BNEWS Báo cáo mới đây của chuyên trang Việc làm tốt (vieclamtot.com), thị trường tuyển dụng những tháng đầu năm sôi động và mức lương bình quân tăng nhẹ.
Nhu cầu lao động, việc làm năm 2022 được nhận định là khởi sắc và có nhiều chuyển biến tích cực hơn so với những năm trước đây bởi doanh nghiệp không quá thiếu và người lao động tìm việc cũng không quá khó.
Tuy nhiên, mức lương thưởng, các chế độ, chính sách cũng như kỹ năng, tay nghề chuyên môn là một trong những vấn đề mà cả người lao động và doanh nghiệp đều quan tâm.
Lương thưởng tăng theo yêu cầu, năng lực
Báo cáo mới đây của chuyên trang Việc làm tốt (vieclamtot.com), thị trường tuyển dụng những tháng đầu năm sôi động và mức lương bình quân tăng nhẹ. So với giai đoạn giãn cách xã hội do dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, mức lương bình quân lao động phổ thông có giảm nhưng hiện vẫn cao hơn mặt bằng lương trước lúc giãn cách từ 6% – 8% và dự báo có xu hướng đi lên trong thời thời gian tới.
Trong đó, các nghề tài xế, nhân viên giao hàng, công nhân (thuộc nhóm ngành chính của lao động phổ thông) sẽ dẫn đầu về mặt bằng lương bởi nhu cầu cầu tuyển dụng luôn ổn định và dự báo sẽ tăng mạnh từ 65% – 86% đối với tài xế, nhân viên giao hàng và nhóm công nhân tăng từ 54% đến 90%.
“Sự dịch chuyển lao động vào các nhóm ngành nghề này sẽ tiếp tục mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm 2022 do nhu cầu tuyển dụng của thị trường gia tăng, kèm mức thu nhập ổn định và hấp dẫn nhất trong tất cả nhóm ngành lao động trong thời điểm hiện tại”, chuyên trang Việc làm tốt nhận định.
Điều này cũng dễ dàng thấy ở các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động không chi thể hiện mức lương tăng nhẹ mà kèm theo đó là các chế độ, chính sách phúc lợi cho người lao động ngày càng tốt hơn.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Furukawa Automotive Parts Vietnam (đóng tại Khu chế xuất Tân Thuận, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) đăng tuyển hơn 500 công nhân không yêu cầu kinh nghiệm. Mức thu nhập doanh nghiệp này đưa ra từ 8,5 – 11 triệu đồng/người/tháng cùng với những phúc lợi hỗ trợ khu lưu trú, xe đưa rước đi làm, thưởng tháng 13, tham quan nghỉ mát trong năm…
Theo ông Hoàng Xuân Thái, Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Furukawa Automotive Parts Vietnam, do sau Tết, đơn hàng dồi dào, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp khá lớn. Các doanh nghiệp lân cận đang ráo riết tuyển lao động. Do vậy, công ty phải đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ để thu hút lao động mới.
Tương tự, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tech-Link Silicones Việt Nam (Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) do có nhiều đơn hàng trong năm mới nên đăng tuyển 100 công nhân lao động. Với thu nhập từ 9 – 12 triệu đồng/người/tháng cùng với các chế độ, chính sách thưởng tháng 13 và quà tặng các dịp lễ, tết trong năm, doanh nghiệp này chỉ yêu cầu người lao động chịu khó học hỏi để được đào tạo nghề miễn phí…
Ngược lại, ở phân khúc thị trường nhân lực trung và cao cấp, nhiều doanh nghiệp đưa ra mức lương khá hấp dẫn nhưng đòi hỏi người lao động không chỉ có chuyên môn tốt mà những kỹ năng “mềm” thật xuất sắc. Việc “kén chọn” từ hai phía cả doanh nghiệp và người lao động đã thúc đẩy thị trường lao động, việc làm có những chuyển biến tích cực trước xu thế mới.
Cụ thể, Công ty RGF HR Vietnam (Quận 3) có nhu cầu tuyển nhân viên, quản lý ở nhiều vị trí khác nhau với mức lương từ 22 – 132 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, các ứng viên tham gia tuyển dụng yêu cầu phải có kinh nghiệm, kỹ năng, thành thạo tiếng Anh hoặc tiếng Nhật.
Gần đây, Công ty Trách nhiệm hữu hạn JAC Recruitment Vietnam đăng tuyển nhiều vị trí với mức lương từ 40 – 90 triệu đồng/người/tháng. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Persolkelly Việt Nam tuyển trưởng nhóm tiếp thị với yêu cầu tiếng Anh thành thạo, tư duy logic, có tầm nhìn, chịu được áp lực công việc, có đạo đức nghề nghiệp…
Theo các chuyên gia lĩnh vực tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao cho doanh nghiệp – Navigos Group Việt Nam, nhân sự ở các vị trí công nghệ thông tin, bán hàng đang được doanh nghiệp tài chính – ngân hàng tuyển dụng số lượng lớn. Ngược lại, nhân sự ở các ngành hàng tiêu dùng nhanh đang thiếu ở các vị trí bán hàng, tiếp thị…
Từ thực tiễn trên, các doanh nghiệp nên sẵn sàng chọn các ứng viên tiềm năng thay vì những người lao động đã có sẵn kinh nghiệm, kỹ năng. “Điều này nhằm giúp doanh nghiệp tối ưu hóa nguồn nhân lực đã có và thu hút thêm các nguồn nhân sự khác”, đại diện Navigos Group Việt Nam khuyến nghị.
Xu hướng lao động, việc làm mới
Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi đáng kể nhiều loại hình công việc trong suốt thời gian dịch bệnh bùng phát từ hai năm qua. Theo các chuyên gia và các tổ chức nghiên cứu thị trường lao động, dưới tác động của đại dịch, dự báo các xu hướng công việc trong năm 2022 tiếp tục có những thay đổi đáng kể góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của cả nước nói chung, thành phố nói riêng.
Tự động hóa trong sản xuất sẽ làm thay đổi hình thức giao kết trong lao động và việc đẩy mạnh các chính sách cho lao động phi chính thức sẽ là xu hướng mới. Do ảnh hưởng của COVID-19, những công việc liên quan lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử… trở thành xu hướng và phát triển nhanh trong tương lai.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội, cuộc cách mạng công nghiệp và sau đại dịch lần thứ 4 bùng phát, các doanh nghiệp đang có xu hướng hoặc đầu tư máy móc tự động hóa để dần thay thế con người hoặc tuyển dụng và trả lương người lao động theo sản phẩm mà không nhất thiết phải theo mô hình ký giao kết hợp đồng lao động.
“Xu hướng này đã và đang được mở rộng và là tất yếu trong thời gian tới vì doanh nghiệp ngày càng muốn tối ưu hóa hoạt động sản xuất dịch vụ và trong bối cảnh dịch COVID-19 đã “vô tình” thúc đẩy xu hướng này đi nhanh hơn. Hơn nữa, người lao động có tay nghề ngày càng có xu hướng làm việc từ xa, làm nhiều việc khác nhau chứ không nhất thiết phải làm một công việc duy nhất…”, Tiến sỹ Nguyễn Đức Lộc chia sẻ.
Cùng quan điểm, ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Đào tạo v
à phát triển nhân lực Việt Nam cho rằng, nhu cầu tuyển dụng lớn mở ra các cơ hội đối với người lao động. Tuy nhiên, thị trường luôn diễn biến theo hướng cần nhiều lao động có chuyên môn, có kỹ năng nghề nghiệp và thái độ nghề nghiệp chuẩn mực; đào thải lao động kỹ năng thấp. Do đó, người lao động cần liên tục trau dồi các yêu cầu trên nhằm giúp bản thân người lao động cải thiện thu nhập và ứng biến tốt hơn trước các biến động của thị trường.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Thành phố tiếp tục nâng chất đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh. Đồng thời, tăng kết nối thông tin giữa sinh viên, học viên và cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp; đẩy mạnh phân tích và thông tin về thị trường lao động nhằm cung cấp cơ hội việc làm cho người lao động.
Năm 2022, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh (Falmi) dự báo thị trường lao động Thành phố tiếp tục phát triển theo hướng tăng dần tỷ trọng lao động khu vực công nghiệp – xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với tổng cầu khoảng 255.000 – 310.000 chỗ làm.
Ông Đỗ Thanh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố cho biết, nhu cầu nhân lực 4 ngành công nghiệp trọng điểm gồm cơ khí; điện tử; chế biến lương thực thực phẩm, đồ uống; hóa dược – nhựa – cao su chiếm hơn 19%. Nhu cầu nhân lực 9 ngành dịch vụ chủ yếu như thương nghiệp; vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; thông tin và truyền thông; hoạt động kinh doanh bất động sản… chiếm 51,26%.
Tại các Khu chế xuất và Khu công nghiệp thành phố, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp cả năm 2022 là 51.000 lao động. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cần khoảng 41.000 người, doanh nghiệp trong nước cần khoảng 10.000 người. Nhu cầu lao động phổ thông khoảng 35.000 người, lao động có tay nghề – trung cấp nghề khoảng 12.300 người và lao động có trình độ từ đại học trở lên khoảng 3.400 người.
Ông Phạm Thanh Trực, Phó trưởng ban Quản lý các các Khu chế xuất và Khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, nếu phân chia theo ngành nghề, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cao như công nhân ngày may mặc cần khoảng 18.500 lao động, ngành giày da cần 8.500 lao động, cơ khí cần 4.000 lao động, điện – điện tử cần 2.600 lao động, chế biến 3.000 lao động và những ngành còn lại khoảng 8.000 lao động.
Hiện thành phố ước khoảng 4,9 triệu lao động làm việc, tập trung ở ngành thương mại – dịch vụ, công nghiệp – xây dựng. Trong đó, lao động làm việc trong các doanh nghiệp ước khoảng 3,1 triệu người./.
>>>Việt Nam đang ở thời điểm quan trọng của phục hồi kinh tế hậu COVID-19
Theo BNews/