Trang chủ » Nhà quản lý, chuyên gia bàn việc tái cấu trúc mạng lưới xe buýt

Nhà quản lý, chuyên gia bàn việc tái cấu trúc mạng lưới xe buýt

bởi unexpress

BNEWS Cần tái cấu trúc mạng lưới tuyến xe buýt dựa trên nhu cầu thực tế để phát triển vận hành khách công cộng hiệu quả tại các đô thị lớn.

Nội dung trên được các nhà quản lý, chuyên gia trao đổi tại hội thảo “Giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng hiệu quả” do Báo Giao thông tổ chức sáng 28/7 tại Tp. Hồ Chí Minh.
Tái cấu trúc mạng lưới
Tại các đô thị, phương thức vận tải hành khách công cộng chủ yếu là bằng xe buýt. Hà Nội đã có thêm hai phương thức vận tải khối lượng lớn là xe buýt nhanh BRT và đường sắt đô thị. Tại Tp. Hồ Chí Minh, theo kế hoạch cuối năm 2023 sẽ đưa vào khai thác tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên.

Tuy nhiên, cho đến khi hệ thống tàu điện trên cao, metro được đầu tư đồng bộ, xe buýt vẫn luôn là giải pháp quan trọng nhất để giải bài toán giao thông công cộng tại các đô thị.
Toàn quốc hiện có 56/63 tỉnh thành đã tổ chức khai thác trên 700 tuyến buýt, trên 11.000 phương tiện buýt các loại, với tổng chiều dài các tuyến vận tải hành khách công cộng lên đến trên 23.000 km. Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh mỗi năm ngân sách chi ra hơn 1.000 tỷ đồng để trợ giá cho xe buýt.
Hiện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh đều có những giải pháp để cải thiện chất lượng, đổi mới phương tiện, thay đổi cung cách phục vụ của nhân viên… Tuy vậy, sản lượng hành khách đi lại bằng xe buýt trong những năm gần đây liên tục sụt giảm. Có doanh nghiệp hoạt động tại Hà Nội không cầm cự được phải ngừng 5 tuyến xe buýt.

Theo ông Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho rằng, cần tăng cường số lượng, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng trên các hành lang giao thông chính. Để hoàn thiện đồng thời cả mạng lưới vận tải hành khách công cộng là rất khó khả thi.

Vì vậy, việc lựa chọn các tuyến đường hành lang chính để tăng cường số lượng, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng là hướng tốt nhất để hoàn thiện dần chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng nói chung.
Tại Tp. Hồ Chí Minh, hiện đang có 2.109 phương tiện xe buýt hoạt động trên 128 tuyến xe buýt, trong đó 91 tuyến xe buýt có trợ giá. Mạng lưới xe buýt đã tiếp cận đến 22/22 quận huyện (đạt 100%) và 178/322 số xã phường, thị trấn (đạt 55,3%).

Mạng lưới tuyến buýt lâu đời, dựa trên mạng lưới tuyến đường hiện hữu, hình thành các tuyến trục và nhánh phân bổ theo dạng hình quạt. Các nan quạt là các tuyến trục chính hướng tâm và xuyên tâm từ 2 trung tâm chính là Bến Thành và Chợ Lớn.
Theo ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách Tp. Hồ Chí Minh, cần có một cuộc đại phẫu thuật để tìm ra nguyên nhân người đi xe buýt ngày càng ít.

Giải pháp đặt ra là cần tái cấu trúc mạng lưới vận tải hành khách công cộng ở Tp. Hồ Chí Minh bao gồm tuyến trục, tuyến chính và thu gom; từ đó chỉ ra những điểm yếu của hệ thống vận tải hành khách công cộng, có một cuộc cách mạng toàn diện… thì mới có thể thành công.
Liên quan vấn đề này, ông Lê Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Tp. Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đang nghiên cứu theo hướng tái cấu trúc mạng lưới tuyến xe buýt trên địa bàn, phát triển hệ thống xe buýt theo kiểu “tuyến trục -tuyến nhánh”, dựa theo các chức năng của xe buýt.

Trong đó, tuyến chính đảm nhận vai trò giao thông công cộng trục chính cùng với các tuyến MRT, BRT (tốc độ cao); tuyến nhánh và tuyến gom đảm nhận vai trò giao thông công cộng hỗ trợ (dễ tiếp cận).
Cụ thể, tuyến chính kết nối trung tâm thành phố với ngoại ô dọc theo các tuyến đường chính chủ yếu và cao tốc; buýt tuyến nhánh kết nối tới các tuyến buýt chính và các tuyến MRT, BRT bằng các tuyến đường đô thị chính thứ yếu; buýt gom hoạt động trong nội bộ quận/ huyện và kết  nối các điểm thu hút chính.

Tạo thuận tiện cho hành khách
Vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt hiện còn nhiều vấn đề như mức độ bao phủ mạng lưới tuyến thấp, trùng lặp tuyến cao dẫn đến hoạt động chưa hiệu quả. Tuổi đời phương tiện xe buýt khá cao gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Hệ thống còn thiếu điểm dừng, nhà chờ, hệ thống biển báo thông tin không đầy đủ, thiếu bãi đỗ xe buýt… gây khó khăn cho việc tiếp cận của hành khách.
“Khảo sát mới nhất trong năm 2020 cho thấy, hành khách đang có đánh giá tích cực về một số chỉ tiêu chất lượng nhưng sự tụt giảm hành khách trong các năm gần đây cho thấy nỗ lực cải thiện dịch vụ chưa theo kịp, chưa đáp ứng với nhu cầu ngày càng cao của nhân dân”, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội Thái Hồ Phương nhìn nhận.
Để nâng cao hiệu quả, ông Thái Hồ Phương cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục cải thiện và mở rộng vùng phục vụ của mạng lưới tuyến theo hướng hợp lý hóa lộ trình, mở rộng vùng phục vụ, kết nối với hệ thống BRT và đường sắt đô thị. Mạng lưới tuyến cũng mở rộng vùng phục vụ tới các khu vực ngoại thành, các trung tâm phát sinh nhu cầu như đô thị mới, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, khu công nghiệp, chung cư…
Hà Nội cũng tiếp tục đầu tư theo quy hoạch các hạng mục hạ tầng cơ bản gồm các điểm đầu cuối, điểm trung chuyển, các hành lang ưu tiên để định hình một kết cấu mạng lưới ổn định, có phân cấp mạch lạc và kết nối hiệu quả với các loại hình khác. Đầu tư và phát triển nhanh chóng hệ thống vé điện tử dùng chung cho mạng lưới vận tải hành khách công cộng đa phương thức đảm bảo yêu cầu thuận tiện, liên thông cho hành khách.
Tại Tp. Hồ Chí Minh, ông Lê Hoàn cho biết, hiện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Tp. Hồ Chí Minh đang nghiên cứu đưa vào khai thác các tuyến xe buýt mới, bao gồm 2 tuyến xe buýt tỉnh liền kề không trợ giá kết nối Tp. Hồ Chí Minh với các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Nai; 4 tuyến xe buýt nội tỉnh có sức chứa phù hợp kết nối các khu dân cư mới với các tuyến trục chính, các đầu mối trung chuyển hành khách của hệ thống xe buýt.
Nhiều chuyên gia nhìn nhận, cần có quy hoạch phát triển mạng lưới tuyến vận tải hành khách công cộng đúng đắn để việc
đầu tư có hiệu quả và bền vững. Giải quyết kết nối đường sắt đô thị với BRT và buýt truyền thống chưa tốt là nguyên nhân giảm chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, kém thu hút hấp dẫn người dân sử dụng.
Tháng 11/2021, Hà Nội đưa vào vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 2A, Cát Linh – Hà Đông. Tính đến ngày 17/7, khối lượng hành khách đã vận chuyển là gần 4,4 triệu hành khách. Bình quân vận chuyển ngày thường 22.000-24.000 hành khách, cuối tuần 25.000-30.000 hành khách.

Chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả vận tải hành khách công cộng, ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội cho rằng, cần nghiên cứu đặc tính nhu cầu, quy luật đi lại và mong muốn của hành khách, từ giai đoạn thiết kế tuyến và giai đoạn vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị.

Quá trình này cần được thực hiện thường xuyên, liên tục để không ngừng cải tiến chất lượng dịch vụ, nâng cao tính hấp dẫn của tuyến đường sắt đô thị, đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân.
“Tăng cường tính kết nối của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tạo thuận lợi tối đa cho hành khách di chuyển bằng phương tiện công cộng. Hướng tới hệ thống vận tải hành khách công cộng đa phương thức tập trung vào đường sắt đô thị. Hệ thống các tuyến đường sắt đô thị sẽ đóng vai trò xương sống trong hệ thống vận tải hành khách công cộng”, ông Vũ Hồng Trường chia sẻ.
Điểm sáng hiện nay, theo các chuyên gia là một số doanh nghiệp tư nhân đã quan tâm đến hoạt động vận tải hành khách công cộng. Nhiều tuyến xe buýt điện được khai trương tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh đã đem đến cho hành khách những trải nghiệm mới.

Tại một số địa phương như Bắc Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang… các doanh nghiệp đã đấu thầu, tham gia hoạt động vận tải hành khách công cộng với hình thức không trợ giá.
Cùng với các giải pháp tái cấu trúc mạng lưới, nhiều chuyên gia cũng đề xuất  cần phải sớm đầu tư đổi mới nhóm phương tiện đã sử dụng lâu (trên 10 năm), thông qua tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị đảm nhận khai thác tuyến. Trong thời gian chưa đầu tư mới, cần tăng cường công tác kiểm tra chất lượng phương tiện, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ…/.

>>>Xe buýt Thủ đô tìm giải pháp phát triển

Theo BNews/

Có thể bạn quan tâm