Trang chủ » Nâng cao trình độ sử dụng thiết bị bay trong quản lý đường dây truyền tải điện

Nâng cao trình độ sử dụng thiết bị bay trong quản lý đường dây truyền tải điện

bởi unexpress

BNEWS Song song với việc đào tạo đảm bảo về mặt con người đáp ứng yêu cầu công việc, cần triển khai thực hiện một số biện pháp để nâng cao độ chính xác và tính kỹ thuật trong quản lý vận hành.

Triển khai lộ trình chuyển đổi số trong Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), để tăng cường ứng dụng, làm cơ sở đánh giá toàn diện hiệu quả sử dụng trong quản lý vận hành lưới điện truyền tải, EVNNPT đã triển khai thực hiện áp dụng toàn diện thiết bị bay không người lái UAV trong kiểm tra, quản lý vận hành theo các quy trình, quy định hiện hành tại một số Đội truyền tải điện trực thuộc 4 công ty truyền tải.

Trong số đó, PTC3 có 3 đội truyền tải được chọn triển khai áp dụng là Đội truyền tải điện Krong Buk thuộc Truyền tải điện ĐăkLăk; Đội truyền tải điện Bảo Lộc thuộc Truyền tải điện Lâm Đồng; Đội truyền tải điện Phan Thiết thuộc Truyền tải điện Bình Thuận.

Trên cơ sở các quy trình, quy định hiện hành, các đơn vị trực thuộc PTC3 đã triển khai ứng dụng UAV trong các cụ thể như: Kiểm tra định kỳ đường dây, kiểm tra dây dẫn, dây chống sét  cáp quang, đo độ cao dây dẫn và dây chống sét; soi phát nhiệt mối nối, tai lèo khi tải cao, khi bất thường và đo lần đầu khi công trình đưa vào sử dụng; Kiểm tra bất thường, sự cố, tìm vết phóng điện trên cách điện và trên dây dẫn; xử lý bất thường trên đường dây như đốt diều vướng vào đường dây, đốt tổ ong trên cột nhằm đảm bảo an toàn cho công nhân leo cột thi công; tầm soát soi phát nhiệt cách điện composite, chụp ảnh nhiệt kiểm tra các chuỗi cách điện composite cho các vị trí cột cao trên 60m; hỗ trợ công tác nghiệm thu, sửa chữa, chụp ảnh thi công tiếp địa, nghiệm thu cột, dây dẫn đối với các đường dây thuộc dự án mới.

Theo lãnh đạo PTC3, sau một thời gian triển khai áp dụng đã có được những đánh giá sơ bộ về hiệu quả rõ rệt khi áp dụng UAV như: Nâng cao hiệu quả lao động đặc biệt khi kiểm tra khu vực đồi núi, thung lũng hoặc đầm lầy, ao hồ, kiểm tra phụ kiện phần mang điện…; giảm sức lực của người công nhân, nguy cơ mất an toàn do ngã cao, điện từ trường… nhưng vẫn có thể đảm bảo hiệu quả công việc; thời gian tiếp cận hiện trường nhanh chóng, hình ảnh thu thập đạt cả mức độ tổng quát lẫn chi tiết; ứng dụng UAV trong việc tìm nguyên nhân sự cố, ghi lại hình ảnh ở nhiều góc độ phục vụ cho việc báo cáo, phân tích, điều tra sự cố rõ ràng, chính xác hơn; UAV nhiệt có khả năng linh hoạt hơn so với các thiết bị đo nhiệt độ cầm tay thông thường…

Tuy nhiên, cũng dễ dàng nhận thấy một số hạn chế như: Dễ hư hỏng do va đập vào chướng ngại vật; bị nhiễu khi bay vào vùng từ trường cao – có thể xảy ra mất điều khiển; một số trường hợp không sử dụng được: mưa, gió lớn, sương mù; tín hiệu kết nối phụ thuộc vào địa hình, không gian, cây cối; hệ thống cảm biến nhận diện vật cản hoạt động chưa hiệu quả với dây dẫn, dây chống sét; nhân viên vận hành phải được đào tạo, am hiểu về thiết bị đồng thời phải có kỹ năng bay; khối lượng hình ảnh, video lớn – việc lưu trữ, phân loại, đánh giá mất nhiều thời gian..

Theo ông Lưu Việt Tiến, Phó Tổng Giám đốc EVNNPT,  PTC3 đã nghiêm túc triển khai theo chủ trương chỉ đạo của EVNNPT, đặc biệt là sự quan tâm sát sao của lãnh đạo PTC3 đối với chuyển đổi số, trong đó nổi bật là ứng dụng UAV trong quản lý vận hành lưới điện truyền tải.

Đối với việc đánh giá, rút kinh nghiệm qua thực tiễn triển khai áp dụng toàn diện UAV tại các đơn vị, Phó Tổng Giám đốc EVNNPT đề nghị PTC3 cần tập trung phân tích vào các khó khăn trong quản lý vận hành lưới điện truyền tải để thấy được rõ hơn hiệu quả của việc triển khai áp dụng toàn diện UAV, đặc biệt là trong lĩnh vực an toàn lao động.

Qua phân tích để thấy rõ những công việc sử dụng UAV kiểm tra, những công việc phải do người công nhân thực hiện và các công việc phải kết hợp cả UAV và con người kiểm tra. Từ đó đánh giá được hiệu quả của việc tiết kiệm lao động nhằm thích nghi với sự tăng trưởng càng ngày càng nhanh về khối lượng quản lý vận hành.

Phó Tổng Giám đốc EVNNPT cũng đánh giá cao sự chủ động, sáng tạo của lãnh đạo PTC3 trong việc chọn triển khai áp dụng UAV tại 3 đội truyền tải điện ứng với 3 địa hình khác nhau.

Trong thời gian tới, Phó Tổng Giám đốc EVNNPT yêu cầu PTC3 tiếp tục triển khai và hoàn thiện đánh giá UAV trong thực tiễn công tác, song song với việc triển khai đào tạo đảm bảo về mặt con người đáp ứng yêu cầu công việc, đồng thời triển khai thực hiện một số biện pháp để nâng cao độ chính xác và tính kỹ thuật mà UAV mang lại trong quản lý vận hành./.

Theo BNews/

Có thể bạn quan tâm