BNEWS Ngân hàng Nhà nước cho biết, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng là một vấn đề rất lớn mà ngành ngân hàng đang tập trung triển khai nhưng còn gặp rất nhiều khó khăn.
Ngân hàng Nhà nước vừa có báo cáo gửi đến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV về vấn đề thực hiện nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo, giám sát chặt chẽ các tổ chức tín dụng trong việc triển khai phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt; theo dõi, giám sát tình hình xử lý nợ xấu cũng như kiểm soát chất lượng tín dụng để kịp thời cảnh báo, chấn chỉnh, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện phương án.
Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, các ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hệ thống các tổ chức tín dụng.
Đến cuối tháng 3/2022, vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại nhà nước gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV đạt 170 nghìn tỷ đồng, không thay đổi so với cuối năm 2021, tổng tài sản đạt 6.719,44 nghìn tỷ đồng, tăng 5,17% so với cuối năm 2021; vốn huy động thị trường đạt 5.625,25 nghìn tỷ đồng, tăng 2,94% so với cuối năm 2021.
Ngân hàng Nhà nước đánh giá các ngân hàng thương mại cũng tích cực tham gia hỗ trợ, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và dành nguồn lực để hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng vay gặp khó khăn do dịch COVID-19.
Để nâng cao năng lực tài chính, Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp các bộ, ngành liên quan xem xét, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021-2023 cho các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và từ nguồn ngân sách nhà nước đối với Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần, Ngân hàng Nhà nước cho biết về cơ bản đều bám sát phương án được duyệt, tập trung củng cố, chấn chỉnh toàn diện các mặt tài chính, quản trị, xử lý nợ xấu, tăng cường các biện pháp kiểm soát nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh.
Đến cuối tháng 3/2022, vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại cổ phần đạt 100,23 nghìn tỷ đồng, tăng 1,69% so với cuối năm 2021; tổng tài sản đạt 7.372,5 nghìn tỷ đồng, tăng 3,08% so với cuối năm 2021, vốn huy động thị trường ở đạt 215.396,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,9% so với cuối năm 2021.
Đối với 3 ngân hàng thương mại mua bắt buộc và Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á, Ngân hàng Nhà nước hiện thực hiện rà soát, xây dựng phương án xử lý, cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương.
Trên cơ sở phê duyệt của cấp có thẩm quyền, Ngân hàng Nhà nước đã và đang chỉ đạo các ngân hàng này khẩn trương hoàn thiện phương án cơ cấu lại, đồng thời tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng là một vấn đề rất lớn mà ngành ngân hàng đang tập trung triển khai nhưng còn gặp rất nhiều khó khăn như hành lang pháp lý còn thiếu đồng bộ, nhất là trong việc xử lý các ngân hàng yếu kém, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành để triển khai hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% tăng chậm hơn rất nhiều so với khối ngân hàng thương mại cổ phần, ảnh hưởng đến vai trò và thị phần trong toàn hệ thống.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian tới sẽ tổ chức phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng theo hướng các tổ chức tín dụng trong nước đóng vai trò chủ lực, hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch, đáp ứng các chuẩn mực về an toàn hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật và tiệm cận với thông lệ quốc tế, hướng tới đạt trình độ phát triển của Nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN.
Cùng với đó, tập trung thực hiện phương án cơ cấu lại, khắc phục những hạn chế, phấn đấu xử lý cơ bản các khó khăn, tồn tại của ngân hàng yếu kém, xây dựng hệ thống các tổ chức tín dụng lành mạnh và phát triển bền vững.
Ngân hàng Nhà nước cũng nâng cao năng lực tài chính của tổ chức tín dụng; ngăn ngừa tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng có liên quan./.
Theo BNews/