Mô hình triển khai tại xã Pá Khoang (thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên) và phụ nữ dân tộc thiểu số di cư làm việc tại Hà Nội từ tháng 8/2021 đến tháng 2/2022. Mô hình đã hỗ trợ và giúp tăng cường năng lực kinh tế – xã hội, ứng phó với những tác động trong quá trình tự chủ kinh tế, bình đẳng giới và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cho nhóm phụ nữ.
Những nhu cầu và khó khăn trong quá trình phát triển sinh kế, tiếp cận nguồn lực sẵn có của nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số tại địa phương và di cư lao động tại Hà Nội đã được khảo sát làm cơ sở cho quá trình nâng cao năng lực, phát huy vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số, hướng tới thanh đổi trong cộng đồng.
Theo khảo sát về sinh kế của phụ nữ dân tộc thiểu số tại Điện Biên, có tới 95% làm nông nghiệp, thu nhập 1,1 triệu – 2 triệu đồng chiếm 28,3%, từ 2,1 triệu – 3 triệu đồng chiếm 25%, 40% không có thu nhập; 72% thu nhập chính hộ gia đình là từ chồng.
Còn theo khảo sát sinh kế của phụ nữ dân tộc thiểu số tại Hà Nội, thời gian di cư thường 2-3năm; dài nhất là 13 năm. Lý do di cư có tới hơn 53% vì muốn có việc làm; hơn 34$ muốn có thu nhập, công việc tốt hơn. Về cơ cấu công việc có tới 50% là công nhân, 12,5% là công nhân xây dựng, phụ hồ, 9,4% là giúp việc gia đình, 3,1% làm tự do…
Đáng chú ý là thời gian làm việc của phụ nữ dân tộc thiểu số di cư trung bình 10 tiếng/ngày. Với nhóm phụ nữ di cư tại Hà Nội, nhu cầu lớn nhất là cần được cung cấp kiến thức, kỹ năng nghề để có việc làm và thu nhập ổn định, chủ động tìm kiếm các kênh hỗ trợ về thông tin, việc làm cho người di cư một cách chính thức và đầy đủ.
Clip chị Quàn Thị San giới thiệu về mô hình sinh kế và bình đẳng giới vào ngày 22/2, tại Hà Nội:
Đại diện chính quyền xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội), nơi có khu công nghiệp Bắc Thăng Long cho biết: Nơi đây tập trung nhiều lao động di cư từ các tỉnh thành và mọc lên rất nhiều dịch vụ, xuất hiện nhiều cám dỗ. Do đó, chính quyền cũng thông qua các tổ, nhóm, đoàn thể thông tin số điện thoại đường dây nóng để người lao động có thể liên lạc nhờ hỗ trợ. Tuy nhiên, có một thực tế là lao động di cư có mong muốn trở về quê nên căn cơ thì nên có những dự án sinh kế để lao động di cư có việc làm tại địa phương nơi đi.
Chị Quàn Thị San, hạt nhân của mô hình cho biết: Mô hình đã giúp phữ nữ có vốn sinh kế, tập huấn nâng cao kiến thức về bình đẳng.
“Trên 200 phụ nữ dân tộc thiểu số và gia định họ được hưởng lợi từ mô hinh. Những phụ nữ là hạt nhân sẽ được nâng cao kiến thức, kỹ năng và sinh kế, bình đẳng giới, di cư an toàn và được kết nối tiếp cận các nguồn lực, chủ động học hỏi và bước đầu làm chủ cuộc sống. Đây là mô hình sẽ được nhân rộng thời gian tới”, bà Nguyễn Thu Giang, đồng Chủ tịch sáng lập Viện Light cho biết.
Theo Báo Tin Tức