BNEWS Chiều tối 4/8, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ chủ trì cuộc họp kiểm điểm tình hình triển khai thực hiện thu phí tự động không dừng (ETC) trên toàn quốc.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết từ 9h ngày 1/8/2022, toàn bộ các tuyến cao tốc đã thực hiện thu phí điện tử không dừng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải.
Các đơn vị vận hành đã phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ và các lực lượng chức năng có liên quan kịp thời xử lý các tình huống phát sinh, đảm bảo giao thông tại trạm thu phí được thông suốt.
Đánh giá ban đầu, công tác vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng tại các trạm thu phí cơ bản ổn định, không phát sinh các tình huống phức tạp.
Số liệu thống kê cho thấy, trong 2 ngày đầu triển khai lưu lượng xe qua các trạm thu phí là 474.486 xe; lưu lượng xe phải xử lý sự cố là 23.051 xe, chiếm tỷ lệ 4,86%; số lượng xe phải dán thẻ, nạp tiền tại trạm là 16.972 xe.
Qua theo dõi có thể nhận thấy số sự cố phải giải quyết giảm dần và cơ bản hiện tượng ùn tắc cục bộ được giải quyết khẩn trương, linh hoạt, không để kéo dài.
Đến thời điểm ngày 2/8, có 3.522.036 phương tiện trên toàn quốc dán thẻ đầu cuối (đạt tỷ lệ 75,98%), tăng 1.197.743 phương tiện so với thời điểm cuối năm 2021. Với tốc độ này, việc đạt tỷ lệ trên 80% vào cuối tháng 8 là rất khả thi.
Tuy nhiên, ông Tô Nam Toàn thừa nhận, trong ngày đầu tiên áp dụng thu phí tự động trên các tuyến cao tốc vẫn còn tồn tại một số hạn chế làm phát sinh ùn tắc cục bộ tại các trạm thu phí trên một số tuyến cao tốc. Nguyên nhân là do chủ phương tiện chưa dán thẻ đầu cuối trước khi vào tuyến, không có hoặc không đủ số dư trong tài khoản giao thông; xe đến trạm thu phí mới dán thẻ nên tài khoản chưa được kích hoạt kịp thời; chủ phương tiện không kiểm tra số dư tài khoản giao thông trước khi vào cao tốc, đến trạm thu phí mới nạp tiền nên có trường hợp tiền đã nạp nhưng chưa kịp về tài khoản; hệ thống thiết bị tại trạm không đọc được thẻ bởi nhiều chủ phương tiện dán thẻ đã lâu nhưng chưa sử dụng dịch vụ nên thẻ bị suy giảm chất lượng, thẻ bị dán sai quy cách.
Đồng thời, hệ thống thu phí tại các trạm thu phí của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) mới đưa vào hoạt động nên cần thời gian để hiệu chỉnh, hoàn thiện hệ thống; nhân viên chưa có kinh nghiệm xử lý tình huống thu phí điện tử không dừng.
“Bên cạnh đó, còn có các lỗi khách quan như xe dán 2 thẻ dẫn đến khi qua trạm barie không mở do có một tài khoản không đủ số dư. Xe đổi chủ nên chủ phương tiện không nắm được thông tin để nạp tiền vào tài khoản giao thông hoặc không dán được thẻ mới. Đối với trường hợp này, chủ phương tiện nên tìm hiểu thông tin với chủ phương tiện cũ và liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ để được hỗ trợ chuyển đổi tài khoản hoặc dán thẻ mới”, ông Tô Nam Toàn chỉ rõ.
Cũng theo ông Tô Nam Toàn, các lỗi trên đã có trong phương án xử lý tình huống sự cố và diễn tập trước đó. Tuy nhiên, trong ngày đầu tiên vận hành thu phí tự động hoàn toàn, lưu lượng trên các tuyến cao tốc rất lớn khiến công tác vận hành chưa thực sự nhuần nhuyễn và ứng phó kịp thời các tình huống thực tế phát sinh.
Đối với các trạm thu phí trên các tuyến Quốc lộ, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định cơ bản ổn định. Tuy nhiên còn một số trạm chưa hoàn thiện tổ chức giao thông tại trạm, đặc biệt là trạm thu phí An Sương – An Lạc Tp. Hồ Chí Minh có tình trạng ùn tắc dài tại làn thu phí hỗn hợp do nhiều xe chưa dán thẻ đầu cuối và không đủ tiền trong tài khoản (chỉ có khoảng 50% xe sử dụng dịch vụ thu phí điện tử không dừng). Do vậy, đơn vị vận hành đã bổ sung thêm làn thu phí hỗn hợp để xử lý.
Tại cuộc họp, một số vấn đề mà dư luận và một số lái xe bức xúc như các chủ đầu tư đường bộ cao tốc yêu cầu chủ phương tiện duy trì số dư tài khoản hay việc nạp tiền vào tài khoản giao thông tính phí cũng được đưa ra thảo luận.
Về vấn đề duy trì số dư, ông Nguyễn Văn Nhi, Phó Tổng giám đốc VEC lý giải: Việc áp dụng này là phương án tạm thời nhằm đảm bảo nguyên tắc người điều khiển phương tiện phải duy trì số dư tài khoản để đi vào cao tốc; đảm bảo nguyên tắc tối ưu thời gian xử lý sự cố, không để ùn tắc kéo dài tại các điểm ra cao tốc. Thực tế hiện nay lượng phương tiện qua các trạm thu phí trên các tuyến do VEC quản lý chưa nạp tiền vào tài khoản hoặc số dư không đủ còn rất lớn. Trong tình huống bình thường, một xe qua trạm ETC mất khoảng 2 – 4 giây, trường hợp tài khoản không đủ tiền thì thời gian xử lý tại điểm ra sẽ mất trên 5 phút vì phải tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin điểm vào, hướng dẫn nạp tiền, thu tiền mặt… Do vậy, nếu nhiều phương tiện phải xử lý thì có thể dẫn đến ùn tắc kéo dài trên tuyến đang lưu thông, gây cản trở, mất an toàn giao thông và không đảm bảo hiệu quả việc thu phí tự động không dừng.
Xoay quanh việc dư luận cho rằng đã có chế tài xử phạt đối với các lái xe cố tình vi phạm thì tại sao phải quy định số dư?. Ông Nhi cho rằng, thời gian đầu triển khai thu phí hoàn toàn tự động trên cao tốc là quãng thời gian để tất cả người tham gia giao thông thay đổi nhận thức và thói quen sử dụng dịch vụ nên việc áp dụng các hình thức xử phạt theo luật định không phải là phương án tối ưu.
Trả lời câu hỏi tại sao lại áp dụng mức số dư như hiện nay, ông Nguyễn Văn Nhi chia sẻ: “Chúng tôi cũng rất trăn trở, băn khoăn khi đưa ra khuyến cáo hạn mức để phục vụ trên tuyến đường cao tốc do VEC quản lý. Trên cơ sở thống kê, tính toán thì số lượng, lưu lượng xe đi lộ trình ngắn nhất (mức phí thấp nhất) chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 3% trên tổng số lưu lượng xe di chuyển trên tuyến. Vì vậy rất cân nhắc đến lợi ích, tiện lợi của đại đa số phương tiện để đề xuất hạn mức phù hợp. Đơn cử nếu tất cả các xe đều đưa ra một hạn mức thấp nhất, chỉ đáp ứng được cho khoảng 3% xe tham gia trên tuyến (đi chặng ngắn nhất
) , nhưng với tỷ lệ 97% phương tiện tham gia các chặng dài mà không đủ tiền trong tài khoản dẫn đến phải xử lý sự cố đầu ra, mất rất nhiều thời gian và là sự cản trở sự thông thoáng đối với những phương tiện có đủ điều kiện.
Do vậy, VEC đã cân nhắc hạn mức cao hơn thì sẽ phục vụ tốt hơn cho đại đa số phương tiện lưu thông trên tuyến ra bất cứ trạm nào đều không phải dừng lại để xử lý sự cố vì không đủ tiền để đi ra khỏi trạm. Hạn mức chỉ là tạm thời và sẽ có sự thay đổi phù hợp tốt nhất cho người tham gia giao thông.
Đối với vấn đề nạp tiền vào tài khoản phải mất phí, đại diện hai nhà cung cấp dịch vụ là Công ty TNHH Thu phí không dừng VECT (VETC) và Công ty cổ phần giao thông số Việt Nam (VDTC) cho biết không hề thu bất cứ loại phí nạp tiền nào của người dân, phí này là do phía ngân hàng hoặc đơn vị trung gian thanh toán quy định.
Hiện nay, có khoảng 10 kênh để nạp tiền vào tài khoản giao thông, chúng tôi đang tiếp tục đàm phán với các tổ chức tín dụng để xem xét liên kết dịch vụ và miễn phí khi nạp tiền vào tài khoản giao thông. Đồng thời, thông báo và khuyến nghị cho người dân nên sử dụng dịch vụ chuyển khoản miễn phí vào tài khoản ngân hàng của VETC hoặc VDTC bằng hình thức Internet banking để nạp tiền, nội dung chuyển khoản chỉ cần điền thông tin biển số xe hoặc số tài khoản giao thông là có thể đảm bảo thành công. Số tiền trong tài khoản giao thông thuộc quyền sở hữu và quản lý của khách hàng, khi xe đi qua trạm thì số tiền bị trừ sẽ thuộc quyền sở hữu của đơn vị cung cấp dịch vụ và số dư còn lại có thể rút ra tùy theo nhu cầu của khách hàng.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đánh giá cao các cơ quan, đơn vị liên quan đã tập trung toàn bộ nguồn lực và trách nhiệm để kịp thời lắp đặt, vận hành hệ thống ETC theo chỉ đạo của Chính phủ. Vấn đề này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và biểu dương tại phiên họp Chính phủ vừa qua. Tuy nhiên, đến thời điểm này phải giải quyết những vấn đề tồn tại để đảm bảo chất lượng phục vụ tốt nhất cho người dân. Tiếp tục duy trì trạng thái tập trung lực lượng ở cấp độ cao nhất trong vòng một tháng, tinh thần phục vụ nhân dân là trên hết nhằm tạo thói quen và giúp người dân thấy được giá trị, lợi ích của ETC.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cho người dân. Duy trì lực lượng chuyên nghiệp để vận hành hệ thống, tăng cường các hình thức hỗ trợ dán thẻ theo nguyên tắc các nhà cung cấp dịch vụ phải liên thông với nhau, giải quyết dứt điểm tình trạng dán thẻ chồng lấn.
Việc tổ chức giao thông, tổ chức dán thẻ phải phù hợp với điều kiện thực tế, rà soát lại các điểm tổ chức dán thẻ, chỉ dẫn… trên nguyên tắc phải có dự báo, thông báo từ xa, khoa học, tránh hiện tượng dồn toa gây cản trở lưu thông trên tuyến. Kiên quyết giám sát để các tuyến còn lại chỉ duy trì 1 làn hỗn hợp.
Vấn đề thanh toán, các đơn vị cung cấp dịch vụ phải kết nối, đàm phán với các tổ chức tín dụng để việc nạp tiền vào tài khoản không phải là nhiều kênh nạp tiền mà phải có phương án nhanh nhất, tiện lợi nhất. Về việc khuyến nghị số dư trong tài khoản chỉ là phương án tạm thời, phải tính toán kỹ lưỡng mọi tình huống thật phù hợp và giải thích để người dân hiểu rõ, chia sẻ.
“Tinh thần là phải khẩn trương hơn nữa để dán thẻ, tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân hình thành thói quen sử dụng dịch vụ; giải quyết mọi vấn đề tồn tại để đảm bảo cung cấp dịch vụ tốt nhất cho người dân”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định, trước mắt giải quyết căn cơ các vấn đề đang tồn tại và sẽ kiến nghị Chính phủ ban hành một khung khổ pháp lý cao hơn Quyết định số 19/QĐ-TTg để đảm bảo các nguyên tắc vận hành hệ thống thu phí không dừng một cách lâu dài và quy định rõ quy trình, tiêu chuẩn và trách nhiệm của các chủ thể liên quan./.
Theo BNews/