Trang chủ » Nhiều lăng đá cổ bị xâm hại, đào trộm

Nhiều lăng đá cổ bị xâm hại, đào trộm

bởi unexpress

46 công trình kiến trúc đá cổ chủ yếu có niên đại thời Lê thế kỷ 17, 18 ở Bắc Giang đã được Nhà nước công nhận và xếp hạng di tích lịch sử. Nhưng hiện nay nhiều lăng đá bị xâm hại, đào trộm mà các cơ quan chức năng phải bó tay vì chưa có cơ chế quản lý hiệu quả.

Kho báu lộ thiên

T.S Nguyễn Huy Hạnh – Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang cho biết: “Kiến trúc và điêu khắc lăng mộ ở đây phân bố chủ yếu ở các huyện Hiệp Hoà (26 lăng), Việt Yên (11 lăng), Tân Yên (5 lăng)… do có điều kiện thuận lợi về phong thuỷ”.


Các công trình này có vật liệu xây dựng chủ yếu bằng đá ong, đá vôi và đá cát nguyên chất. Với bàn tay khéo léo của các nghệ nhân dân gian vùng Hà Bắc xưa, đây thực sự là những tinh hoa của nghệ thuật điêu khắc cổ.

Hoành tráng nhất về kiến trúc, điêu khắc phải kể đến khu lăng tẩm dòng họ Ngọ của Quận công Ngọ Công Quế, toạ tại thôn Thái Ngọ, xã Thái Sơn (Hiệp Hoà, Bắc Giang). Nhận thấy đây là một lăng đá cổ có niên đại lâu đời, các nhà khảo cổ học đã phải về tận nơi thuyết phục dòng họ Ngọ để được nghiên cứu, xếp hạng di tích.

Các chuyên gia đã khẳng định, đây là một công trình lăng đá cổ có niên đại từ cuối thế kỷ 17. Lăng họ Ngọ, cùng với lăng họ Đinh Hương, lăng Bầu là các lăng tẩm được xếp hạng sớm nhất trong 46 công trình đá ở Bắc Giang.

Trong khi các lăng tẩm ở Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hoá và ngay cả các lăng vua thời Nguyễn ở Huế cũng đều xuất hiện sự trùng lặp về trang phục thì ở Bắc Giang, từ quan lại, binh lính đến hầu nam, hầu nữ… không hề có sự trùng lặp về trang phục ở bất cứ bức tượng nào. Điều đó chứng tỏ trình độ điêu luyện của các nghệ nhân, hơn nữa, đây còn là một kho tư liệu quý giá cho các nhà nghiên cứu.

Rủ nhau đi đào mộ cổ

Bởi lăng tẩm là của các dòng họ nên việc quy tập để bảo tồn là điều rất khó. Nhiều khu lăng tẩm đang dần bị mai một, Bảo tàng tỉnh rất nhiều lần đến tận từng dòng họ để thuyết phục quy tập nhưng không thành.

Đến nay, toàn bộ lớp tường bao bằng đá ong của 46 di tích đã bị tàn phá hoàn toàn. Khu di tích nào cũng ít nhiều bị mai một, xâm hại. Một phần do chiến tranh tàn phá, phần nhiều là do thói quen vô ý thức và sự thiếu hiểu biết của người dân trong vùng.

Trước kia, khu lăng tẩm Đinh Hương nằm giữa một khu rừng với nhiều loại cây quý hiếm. Đến nay, khu rừng đã bị tàn phá sạch, chỉ còn trơ trọi khu lăng mộ trông thật thảm hại.

Thành lập khu “Bảo tàng đá ngoài trời”

Ông Ngô Quang Toàn – Giám đốc Sở VH-TT Bắc Giang cho biết: “Sở VH-TT đang phối hợp với Bảo tàng tỉnh Bắc Giang đi sưu tầm, phục chế các bức tượng đá trong tỉnh.

Nhưng khó khăn trước mắt vẫn là nguồn kinh phí và địa điểm trưng bày nên quá trình phục chế tượng còn nhiều chậm trễ. Dự kiến khu “Bảo tàng đá ngoài trời” sẽ được đặt trên một quả đồi ngoại thành thành phố Bắc Giang”.
Đưa chúng tôi đến xem bức tượng đá bị cụt mất phần đầu tại lăng Bầu, ông Nguyễn Huy Hạnh không giấu nổi sự xót xa: “Người dân trong vùng cho rằng trong đầu tượng có vàng nên đã đập đầu tượng ra để tìm. Tôi biết thậm chí có thời gian một số người dân ở Hiệp Hòa còn họp nhau lại tổ chức thành từng đoàn đào trộm mộ cổ đem đi bán”.

Không chỉ có vậy, hiện nay, ở chung quanh khu vực lăng mộ đã được công nhận là di tích, nhiều hộ gia đình còn ngang nhiên “nhảy dù” vào làm nhà sinh sống.

Đã nhiều lần chính quyền địa phương phải vào cuộc, can thiệp bằng hình thức cưỡng chế, lúc đó người dân mới chịu di dời. Nhưng những bức tượng và khu lăng mộ bị nhảy dù cứ theo đó mà xuống cấp dần…

Tình trạng xâm hại di tích cổ ở Bắc Giang vẫn diễn ra, bởi dẹp được chỗ này thì chỗ khác lại mọc lên. Đã đến lúc chính quyền địa phương và các ngành chức năng ở các cấp cao hơn cần đưa ra biện pháp hiệu quả hơn để giữ lại những “kho báu” này.

 

(Theo NTNN)

Có thể bạn quan tâm