Trang chủ » Những bài học từ cuộc khủng hoảng tại Sri Lanka

Những bài học từ cuộc khủng hoảng tại Sri Lanka

bởi unexpress

BNEWS Sri Lanka không thể có được những yếu tố đầu vào thiết yếu để khởi động lại nền kinh tế cho đến khi nước này tái cơ cấu nợ.

Theo tạp chí Project Syndicate, một thảm kịch đang diễn ra ở Sri Lanka. Người dân phải xếp hàng mua thực phẩm và dược phẩm, chủ phương tiện không có nhiên liệu để đổ đầy bình xe của họ và tình trạng mất điện kéo dài.

Nền kinh tế Sri Lanka bị tê liệt và do các khoản nợ của Sri Lanka không bền vững nên nước này không thể đi vay thêm. Sri Lanka đang phải hứng chịu cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất thế giới kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Tình hình tồi tệ đến mức hàng triệu người dân nước này đã đổ xuống đường biểu tình. Tổng thống Lanka Gotabaya Rajapaksa đã chạy trốn khỏi đất nước. Quốc hội nước này đã bầu Thủ tướng Ranil Wickremesinghe làm Tổng thống mới của đất nước.
Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có thể viện trợ cho Sri Lanka một gói cho vay giải cứu, cho phép mua các mặt hàng nhập khẩu thiết yếu, và một chương trình để thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ và tỷ giá hối đoái một cách bền vững.
Thảm cảnh của Sri Lanka là một bài học cho các chính phủ khác. Khi các vấn đề kinh tế của một quốc gia rõ ràng không thể vượt qua, việc trì hoãn xem xét thông qua các biện pháp chắp vá khác nhau cuối cùng sẽ chỉ làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn.
Trong nhiều năm, Sri Lanka là “con cưng của các nhà tài trợ” nhờ mức sống tương đối cao, các dịch vụ xã hội tốt và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Trong nửa đầu của thập kỷ trước, Sri Lanka có tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm 6,5% – một trong những mức tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới – và tăng trưởng dân số tương đối thấp. Mặc dù tăng trưởng kinh tế chậm lại sau năm 2015 nhưng vẫn đạt trung bình trên 3% cho đến năm 2019.
Nhưng vào cuối năm đó, một chính phủ mới lên cầm quyền và ngay lập tức tuyên bố cắt giảm mạnh thuế. Trong cả hai năm 2020 và 2021, Chính phủ Sri Lanka thâm hụt tài khóa hơn 10% GDP. Tỷ lệ lạm phát hàng năm đã tăng từ mức trung bình dưới 5% của những năm trước lên 39,1% vào tháng Năm, và sau đó lên 54,6% vào tháng Sáu năm nay.
Tệ hơn nữa, ngay cả khi lạm phát tăng nhanh, vào mùa Xuân năm 2021, Chính phủ Sri Lanka đã tuyên bố cấm nhập khẩu tất cả phân bón hóa học. Theo một ước tính, sản lượng gạo giảm 20%, xuất khẩu chè giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai thập kỷ và hơn 1/3 diện tích đất canh tác của cả nước bị bỏ hoang.
Đại dịch COVID-19 khiến cho doanh thu từ khách du lịch giảm mạnh, sau đó làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu ngoại hối của Sri Lanka và tiếp tục hạn chế khả năng mua hàng nhập khẩu của nước này. Đến cuối năm 2021, tình hình trở nên mất kiểm soát và hậu quả là Chính phủ Sri Lanka đã bị vỡ nợ nước ngoài vào hồi tháng Năm vừa qua.
Giờ đây, Sri Lanka không thể có được những yếu tố đầu vào thiết yếu để khởi động lại nền kinh tế cho đến khi nước này tái cơ cấu nợ và thành lập một chính phủ có thể hoạt động. Việc tái cơ cấu nợ của Sri Lanka sẽ rất phức tạp vì một phần đáng kể là nợ Trung Quốc, nước không tham gia vào các vụ tái cơ cấu đa phương do phương Tây dẫn đầu dành cho những nước đi vay chủ quyền mắc nợ quá nhiều.
Một lần nữa, bài học cho các quốc gia mắc nợ khác là rất rõ ràng. Mặc dù các cơ quan quản lý kinh tế của một quốc gia có thể trì hoãn một số hậu quả của các chính sách sai lầm trong một thời gian thông qua việc phân bổ và cấm nhập khẩu, kiểm soát giá cả, thâm hụt tài khóa, vay nợ nước ngoài và in tiền, nhưng tình trạng này không thể kéo dài. Khi lựa chọn còn lại duy nhất của chính phủ là thực hiện các cải cách nghiêm túc hoặc theo đuổi các giải pháp tuyệt vọng và phi lý về kinh tế, thì lựa chọn thứ hai sẽ chỉ làm sâu sắc thêm sự khốn khó của người dân nước này do những chính sách sai lầm trước đó gây ra.
Nếu Sri Lanka tiếp cận IMF vào cuối năm 2021 hoặc thậm chí sớm hơn và thực hiện các cải cách đau đớn cần thiết để kiềm chế lạm phát và giảm thâm hụt tài khoản vãng lai và tài chính, thì ít nhất sáu tháng phải chịu đựng những khó khăn có thể đã tránh được. Nợ nước ngoài của Sri Lanka sẽ không tăng quá cao và con đường phục hồi sẽ không quá dài. Hơn nữa, việc đất nước rơi vào tình trạng hỗn loạn chính trị hoàn toàn có thể đã tránh được.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, cộng đồng quốc tế đã hướng sự quan tâm nhiều hơn đến hoàn cảnh của các nước đang phát triển mắc nợ quá nhiều, với việc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đưa ra Sáng kiến tạm hoãn dịch vụ nợ (DSSI), theo đó mở rộng khoản cứu trợ trị giá 13 tỷ USD cho 48 quốc gia trong giai đoạn 2020-2021, nhưng đó chỉ là “hạt muối bỏ biển” so với nhu cầu các nước.
Hơn nữa, có rất ít sự khác biệt giữa các quốc gia có chính sách kinh tế cơ bản bền vững và các quốc gia có chính sách sẽ trở nên không bền vững nếu không có cải cách, ngay cả khi không có đại dịch COVID-19. Việc cho vay đối với một quốc gia thuộc nhóm thứ hai mà không đảm bảo rằng quốc gia này đã hoặc sẽ thực hiện các chính sách kinh tế bền vững sẽ không mang lại lợi ích nào cho quốc gia đó. Ngược lại, sự “hỗ trợ” như vậy chỉ làm trì hoãn “ngày phải đối mặt” và để lại gánh nặng nợ dịch vụ thậm chí còn cao hơn.
Các nhà hoạch định chính sách ở các quốc gia đang gặp khó khăn về kinh tế khác nên chú ý đến câu chuyện của Sri Lanka. Bài học có thể được ghép nối với những bài học từ Brazil, sau cuộc khủng hoảng nợ năm 2002, đã nhanh chóng áp dụng các cải cách chính sách cần thiết và tiếp tục tận hưởng nhiều năm tăng trưởng bền vững.
Brazil cũng đứng trước sự lựa chọn giữa hành động nhanh chóng gây đau đớn để tạo điều kiện phục hồi và từ chối, trì hoãn để ngăn chặn điều không thể tránh khỏi. Các nhà lãnh đạo của Brazil đã tỏ ra khôn ngoan hơn khi chọn lựa giải pháp thứ nhất./.

Theo BNews/

Có thể bạn quan tâm