Vừa qua, Báo Bắc Giang nhận được đơn kiến nghị của ông Nguyễn Xuân Đắc cùng một số người dân thôn Xuân Bầu, xã Hương Mai (Việt Yên) tố cáo cán bộ thôn Nghĩa Tiến, xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa) đã huy động rất đông người dân sang “cuốc phá” đất canh tác của mình, gây bức xúc trong nhân dân. Vậy thực chất vấn đề trên là gì?
Diện tích đất canh tác đang có sự tranh chấp giữa nhân dân thôn Nghĩa Tiến, xã Đông Lỗ (Hiệp Hoà) và thôn Xuân Bầu, xã Hương Mai (Việt Yên)
Theo nhiều cán bộ và người cao tuổi ở thôn Xuân Bầu: Xuất xứ cánh đồng Cống Đá, Đồi 1, Đồi 2 (nơi đang xảy ra tranh chấp quyền sử dụng đất giữa người dân hai thôn Xuân Bầu và Nghĩa Tiến) là khu đồng hoang. Vào mỗi giai đoạn khác nhau, lúc thì mô hình HTX toàn xã, khi HTX theo phạm vi thôn, song cánh đồng này vẫn được người dân thôn Xuân Bầu trông coi, bảo vệ dưới sự quản lý của HTX. Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, khi Nhà nước đổi mới cơ chế quản lý trong nông nghiệp thì cánh đồng Cống Đá, Đồi 1, Đồi 2 được người dân thôn Xuân Bầu ra đắp bờ, khai hoang sản xuất. Gia đình nào có nhiều nhân lực thì làm được nhiều ruộng. Ông Phạm Hồ Đạo, nguyên Chủ nhiệm HTX toàn xã Hương Mai từ năm 1977-1981 quả quyết: “Người dân thôn Xuân Bầu canh tác trên cánh đồng này từ lâu lắm rồi”. Đã có năm người dân thôn Xuân Bầu phải nộp sản cho thôn để chi dùng vào việc chung, song vài năm gần đây họ không nộp sản nữa, vì cho rằng đó là đất vỡ hoang mà có.
Khi chúng tôi làm việc với UBND xã Đông Lỗ và lãnh đạo thôn Nghĩa Tiến, mọi người lại khẳng định: 22 mẫu ruộng mà người dân thôn Xuân Bầu đang canh tác trên cánh đồng Cống Đá, Đồi 1, Đồi 2 thuộc quyền quản lý và sử dụng của thôn Nghĩa Tiến. Bởi vì, khu đất này nằm trong địa giới hành chính của xã Đông Lỗ. Mặt khác, trong hợp đồng đấu nối đường điện phục vụ chống úng và dân sinh giữa HTX Nghĩa Tiến và HTX Xuân Hòa, xã Hương Mai (gồm các thôn: Xuân Bầu, Xuân Hòa và Việt Hòa) được ký kết năm 1991, có ghi: “HTX Nghĩa Tiến đầu tư 20 cột xi măng bằng cách cho HTX Xuân Hòa xâm canh số diện tích rậm ở đồng Cống Đá, Đồi 1, Đồi 2, tổng số 25 mẫu. Thời gian xâm canh từ năm 1991 đến 2002”. Năm 1998, bản hợp đồng lại được bổ sung “gia hạn tiếp đến tháng 5-2006 vì HTX Nghĩa Tiến giao diện tích cho Xuân Bầu chưa đủ như thống nhất ban đầu”. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Thiện, Bí thư chi bộ thôn Xuân Bầu: “Việc 2 HTX ký hợp đồng trên, người dân thôn Xuân Bầu không được họp bàn. Trong khi ấy, đất ruộng ở đó chúng tôi vẫn đang sản xuất”. Tại báo cáo số 157/TNMT-TTS ngày 20-1-2009 về việc giải quyết tranh chấp đất đai giữa nhân dân hai thôn Nghĩa Tiến và Xuân Bầu của Sở Tài nguyên và Môi trường cũng nêu: Thực tế, việc sử dụng đất ở cánh đồng Cống Đá, Đồi 1, Đồi 2 từ trước năm 1991 đến nay thuộc về HTX Xuân Hòa, xã Hương Mai. Việc ký hợp đồng giữa 2 HTX Nghĩa Tiến và Xuân Hòa tại thời điểm năm 1991 chỉ là hợp thức việc các hộ xã viên HTX Xuân Hòa đang sử dụng đất từ trước chứ không phải sau khi ký hợp đồng mới phát sinh việc giao đất cho các hộ của HTX Xuân Hòa sử dụng. Ở đây cũng phải nói thêm, việc người dân tiến hành xâm canh, xâm cư là chuyện thường tình.
Cánh đồng này đã nhiều lần xảy ra tranh chấp giữa 2 thôn Nghĩa Tiến và Xuân Bầu. Khoảng giữa những năm 80 thế kỷ trước, nơi đây đã xảy ra xô xát giữa 2 bên, khiến Công an tỉnh phải về giải quyết. Ngày 16-12-2008, một số cán bộ và người dân thôn Nghĩa Tiến lại mang cuốc sang phá bờ ruộng ở cánh đồng này – nơi mà người dân thôn Xuân Bầu đang canh tác. Tiếp theo, ngày 16-1-2009, một số người dân thôn Nghĩa Tiến còn đưa máy xúc sang để đắp bờ. Tuy nhiên, những hành động trên đã gặp phải sự phản đối quyết liệt của người dân thôn Xuân Bầu. Ông Nguyễn Văn Lượng, Trưởng thôn Nghĩa Tiến giải thích: “Do hợp đồng ký kết giữa 2 bên đã hết thời hạn, nên người dân chúng tôi phải đòi lại số ruộng của mình”.
Có thể nói, tình trạng tranh chấp đất đai ở cánh đồng Cống Đá, Đồi 1 và Đồi 2 diễn ra đã khá lâu. Các cấp chính quyền hai huyện Hiệp Hòa và Việt Yên đã nhiều lần họp bàn để tìm biện pháp giải quyết thông qua hòa giải, thương lượng. Thế nhưng, đến nay sự việc không những chưa được giải quyết dứt điểm mà có chiều hướng ngày càng phức tạp. Bản chất của sự việc trên xuất phát từ việc buông lỏng công tác quản lý đất đai của cấp xã, để cho thôn khoán thầu đất trái quy định. Khi xảy ra tranh chấp, chính quyền địa phương không có biện pháp khắc phục kịp thời dẫn đến mâu thuẫn phức tạp, kéo dài, khó giải quyết. Qua đây, đề nghị UBND hai huyện Hiệp Hòa và Việt Yên cần tích cực phối hợp tìm biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng trên, phân định rõ quyền lợi và trách nhiệm các bên liên quan, tránh để xảy ra sự việc đáng tiếc. Trong khi chưa có phương án giải quyết cụ thể, yêu cầu giữ nguyên hiện trạng đang sử dụng đất, không để xảy ra tình trạng bỏ đất hoang, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Về lâu dài, toàn bộ diện tích trên cần được các cấp chính quyền quản lý chặt chẽ, theo đúng quy định của pháp luật
NHÓM PV BẠN ĐỌC
Nguồn “Báo Bắc giang online” http://www.baobacgiang.com.vn/266/48428.bgo, 16/11/2009
Hiephoa.net đăng lại 18/11/2009