Trang chủ » Nga kiện Ukraine chặn nguồn nước ngọt đến Crimea

Nga kiện Ukraine chặn nguồn nước ngọt đến Crimea

bởi unexpress
Chú thích ảnh
Crimea phụ thuộc lớn vào nguồn cung cấp nước ngọt từ Kênh đào Bắc Crimea. Ảnh: Reuters 

Theo hãng tin Reuters, trong một tuyên bố, Văn phòng Tổng công tố Nga cho biết họ đã đệ đơn khiếu nại nhân quyền lên Tòa án Nhân quyền châu Âu về tình trạng bạo lực ở Kiev và Odessa vào năm 2014 và thương vong của người dân do pháo kích ở miền đông Ukraine. Nga cũng khiếu nại việc Ukraine phong tỏa Kênh đào Bắc Crimea, nơi cung cấp nước ngọt cho Bán đảo Crimea.

Những khiếu nại khác bao gồm Ukraine phân biệt đối xử với những người nói tiếng Nga và các cuộc tấn công nhằm vào các cơ quan đại diện ngoại giao của Nga.

Phản ứng trước động thái trên, Bộ trưởng Tư pháp Ukraine Denys Malyuska cho biết Nga sẽ thua trước tòa, đồng thời mô tả các khiếu nại là điều hoang đường và chỉ có giá trị tuyên truyền cho Nga.

Mối quan hệ giữa Ukraine và Nga đã trở nên căng thẳng kể từ năm 2014, khi Moskva sáp nhập Bán đảo Crimea bên bờ Biển Đen và bị cáo buộc hỗ trợ lực lượng đòi độc lập ở miền đông Ukraine, dẫn đến các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Từ năm 2014, Nga đã cáo buộc Ukraine xây dựng một con đập chắn ngang kênh đào Bắc Crimea ở Kherson Oblast, cách đường ranh giới với Crimea khoảng 40 km. Vào cuối tháng 4, Ukraine đã đóng cửa các cống dẫn của kênh đào, ngừng cung cấp nước từ sông Dnepr cho bán đảo này.

Crimea nhận 85% nước ngọt thông qua kênh đào dài 400km được xây dựng từ năm 1961-1971 nói trên. Con kênh trải dài từ hồ chứa Kakhovka đến Eo biển Kerch.

Chú thích ảnh
Một đoạn kênh đào Bắc Crimea ở gần Dzhankoi, Crimea, cạn kiệt nước sau khi Ukraine chặn nguồn nước năm 2014. Ảnh: Reuters

Theo tờ Daily Sabah, trước đây kênh đào này cung cấp khoảng 85% lượng nước từ sông Dnepr của Ukraine. Hồi đó Crimea không thiếu nước, nhưng giờ đây, thiếu nước đã trở thành một vấn đề kinh niên.

“Nước được cấp trong hai giờ mỗi ngày từ 6 giờ đến 8 giờ sáng, đôi khi nó có màu khác, như bạn thấy đấy, màu nâu. Đây được cho là nước uống, nhưng không ai có thể uống hoặc nấu ăn với nó”, một cư dân sống ở Akmescit (Crimea) cho biết.

Umerov chỉ là một trong nhiều cư dân đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nước ngày càng trầm trọng ở Bán đảo Crimea. Anh phải lái xe qua các vùng khác của bán đảo để tìm nguồn nước ngọt sạch.  

Chú thích ảnh
Người dân múc nước bên bờ một đoạn Kênh đào Bắc Crimea ở ngoại ô thị trấn Krasnoperekopsk, bắc Crimea. Ảnh: Reuters

Chính quyền Nga cho biết dân số bán đảo gần như tăng gấp đôi trong những năm qua và thừa nhận nguồn cung cấp nước đang trở thành một vấn đề ngày càng cấp bách cần được giải quyết.

Hồi tháng 2 năm nay, các nhà chức trách Nga cho biết, thủ phủ Crimea, Simferopol có nguồn cung cấp nước chỉ đủ cho 100 ngày và bán đảo khô cằn đã trải qua năm khô hạn nhất trong vòng 150 năm qua vào năm 2020.

Theo Cơ quan quản lý nước lưu vực Crimea, bán đảo hiện có 23 hồ chứa. Dù mực nước trong các hồ chứa đó giảm đáng kể, một số hồ thậm chí còn khô cạn hoàn toàn, song đây vẫn là những nguồn duy nhất cung cấp nước cho khu vực kể từ khi kênh đào Bắc Crimea bị chặn.

Theo ước tính, nông nghiệp đã tiêu thụ khoảng 2/3 lượng nước được vận chuyển qua kênh đào trước khi Crimea sáp nhập vào Nga. Việc giảm mạnh diện tích đất được tưới đã nói lên tác động của tình trạng thiếu nước đối với ngành nông nghiệp. Tổng diện tích đất được tưới ở Crimea là khoảng 140.000 ha vào năm 2013 nhưng đã giảm xuống còn 10.000 ha vào năm 2015, chỉ một năm sau sự kiện sáp nhập Crimea.

Theo các nguồn tin của Nga, diện tích đất được tưới đã phục hồi nhẹ lên 17.000 ha vào năm 2018. Tuy vậy, bán đảo này được cho là thiệt hại 14 tỷ ruble (210 triệu USD) mỗi năm do nguồn cung cấp nước thấp, theo Bộ Nông nghiệp Crimea.

Theo Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm