Từ sự thành công của Phiên giao dịch việc làm lần thứ nhất (ngày 29/10), Phiên giao dịch việc làm lần này thu hút nhiều doanh nghiệp và người lao động tham gia hơn. Số doanh nghiệp tham gia và vị trí việc làm còn trống tăng hơn 10% so với lần trước.
Hoạt động giao dịch việc làm lần thứ hai có sự tham gia của 13 địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh, thành phố như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Do dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca mắc liên tục tăng thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Cần Thơ khuyến khích người lao động, doanh nghiệp tham gia giao dịch trực tuyến, không đến trực tiếp như đợt trước. Đơn vị ở địa phương có mức độ dịch an toàn vẫn kết hợp giao dịch trực tuyến và trực tiếp.
Tham gia Phiên giao dịch việc làm, TP Hồ Chí Minh có 10 doanh nghiệp tuyển dụng với gần 5.000 vị trí việc làm còn trống. Kiên Giang có 6 doanh nghiệp tham gia với trên 8.200 vị trí việc làm cần tuyển. Bình Dương có 6 doanh nghiệp tham gia với nhu cầu tuyển dụng hơn 4.800 lao động. Thành phố Cần Thơ có 7 doanh nghiệp tham gia, nhu cầu tuyển 1.282 lao động…
Hiện nay, toàn tỉnh Trà Vinh có trên 35.000 lao động mất việc làm. Nhu cầu việc làm ở địa phương này là rất lớn. Tại Phiên giao dịch này, Trà Vinh có 5 doanh nghiệp với trên 200 lao động tham gia ứng tuyển. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Trà Vinh đã tổ chức xe lưu động đến các điểm công cộng trong tỉnh thông báo cho người lao động về Phiên giao dịch việc làm. Đơn vị phối hợp tuyên truyền rộng rãi thông tin các doanh nghiệp tuyển dụng lao động với mức lương cao, chính sách hỗ trợ cho người lao động… đến người dân để tham gia kết nối ứng tuyển.
Theo ông Trịnh Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Trà Vinh, phiên giao dịch việc làm có ý nghĩa quan trọng với người lao động trong giai đoạn hiện nay. Trung tâm đã kết nối nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh lực như giầy da, may mặc, điện tử, gỗ… để người lao động chọn lựa. Thời gian tới, Trung sẽ kết nối thêm nhiều Phiên giao dịch việc làm để người lao động có cơ hội tìm kiếm việc làm trong thời điểm dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp.
Năm 2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm Cần Thơ dự kiến sẽ tổ chức 6 Phiên giao dịch việc làm trực tuyến, kết nối với Trung tâm Dịch vụ việc làm ở các tỉnh trong khu vực.
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Cần Thơ Nguyễn Thị Bích Vân cho biết, Trung tâm sẽ linh hoạt hơn trong phương thức tổ chức, không huy động tất cả các Trung tâm Dịch vụ việc làm cùng tham gia mà chia cụm tổ chức theo quy mô đơn đặt hàng của doanh nghiệp.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân, việc tổ chức cụm nhỏ sẽ dễ dàng, tập trung hơn so với quy mô lớn. Ví dụ, doanh nghiệp ở Đồng Nai, Bình Dương đặt hàng tuyển lao động ở Cần Thơ, Trà Vinh, Vĩnh Long chỉ cần các đơn vị này tham gia tổ chức Phiên giao dịch việc làm.
Năm 2021, do tình hình bệnh phức tạp nên giao dịch việc làm trực tiếp giảm song giao dịch việc làm trực tuyến tăng khoảng 40 – 50% so với trước khi xảy ra dịch bệnh. Người lao động, doanh nghiệp dần quen với phương thức giao dịch việc làm này. Trung tâm Dịch vụ việc đã làm tư vấn người lao động làm hồ sơ phỏng vấn, kỹ năng phỏng vấn trực tuyến… để họ có kinh nghiệm dự phỏng vấn trực tuyến.
Tuy nhiên, phương thức giao dịch việc làm trực tuyến có ưu thế trong thời điểm dịch bệnh nhưng cũng là trở ngại đối với lao động yếu về công nghệ thông tin, không có điều kiện tiếp cận mạng xã hội… Vì vậy, năm 2022, Trung tâm sẽ tổ chức các đợt giao dịch việc làm trực tiếp về các địa phương để đưa cơ hội đến với lao động phổ thông vùng sâu, vùng xa. Trong tình hình dịch bệnh phức tạp, người lao động nên quen dần, thích nghi với giao dịch việc làm trực tuyến để tạo cơ hội, thuận lợi hơn trong tìm kiếm việc làm.
Trước đó, vào ngày 29/10, tại Phiên giao dịch việc làm lần thứ nhất, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hút hơn 110 đơn vị tham gia tuyển dụng trực tiếp và trực tuyến, với trên 36.200 vị trí việc làm còn trống cần tuyển. Hoạt động đã thu hút gần 1.000 lượt người lao động tham gia tiếp cận cơ hội việc làm.
Theo Báo Tin Tức