Trang chủ » Những người lính cứu hỏa vì dân sẵn sàng hy sinh ​

Những người lính cứu hỏa vì dân sẵn sàng hy sinh ​

bởi unexpress

BNEWS Người lính cứu hỏa đã chọn nghề này là sẵn sàng chấp nhận hy sinh, chấp nhận mất mát để thực hiện nhiệm vụ cứu người, cứu tài sản và đó là tinh thần Công an nhân dân vì dân phục vụ.

Đây là chia sẻ của Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam trong cuộc trao đổi về 3 cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ trong vụ cháy quán karaoke ở đường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội vào ngày 1/8. Sau đây là nội dung chi tiết:

*Phóng viên: Ông có thể cho biết việc hỗ trợ ban đầu đối với gia đình các cán bộ, chiến sỹ hy sinh trong vụ cháy quán karaoke ở địa chỉ 231 đường Quan Hoa, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy vào ngày 1/8?
*Đại tá Nguyễn Minh Khương: Vụ việc đã khiến 3 cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, hy sinh do gặp phải tình huống bất ngờ là khu vực trần bên trong nhà sập đổ, lấp lối cầu thang. Đây là sự mất mát hết sức to lớn đối với lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy nói riêng và với lực lượng Công an nhân dân nói chung.
Sau khi vụ việc xảy ra, Bộ Công an đã chỉ đạo các Cục nghiệp vụ liên quan và Công an thành phố Hà Nội hỗ trợ ban đầu đối với gia đình các cán bộ, chiến sỹ hy sinh. Bộ Công an cũng quyết định truy thăng cấp bậc hàm đối với 3 cán bộ, chiến sỹ đã dũng cảm hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Đồng thời trong thời gian tới, Bộ cũng tiếp tục chỉ đạo các Cục nghiệp vụ phối hợp với Công an thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan của thành phố cũng như của Chính phủ thực hiện chế độ chính sách theo đúng quy định của pháp luật đối với 3 cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh.
*Phóng viên: Ông cho biết những khó khăn, thách thức mà lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hiện nay đang phải đối mặt?
*Đại tá Nguyễn Minh Khương: Chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn là một nghề vô cùng khó khăn, phức tạp và luôn luôn đối mặt với những hiểm nguy. Những hiểm nguy đó là nhiệt độ cao từ đám cháy; là khói độc, khí độc sinh ra từ đám cháy có thể tác động đến bộ phận hô hấp. Hiểm nguy đó còn là nguy cơ sập đổ kết cấu xây dựng trong căn nhà, công trình đang xảy ra cháy hoặc sự cố nổ những phương tiện, thiết bị trong khu vực cháy mà lực lượng cảnh sát phòng cháy chưa có thông tin cụ thể khi tiếp cận…
Trước những mối nguy đó, lượng Cảnh sát phòng cháy đã có những quy định, quy trình nhằm đảm bảo an toàn cho cán bộ chiến sỹ, song vẫn không thể kiểm soát hoàn toàn những yếu tố nguy hiểm, bất ngờ. Chính vì vậy mà chúng tôi tâm niệm rằng đã chọn nghề này là sẵn sàng chấp nhận hy sinh, chấp nhận mất mát để thực hiện nhiệm vụ cứu người, cứu tài sản và thể hiện tinh thần Công an nhân dân vì dân phục vụ.

*Phóng viên:Trước những hiểm nguy như vậy, đặc biệt là trước sự hy sinh của 3 cán bộ, chiến sỹ trong vụ cháy vừa qua, ông có những suy nghĩ như thế nào?
*Đại tá Nguyễn Minh Khương: Qua vụ việc 3 chiến sỹ hy sinh trong vụ cháy vừa qua, với lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy nói riêng và Công an nhân dân nói chung, đây sẽ là những bài học về việc cần phải nâng cao hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ, chiến sỹ để cán bộ, chiến sỹ có năng lực tốt hơn, phán đoán tốt hơn và có thể thực hiện nhiệm vụ một cách chuẩn xác hơn nữa để giảm thiểu tai nạn rủi ro.
Đồng thời nữa, chúng tôi cũng sẽ có những báo cáo, đề xuất các cấp trang bị thêm về phương tiện, về cơ sở vật chất tốt hơn nữa nhằm bảo vệ an toàn hơn cho cán bộ, chiến sỹ khi làm nhiệm vụ trong thời gian tới.

*Phóng viên:Vậy lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy hiện nay được trang bị như thế nào để bảo đảm an toàn trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, thưa ông?
*Đại tá Nguyễn Minh Khương: Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, của Chính phủ, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đã được trang bị phương tiện, thiết bị cá nhân khá tốt nhằm đảm bảo an toàn cho cán bộ, chiến sỹ thực hiện vụ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều khó khăn, đa số cán bộ, chiến sỹ vẫn mang trang phục bảo hộ thông thường. Còn những trang phục bảo hộ chuyên dụng để giúp có thể đi sâu vào đám cháy dưới sự tác động của nhiệt ở khoảng 200 đến 300 độ C trong thời gian dài thì hiện nay không nhiều. Chính vì vậy mà có những yếu tố nguy hiểm liên quan đến lửa và những tác động khác thì đội ngũ cán bộ, chiến sỹ vẫn đang phải đối mặt.
Xuất phát từ thực tế đó, trong thời gian tới Bộ Công an sẽ có báo cáo Chính phủ để duyệt về trang bị bộ quần áo chuyên dụng cho cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy. Chúng tôi phấn đấu mỗi cán bộ, chiến sỹ tham gia công tác chữa cháy, cứu nạn đều có bộ quần áo chữa cháy gồm từ giày, ủng, trang phục, quần áo, mũ, găng tay đến các thiết bị thở đảm bảo theo tiêu chuẩn quốc tế. Phải để cán bộ, chiến sỹ thực sự an toàn khi thực hiện nhiệm vụ của mình.

*Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về tinh thần quả chiến đấy quả cảm và sự hy sinh của cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy trong thực hiện nhiệm vụ?
*Đại tá Nguyễn Minh Khương: Có lẽ chúng ta rất khó có thể dùng lời đánh giá được hết. Cán bộ, chiến sỹ cảnh sát chữa cháy luôn ý thức được sẽ đối mặt với nhiều yếu tố vô cùng nguy hiểm, bất ngờ đối với tính mạng của mình nhưng họ luôn luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng xả thân. Chỉ nghe thông tin có người, có tài sản hay nguy cơ dẫn đến chết người trong căn hộ xảy ra cháy hoặc cơ sở đang có những mối nguy hiểm khác nữa thì cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát phòng cháy, chữa ch
áy không bao giờ nề hà. Anh em luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Anh em cũng luôn nghĩ đến việc bảo đảm an toàn cho mình, song những yếu tố bất ngờ luôn xảy ra và ngoài dự kiến của cán bộ, chiến sỹ.
Đối với các đám cháy thì người trong khu vực sự cố đó luôn chạy ra ngoài, còn lực lượng chữa cháy lại đi sâu vào bên trong để tìm kiếm, cứu người còn đang mắc kẹt trong đám cháy, hoặc cứu tài sản hoặc để ngăn chặn nguy cơ có thể dẫn đến sự cố lớn hơn, gây thiệt hại lớn hơn trong một phạm vi rộng hơn, gây ra những hậu quả khôn lường.

Ở các vụ cháy thì thông tin về đám cháy thường không đầy đủ, chúng tôi vẫn bắt buộc phải tiếp cận để khống chế ngọn lửa và tổ chức tìm kiếm cứu nạn. Chỉ khi nào chúng tôi hoàn thành tìm kiếm tại tất cả các ngóc ngách, các vị trí tại căn hộ, công trình nơi xảy ra đám cháy và khẳng định nơi đó không còn người bị nạn nữa thì chúng tôi mới dừng việc tìm kiếm cứu nạn và dập tắt hoàn toàn đám cháy. Cho nên bất chấp mọi mối nguy, các chiến sỹ cảnh sát luôn xông lên, giành giật với lửa, khói… để tìm kiếm, cứu nạn. Và cũng vì thế như vừa rồi chúng ta thấy, đã có tình huống cán bộ, chiến sỹ hy sinh. Đó là sự mất mát to lớn đối với lực lượng cảnh sát chữa cháy nói riêng và đối với lực lượng Công an nhân dân nói chung.
*Phóng viên: Trước sự hy sinh của 3 cán bộ, chiến sỹ trong vụ cháy quán karaoke, Bộ Công an đã có những chỉ đạo nào để chia sẻ, giúp đỡ gia đình các cán bộ, chiến sỹ? Chúng ta cần lan toả những tấm gương vì nước quên thân, vì dân phục vụ ra sao?
*Đại tá Nguyễn Minh Khương: Không chỉ trong lực lượng cảnh sát phòng cháy, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo các Cục nghiệp vụ lan tỏa gương dũng cảm, hy sinh của ba chiến sỹ cảnh sát phòng cháy trong toàn lực lượng Công an nhân dân, đặc biệt là lan tỏa đến các cán bộ, chiến sỹ trẻ trong Công an nhân dân để noi gương sự hy sinh anh dũng này, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cương vị công tác của mình.
Còn lực lượng cảnh sát phòng cháy thì qua vụ việc này, chúng tôi tiếp tục tô thắm thêm truyền thống lực lượng, để các thế hệ Cảnh sát phòng cháy ngày một phấn đấu tốt hơn, rèn luyện tốt hơn và nâng cao trình độ nghiệp vụ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và để đảm bảo an toàn hơn cho chính cán bộ, chiến sĩ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Cùng với đó, Bộ Công an đã chỉ đạo cho lực lượng cảnh sát nói riêng, của Công an nhân dân nói chung lan tỏa những tấm gương này ra ngoài cộng đồng xã hội, để cộng đồng xã hội, nhân dân chia sẻ, đồng cảm, hỗ trợ lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, hỗ trợ cho người thân của các chiến sỹ đã hy sinh để vơi đi nỗi buồn, động viên gia đình họ, đồng thời động viên lực lượng cảnh sát phòng cháy thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình trong thời gian tới.
Qua đây, tôi cũng mong muốn và khuyến cáo người dân, cần phải tự chủ động trong việc rèn luyện, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn cho chính bản thân mình. Khi xảy ra sự cố thì có thể tự cứu được mình và người thân.
Để làm được việc đó, hộ dân cần phải chấp hành đầy đủ các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy; thường xuyên nghe những khuyến cáo của lực lượng chức năng để kiểm soát những yếu tố an toàn trong căn hộ của mình, để giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố cháy, nổ. Nếu không may xảy ra cháy, nổ thì bình tĩnh, chủ động dập lửa và thoát nạn theo phương án đã được quy ước trong gia đình. Mỗi gia đình đều phải có một phương án thoát nạn trong các tình huống khẩn cấp.
Có như vậy thì tôi nghĩ sẽ giảm thiểu được nguy cơ cháy nổ cũng như giảm thiểu số lượng người bị nạn.
Ngoài ra, mỗi người dân cũng như mỗi người chủ gia đình hoặc những người lao động trong các cơ sở, các công trình, xí nghiệp cần biết rõ trách nhiệm của bản thân trong công tác phòng cháy, chữa cháy để khi xảy ra tình huống cháy, nổ có thể xử lý được ngay từ giai đoạn ban đầu để giảm thiểu nguy cơ lan rộng của đám cháy và sự cố tai nạn.
Chủ hộ dân cũng như người lao động trong công trình đó hoặc cơ sở đó cần phải cung cấp thông tin một cách nhanh nhất và đầy đủ nhất cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy. Có như vậy lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy mới có thể chủ động tiếp cận nhanh nhất những khu vực đang còn người bị nạn và đối với những khu vực đang còn tài sản quý giá, có thể đưa ra phương án xử lý, di chuyển ra ngoài một cách nhanh nhất. Đặc biệt, cần phải cung cấp thông tin nhanh về những vị trí có yếu tố nguy hiểm như bình khí gas có nguy cơ nổ, những chất lỏng trong nhà có nguy cơ cháy, nổ cao hoặc là những yếu tố khác có thể dẫn đến sập đổ công trình…
* Phóng viên:Trân trọng cảm ơn ông!

Theo BNews/

Có thể bạn quan tâm