Khối lượng giao dịch trên VN-Index ghi nhận trong phiên sáng đạt gần 832 triệu đơn vị với giá trị đạt 23,8 ngàn tỷ đồng. HNX-Index ghi nhận khối lượng giao dịch đạt hơn 147,5 triệu đơn vị, với giá trị giao dịch đạt 3,6 ngàn tỷ đồng.
Đóng góp trong phiên sáng nay tiếp tục là nhóm cổ phiếu ngân hàng như TCB, BID, HDB, VPB, CTG, VCB, MSB và MBB với đà tăng hơn 8 điểm. Ở chiều ngược lại, sắc đỏ của các mã GAS, HPG, VHM… đã kìm hãm đà tăng của chỉ số.
Trước đó, mở đầu phiên giao dịch sáng, VN-Index tăng nhẹ gần 2 điểm nhờ vào đà tăng của các cổ phiếu Mid Cap và Small Cap. Trong khi đó, nhóm VN30 sau khoảng thời gian ngắn tăng mạnh đã quay về lại trạng thái giằng co.
Cụ thể, VN30-Index tăng hơn 6 điểm ngay khi mở cửa, nhưng chỉ sau 15 phút đã gần như về lại mức tham chiếu. Dẫn đầu đà tăng của VN30 là cổ phiếu chứng khoán SSI, tăng gần 3%, theo sau là HDB, MWG và VPB, khi cùng nhau tăng quanh mức 1-2%. Ở chiều ngược lại, cổ phiếu HPG và GAS tiếp tục xu hướng giảm của mình, cả hai đang giảm gần 2%.
Nhóm nông lâm ngư nghiệp đang là nhóm tăng mạnh nhất thị trường, trung bình hơn 4%. Cổ phiếu HNG và HAG tăng hơn 2%; nhiều cổ phiếu khác trong ngành tăng hết biên độ có thể kể đến như VIF, ASM, SJF.
Đến 10 giờ 30 phút, sau khi lùi về tham chiếu, VN-Index bất ngờ tăng tốc nhờ lực kéo đến từ nhóm VN30. Chỉ số này đã có lúc tăng hơn 10 điểm và giao dịch quanh mức 1.480 điểm.
Ngành chứng khoán tiếp tục nối dài chuỗi tăng điểm của mình trong phiên. Trong đó, VIX, AGR, cùng tăng hơn 5%, TVS tiến tốt hơn 4%, SSI cũng có mức tăng khá tốt gần 3%. Các mã khác như VND, VCI, HCM cùng hiện sắc xanh nhẹ.
Trong khi đó, ngành vận tải kho bãi đang giao dịch khá tiêu cực. Cổ phiếu hàng không HVN giảm mạnh gần 7%, VOS sụt giảm hơn 3%, các mã khác như HAH, PHP, TMS và PVT cùng giảm hơn 1%, GMD, VSC, CDN giảm nhẹ xuống dưới giá tham chiếu.
Cổ phiếu HDB đang là mã nổi bật nhất trong nhóm ngân hàng khi đang bật tăng mạnh hết biên độ. Giá cổ phiếu HDB đang test lại đỉnh cũ tháng 7/2021. Nếu vượt hoàn toàn vùng này thì đà tăng sẽ tiếp tục được củng cố. Một số cổ phiếu khác trong ngành ngân hàng như VPB, BID, CTG, ACB cũng đang duy trì sắc xanh trên 1%.
Nhìn chung, nhiều cổ phiếu vốn hóa nhỏ và vừa vẫn viết lên những câu chuyện đẹp trong sáng 19/11. Điều đáng nói, sức nóng của nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Hàng loạt mã nhanh chóng đua trần ngay từ đầu phiên như SJF, TNI, DAG, HAR, ITA, IDI…
Theo ghi nhận của các chuyên gia chứng khoán, mặc dù ngày 19/11 là ngày thứ 6 “đen tối – Black Friday” nhưng nhà đầu tư mạnh tay xuống tiền, chủ yếu là các cổ phiếu peny (cổ phiếu vừa và nhỏ). Đáng chú ý, phần lớn nhà đầu tư này đến từ nhà đầu tư mới (F0).
Tuy nhiên, sự dịch chuyển dòng tiền về nhóm cổ phiếu cơ bản đã rõ nét hơn, nếu như các phiên giữa tuần nhóm chứng khoán được lợi thì phiên sáng nay cổ phiếu ngân hàng đã trở lại dẫn nhịp thị trường. Hầu hết các công ty chứng khoán đều cho biết, xu hướng tăng điểm của thị trường vẫn chưa bị bẻ gãy sau nhịp giảm hôm qua và khả năng VN-Index vẫn còn xác suất hướng đến ngưỡng kháng cự mạnh 1.500 – 1.510 điểm trong ngắn hạn.
Ông Trương Quang Bình, Phó Giám đốc phân tích nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, không ít tổ chức và nhà đầu tư đã nâng kỳ vọng VN-Index lên mức cao hơn là 1.500 điểm, thậm chí 1.550 – 1.600 điểm trong giai đoạn cuối năm. Vì vậy, rất nhiều nhà đầu tư xuống tiền mua cổ phiếu. Điều này giúp thị trường duy trì diễn biến khả quan trong những tuần qua. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là các nhà đầu tư F0 ưa thích cổ phiếu tăng nóng và xa rời những mã có độ ì, hoặc tỷ lệ cho vay ký quỹ (margin) thấp.
“Thực tế cho thấy, có những nhà đầu tư khi mới bước chân vào thị trường đã xác định chọn cổ phiếu tốt để đầu tư lâu dài nhằm gia tăng tài sản trong dài hạn, nhưng thấy có lãi liền hiện thực hóa lợi nhuận, hoặc giá có diễn biến giảm là vội vàng bán ra”, ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc đầu tư Công ty cổ phần Bảo hiểm SHB nhận định.
Ông Lê Chí Phúc, Tổng Giám đốc SGI Capital lạc quan cho rằng, nếu so sánh với các thị trường đi trước Việt Nam khoảng 10 đến 15 năm thì dư địa phát triển cho thị trường vẫn còn rất lớn. Hiện mới chỉ có 1% lượng dân số thực sự tham gia đầu tư chứng khoán nhưng giá trị giao dịch đã bùng nổ với hàng loạt phiên tỷ đô.
Dựa trên nghiên cứu, ông Phúc chỉ ra những nguyên nhân đã đưa thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên bứt phá là những sản phẩm mới về đầu tư, thông qua công nghệ mới để mở tài khoản hay nền tảng giao dịch mới đều rất cởi mở. Đây chính là điểm khác biệt giúp quy mô giao dịch vượt qua rất nhiều thị trường khác trong khu vực.
Cùng chung quan điểm này, ông Trần Lê Minh, Giám đốc Đầu tư Dragon Capital cho rằng, hiện thị trường chứng khoán đang có sự thay đổi về mặt bản chất; các động lực phát triển đã dần xuất hiện, qua đó phát sinh những động lực khác cho sự phát triển của thị trường.
Tuy nhiên, xét theo góc độ ngược lại, ông Trần Lê Minh lo ngại hiện có nhiều cổ phiếu tăng quá nóng và vượt qua giá trị thực. Bởi một thế hệ nhà đầu tư mới vẫn chưa có đủ kiến thức chuyên môn về lĩnh vực đang dấn thân vào. Do đó, tần suất xuất hiện ngày càng nhiều hơn các hàng hóa cổ phiếu có chất lượng xấu nhưng giá lại được đẩy lên cao. Điều này không chỉ ảnh hưởng đồng tiền của nhà đầu tư mà còn tới sự phát triển chung của thị trường.
Theo Báo Tin Tức