31/12/2020 chuyển sang; phấn đấu đến 31/12/2021 hoàn thành việc xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội….
Để kéo giảm tỷ lệ nợ thuế xuống dưới 5% tổng thu năm 2021, Tổng cục Thuế chỉ đạo cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục rà soát, phân loại nợ, phân tích nguyên nhân nợ của từng người nộp thuế (NNT) nợ thuế; lập danh sách các doanh nghiệp, cá nhân nợ thuế theo từng nhóm nợ, nguyên nhân nợ, đặc biệt tập trung phân loại những NNT bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 và NNT không bị ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng nợ thuế để có biện pháp hỗ trợ.
Cùng với đó, toàn ngành tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc xử lý nợ đọng thuế, trực tiếp chỉ đạo xử lý nợ đọng đối với các doanh nghiệp nợ lớn. Hàng tháng đánh giá tình hình thực hiện đôn đốc và thông báo bổ sung những trường hợp nợ mới phát sinh, nợ thuế tăng cao để cục thuế tổ chức đôn đốc thu kịp thời vào ngân sách Nhà nước (NSNN).
Tại buổi họp trực tuyến mới đây của ngành Thuế trong 6 tháng cuối năm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai yêu cầu ngành Thuế tiếp tục tăng cường quản lý, chống thất thu thuế, đẩy mạnh chống chuyển giá, trốn thuế; rà soát các nguồn thu còn dư địa, còn tiềm năng để khai thác tăng thu; thanh tra, kiểm tra những doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao, có dư địa khai thác số thu lớn như: Đất đai, tài nguyên, khoáng sản, các dự án hết thời gian ưu đãi thuế…; đẩy mạnh công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng, dịch vụ viễn thông, Internet…
Thứ trưởng Bộ Tài chính đặc biệt lưu ý ngành Thuế cần quyết liệt triển khai Đề án hóa đơn điện tử đáp ứng các quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ đúng tiến độ, đảm bảo thực hiện trên phạm vi toàn quốc từ ngày 1/7/2022 thông suốt. “Tổng cục Thuế cần tiếp tục rà soát, tham mưu với Bộ Tài chính để báo cáo cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước, phấn đấu hoàn thành vượt dự toán đã đươc Chính phủ, Quốc hội giao năm 2021”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, dịch COVID-19 đang bùng phát còn diễn biến phức tạp, từng cơ quan, đơn vị phải tổ chức đánh giá, xác định cụ thể mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19 gây ra đến từng ngành, lĩnh vực, từng người nộp thuế. Do đó ngành Thuế cần tập trung hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc để người nộp thuế phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu bền vững cho NSNN. Để người nộp thuế được hưởng thụ chính sách gia hạn, ngành Thuế cần tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, đa dạng hóa các phương thức, hình thức tuyên truyền về Nghị định 52/2021/NĐ-CP để người nộp thuế biết và chủ động làm thủ tục gia hạn.
Theo Báo Tin Tức