BNEWS Khẩu trang y tế sau 1 lần sử dụng vẫn giữ được khả năng lọc vi khuẩn sau 10 lần giặt trong máy giặt, với hiệu quả lọc vi khuẩn thậm chí vượt trội so với khẩu trang vải loại một.
Theo kết quả nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học Pháp mới được công bố trên tạp chí khoa học Chemosphere, khẩu trang y tế sau 1 lần sử dụng vẫn giữ được khả năng lọc vi khuẩn sau 10 lần giặt trong máy giặt, với hiệu quả lọc vi khuẩn thậm chí vượt trội so với khẩu trang vải loại một, theo tỉ lệ tương ứng là 98% và 90%.
Theo phóng viên TTXVN tại Paris, ông Philippe Cinquin, điều phối viên khoa học của Trung tâm điều tra lâm sàng thuộc Bệnh viện Đại học Grenoble, một thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết các nhà khoa học đã tiến hành thí nghiệm giặt 10 lần với khẩu trang y tế sau 1 lần sử dụng và sau đó đưa ra kết luận rằng chỉ nên vứt bỏ khẩu trang khi bề ngoài khẩu trang đã bị hỏng và không còn phù hợp với khuôn mặt của người đeo.
Theo ông Cinquin, lớp vải bên ngoài khẩu trang bị sờn không còn đảm bảo thẩm mỹ, vì vậy được coi là không còn giá trị sử dụng mặc dù các đặc tính lọc khuẩn của khẩu trang vẫn còn hiệu quả.
Ngoài ra, những phần dễ có vấn đề nhất của khẩu trang thực tế là thanh nẹp mũi, dây đeo và đặc biệt là điểm gắn kết dây đeo trên các góc khẩu trang.
Đeo khẩu trang vừa khít khuôn mặt là cần thiết để bảo đảm khả năng bảo vệ tối ưu, nên tuổi thọ của bộ phận này sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc tái sử dụng khẩu trang.
Nghiên cứu trên được thực hiện theo đề nghị của Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia (CNRS) và Ủy ban năng lượng và năng lượng nguyên tử Pháp (CEA) nhằm ứng phó với những thách thức lớn về sinh thái và kinh tế, trong bối cảnh Chính phủ Pháp kêu gọi người dân tiếp tục đeo khẩu trang trong ít nhất một vài tháng, hoặc thậm chí có thể quy định việc đeo khẩu trang là tiêu chuẩn thực hành vệ sinh thông thường.
Theo dữ liệu từ Viện Nielsen (chi nhánh Pháp), từ tháng 5/2020 đến tháng 5/2021, tổng giá trị khẩu trang được phân phối hàng loạt lên tới 550 triệu euro và hiện nay, giá trị khẩu trang được bán ra vào khoảng 3 triệu euro/tuần ở Pháp.
Vì vậy, khẩu trang đã qua sử dụng là một nguồn rác thải đáng kể tại nước này. Theo ước tính của Tổng cục phòng chống rủi ro (DGPR) của Pháp, lượng rác thải từ khẩu trang y tế đã lên tới khoảng 40.000 tấn/năm.
Nghiên cứu trên được thực hiện trong vòng 1 năm rưỡi, đã mở ra triển vọng kéo dài thời gian sử dụng của khẩu trang y tế.
Tuy nhiên, trước khi làm được điều này, vấn đề đầu tiên là phải thay đổi quy định pháp lý. Tại Pháp, cũng như các nước khác, khẩu trang y tế được liệt vào dạng thiết bị y tế sử dụng một lần, nghiêm cấm tái sử dụng chủ yếu vì lý do vệ sinh an toàn trong môi trường chăm sóc sức khỏe.
Để thúc đẩy việc tái sử dụng những chiếc khẩu trang này, các cơ quan y tế sẽ phải thay đổi các quy định hiện hành.
Trong khi đó, đối với đông đảo người dân, giặt khẩu trang y tế có vẻ là một giải pháp sẽ được ủng hộ. Ở góc độ y tế, khẩu trang y tế được giặt sạch sẽ giữ lại khả năng vi lọc mạnh hơn khẩu trang vải, vì vậy lựa chọn này nên được ưu tiên phổ biến.
Theo nghiên cứu trên, một người mắc COVID-19 nếu không đeo khẩu trang sẽ phát tán các hạt kích cỡ 3 micron ra xung quanh trong 6 phút, trong khi người mang khẩu trang thường loại 2 (hiệu suất vi lọc 70%) là 20 phút và loại 1 (vi lọc 90%) là một giờ, trong khi người mang khẩu trang y tế là 5 giờ.
Như vậy, trong những tình huống phải tiếp xúc lâu, chẳng hạn sử dụng phương tiện giao thông công cộng, trong lớp học hoặc rạp hát, mọi người nên đeo khẩu trang y tế, kể cả khẩu trang đã qua sử dụng và được giặt sạch./.
Source: BNews