Pilar Villarraga dành phần lớn thời gian trong mùa hè vừa qua để đếm ngược đến ngày sinh nhật của con gái Sophia. Đầu tháng 8 là thời điểm Sophia sẽ lên 12 tuổi và bước vào nhóm đủ điều kiện tiêm phòng vaccine COVID-19 tại Mỹ. Chia sẻ về tâm tư của mình, cô Villarraga, tại thành phố Doral, Florida cho biết cô không muốn con gái trở lại trường học mà chưa được tiêm phòng.
Thật không may, vào cuối tháng 7, chỉ 2 tuần trước kỳ sinh nhật quan trọng, Sophia bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Sau 4 ngày tự điều trị ở nhà không mấy vất vả, đến ngày thứ 5 cô Villarraga phải đưa con gái tới phòng cấp cứu vì em thấy đau ngực và kết quả chụp X-quang chính là điều mà cô lo ngại: Sophia bị viêm phổi và rất nhanh sau đó em bắt đầu ho ra máu. Cô bé nhanh chóng được nhập viện Nhi Nicklaus tại Miami trong sự bàng hoàng của cả cha mẹ và bạn bè vì không ai từng tưởng tượng trẻ nhỏ có thể bị COVID-19 diễn biến nặng như vậy.
Tuy nhiên, Sophia chỉ là 1 trong khoảng 130 trẻ em mắc COVID-19 tại Mỹ phải nhập viện chỉ riêng trong ngày hôm đó (26/7, theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh CDC Mỹ).
Trên thực tế, số trẻ em nhập viện tại Mỹ vì mắc COVID-19 bắt đầu tăng nhanh từ đầu tháng 7. Tính riêng trong giai đoạn từ 31/7 – 6/8, trung bình 216 trẻ em phải nhập viện mỗi ngày. Con số này gần tương đương mức 217 trẻ nhập viện/ngày ghi nhận trong giai đoạn đỉnh dịch tại Mỹ hồi đầu tháng 1/2021.
Các bệnh viện tại những điểm nóng dịch bệnh tại Mỹ, chủ yếu là những địa phương có tỷ lệ bao phủ tiêm chủng còn thấp, chịu tác động đặc biệt mạnh. Trong tuần qua, chỉ trong một ngày, bệnh viện Nhi Arkansas ở Little Rock đã ghi nhận 19 bệnh nhi COVID-19 trong khi bệnh viện nhi Johns Hopkins ở St.Peterburg, Florida ghi nhận 15 trẻ nhập viện và viện nhi Mercy ở thành phố Kansas, Missouri ghi nhận 12 trẻ. Tất cả các bệnh viện này đều thông báo nhiều trẻ phải điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU).
Những số liệu trên làm dấy lên lo ngại rằng tia hy vọng từng được tin tưởng trong suốt thời gian qua về việc dịch bệnh không ảnh hưởng đáng kể tới nhóm trẻ em có thể sẽ dần nguội tắt. Một số bác sĩ tuyến đầu tại Mỹ khẳng định họ nhận thấy giai đoạn này số ca trẻ em mắc COVID-19 thể nặng cao hơn bất kỳ giai đoạn nào trước đây và biến thể Delta có thể là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.
Tiến sĩ Richard Malley, chuyên gia dịch bệnh truyền nhiễm trẻ em tại bệnh viện nhi Boston cho biết mọi người đang có phần lo lắng về khả năng biến thể Delta trên thực tế có thể tác động theo cách nào đó nguy hiểm hơn tới trẻ nhỏ.
Tuy nhiên, đến nay, các nhà khoa học vẫn tin rằng hầu hết trẻ em khi mắc COVID-19 đều sẽ có triệu chứng nhẹ hơn và hiện chưa có đủ bằng chứng để kết luận rằng biến thể Delta có thể gây bệnh nặng hơn cho trẻ em so với các biến thể khác. Một điều rõ ràng hiện nay là sự kết hợp của nhiều yếu tố gồm biến thể Delta dễ lây lan hơn và thực tế tại Mỹ rằng trẻ dưới 12 tuổi chưa đủ điều kiện tiêm phòng, đã dẫn tới tình trạng nhiều trẻ em mắc và nhập viện hơn, đặc biệt ở những vùng mà dịch bệnh đang diễn biến mạnh. Theo Tiến sĩ Malley, khi xuất hiện nhiều ca bệnh hơn thì đến thời điểm nào đó nhóm trẻ em cũng sẽ là nhóm bị tác động.
Thông thường mùa hè là mùa thấp điểm dịch bệnh truyền nhiễm do virus ở trẻ nhỏ tại Mỹ. Tuy nhiên, theo Giám đốc bệnh viện Nhi Arkansas, tháng 7 vừa qua, khi Delta lây lan, số ca mắc COVID-19 mà các viện nhi ở Mỹ ghi nhận bắt đầu tăng từ đầu tháng và đó cũng là lúc họ bắt đầu nhận thấy thực trạng trẻ nhỏ mắc COVID-19 phải nhập viện nhiều hơn. Các loại vaccine đều có hiệu quả bảo vệ trước biến thể Delta, ngăn chặn bệnh chuyển nặng và tử vong. Tuy nhiên, Mỹ chưa cấp phép tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi. Vì vậy, khi mà ngày càng nhiều người trưởng thành được tiêm phòng thì trẻ em sẽ trở thành đối tượng dễ chịu tác động hơn.
Trong giai đoạn từ 22 – 29/7, theo Học viện thanh thiếu niên Mỹ, có đến 19% số ca mắc mới ghi nhận là ở trẻ em. Theo Tiến sĩ Yvonne Maldonado, chuyên gia dịch bệnh truyền nhiễm nhi khoa tại Standford Medicine kiêm Chủ tịch Ủy ban A.A.P về dịch truyền nhiễm, cho rằng vì đây là nhóm chưa được tiêm phòng nên ghi nhận nhiều ca nhiễm mới hơn. Theo A.A.P, giai đoạn từ 22 – 29/7, gần 72.000 ca mắc mới được ghi nhận ở trẻ em, gần gấp đôi một tuần trước đó. Viện Nhi Johns Hopkins thì thông báo phát hiện 181 trẻ em dương tính với virus trong tháng 7, tăng đột biến so với con số 12 ghi nhận trong tháng 6.
Theo Tiến sĩ Wassam Rahman, giám đốc trung tâm khẩn cấp tại viện Nhi Johns Hopkins, hầu hết trẻ nhỏ mắc bệnh đều có các triệu chứng nhẹ như chảy nước mũi, khó thở, ho hoặc sốt, và được cho về điều trị tại nhà. Chỉ một số ít có triệu chứng bệnh nặng phải nhập viện vì viêm phổi hoặc suy hô hấp.
CDC ước tính hiện hơn 80% ca mắc mới tại Mỹ là do biến thể Delta và các bác sĩ cũng cho rằng rõ ràng biến thể này là “kẻ thù” đứng sau tình trạng gia tăng số ca mắc tại trẻ nhỏ. Điều chưa thể khẳng định là liệu khi trẻ em mắc biến thể Delta thì có diễn tiến nặng hơn so với mắc biến thể khác hay không.
Ở người lớn, có một số bằng chứng cho thấy biến thể này gây bệnh nặng hơn, các nghiên cứu tại Canada, Scotland và Singapore từng chỉ ra biến thể Delta có thể dẫn tới nguy cơ nhập viện cao hơn.
Tuy nhiên, những nghiên cứu đó đều là sơ bộ và chưa có dữ liệu đủ chắc chắn để khẳng định nguy cơ bệnh nặng ở trẻ nhỏ sẽ cao hơn nếu nhiễm biến thể Delta.
Tiến sĩ Jim Versalovic, chuyên gia hô hấp tại viện Nhi Texas, Houston khẳng định hiện chưa có bằng chứng chắc chắn về việc tình trạng bệnh sẽ nghiêm trọng hơn ở trẻ em nhiễm biến thể Delta. Tuy nhiên, Tiến sĩ Rahman không loại trừ khả năng Delta có thể gây ra tình trạng bệnh nặng ở trẻ em và xu hướng này thực sự có tồn tại hay không sẽ được thấy rõ hơn trong vài tuần hoặc vài tháng tới. Thông thường, tỷ lệ nhập viện là chỉ số theo sau chỉ số về ca mắc mới. Tức là sau vài tuần tăng số ca mắc mới thì tỷ lệ nhập viện sẽ được tính toán và khi đó mới có thể nói chính xác hơn về xu hướng này.
Tại Anh, biến thể Delta cũng đã bùng phát trên diện rộng và giai đoạn bùng phát xảy ra trước Mỹ. Các chuyên gia cho biết họ không nhận thấy bằng chứng rõ ràng rằng biến thể Delta gây bệnh nghiêm trọng hơn cho trẻ em. Tiến sĩ Elizabeth Whittaker, chuyên gia tại Imperial College London khẳng định Delta thực sự gây ra một làn sóng các ca mắc mới ở trẻ nhỏ nhưng không đến mức khác biệt hơn hay đáng lo ngại hơn.
Các chuyên gia cũng cho rằng hiện chưa rõ khi nào trẻ dưới 12 tuổi tại Mỹ sẽ được tiêm phòng nhưng hiện nay các tốt nhất để giảm nguy cơ cho nhóm đối tượng này và giảm tải cho các bệnh viện là những người trưởng thành và những trẻ lớn hơn đã đủ kiện tiêm phòng cần đi tiêm càng sớm càng tốt để ngăn chặn biến thể Delta lây lan. Tăng tốc và mở rộng chương trình tiêm phòng toàn dân hiện được coi là biện pháp an toàn nhất để tránh phải đi tìm câu trả lời cho câu hỏi liệu Delta có nguy hiểm hơn với trẻ em hay không.
Theo Báo Tin Tức