Trang chủ » Mua sắm thời dịch COVID-19 – Bài cuối: Định hình lại thị trường

Mua sắm thời dịch COVID-19 – Bài cuối: Định hình lại thị trường

bởi unexpress

Hơn thế nữa, dưới tác động của dịch COVID-19 và hạn chế du lịch trên toàn cầu, khách hàng tập trung mua sắm chủ yếu tại các cửa hàng trong nước, nhu cầu nội địa cho thị trường bán lẻ không bị ảnh hưởng quá nhiều. Đặc biệt, bán lẻ cao cấp tại Việt Nam là một trong những thị trường có hoạt động tốt, với việc các thương hiệu muốn mở rộng và gia nhập vào Việt Nam thông qua kênh thương mại điện tử.

Chú thích ảnh
Nguồn hàng thiết yếu luôn được đảm bảo tại các siêu thị. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Thị phần nội địa lên ngôi

Tại Việt Nam, ngành bán lẻ dưới tác động của dịch bệnh đã chứng kiến nhiều cửa hàng và các nhà bán lẻ lớn buộc phải đóng cửa, nhất là đối với những mặt hàng có mức độ nhạy cảm về giá cao. Một số thương hiệu bán lẻ do không thể thay đổi mô hình kinh doanh để thích ứng với tình hình mới đã dẫn tới việc bị đào thải khỏi thị trường. 

Tuy vậy, vẫn tồn tại ngành hàng hoạt động tốt với lượng khách hàng tới cửa hàng khả quan, thậm chí những doanh nghiệp này còn có xu hướng mở rộng. Thành công của bán lẻ ở các thị trường khác nhau vẫn phụ thuộc nhiều vào chiến lược, sự quản lý cũng như khả năng thích ứng của doanh nghiệp. 

Điển hình, đối với ngành hàng xa xỉ, sự nhạy cảm về giá của người mua là khá thấp, thương hiệu vẫn có thể tăng từ 10-20% mà vẫn có khách hàng muốn sở hữu. Bởi, việc tăng giá sản phẩm của thương hiệu xa xỉ thường không ảnh hưởng trực tiếp lên quyết định mua hàng do khách hàng của họ sẵn sàng và luôn có khả năng mua.

Hiện có rất nhiều nhà bán lẻ đang chuyển hướng, áp dụng thương mại điện tử và giải pháp công nghệ nhằm giải quyết nhu cầu khác nhau của doanh nghiệp. Chẳng hạn như: tiếp cận và giao tiếp với khách hàng, quản lý kho vận và thậm chí là hỗ trợ các hoạt động truyền thông. Trong khi đó, các thương hiệu cao cấp lại tập trung chủ yếu vào phát triển và duy trì hình ảnh. Điều này thể hiện qua chất lượng và giá trị trọn đời của sản phẩm.

Theo ông Matthew Powell, Giám đốc Savills, có thể dễ thấy sự phát triển đi lên của thị trường bán lẻ Việt Nam bằng việc những thương hiệu Uniqlo, Zara… lần lượt gia nhập thị trường và mở cửa hàng. Những thương hiệu thời trang này đang thu hút một lượng lớn các khách hàng tại các phân khúc khác nhau.

Ngoài ra, thị trường bán lẻ tại Việt Nam cũng đang đón nhận mô hình phát triển mới tương tự với các nước trên thế giới. Đó là sự bùng nổ của các loại hình giải trí, F&B và e-Sport tại hệ thống trung tâm thương mại. Những doanh nghiệp vẫn hoạt động tốt đồng nghĩa với việc họ có khả năng thay đổi để bắt kịp với tình hình mới. 

Theo thống kê của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, bán lẻ truyền thống, gồm: cửa hàng tạp hoá và chợ truyền thống vẫn chiếm 74% thị phần thị trường và tăng 1%/năm. Trong khi đó, bán lẻ hiện đại chiếm 26% thị phần, với mức tăng 12%/năm. Thị trường bán lẻ tại Việt Nam đã có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhưng doanh nghiệp nắm giữ thị trường chủ yếu vẫn là những thương hiệu nội địa như: Vingroup, Masan, MWG…

Hơn thế nữa, do không đủ khả năng cạnh tranh, một số nhà bán lẻ nước ngoài đã phải rời khỏi thị trường và những doanh nghiệp nội địa đã nắm bắt thành công cơ hội M&A để tăng quy mô cũng như mở rộng thêm thị phần thị trường bán lẻ trong nước.

Cụ thể, đại siêu thị E-mart (Hàn Quốc) đã nhượng quyền cho Tập đoàn ô tô Trường Hải (Thaco) và có kế hoạch phát triển 11 đại siêu thị E-mart trên cả nước vào năm 2025. Trước đó, chuỗi siêu thị Auchan từ Pháp cũng được chuyển nhượng cho nhà bán lẻ nội là Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op). 

Ngoài ra, “gã khổng lồ” Alibaba và Baring Private Equity Asia (BPEA) cũng đã đạt được thỏa thuận chi 400 triệu USD mua 5,5% tỷ lệ sở hữu sau phát hành tại The CrownX – nền tảng tiêu dùng bán lẻ hợp nhất của Masan tại Masan Consumer Holdings và VinCommerce (sở hữu chuỗi bán lẻ VinMart và VinMart+). Sau giao dịch này, VinCommerce sẽ là nhà bán lẻ nhu yếu phẩm hàng đầu trên nền tảng thương mại điện tử Lazada (cũng thuộc sở hữu Alibaba). 

Một điểm sáng đáng chú ý khác, những Hiệp định thương mại song và đa phương giữa Việt Nam và các đối tác sẽ hỗ trợ sự phục hồi và tăng trưởng của thị trường bán lẻ. Điều này đã tạo niềm tin cho nhiều doanh nghiệp ngoại vẫn xem thị trường bán lẻ Việt Nam là một miền đất hứa cần được khai phá.

Tạo chuỗi cung ứng online

Việt Nam là một trong những nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ nhất tại khu vực, đã thúc đẩy các công ty toàn cầu đầu tư nhiều hơn nữa vào thị trường thương mại điện tử trong nước. Theo số liệu của Bộ Công Thương, có khoảng 53% dân số tham gia mua bán trực tuyến, đưa thị trường thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2020 tăng trưởng 18%, đạt 11,8 tỷ USD.  

Theo kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn năm 2021-2025, đến năm 2025, có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua hàng hoá và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600 USD/người/năm. Doanh số thương mại điện tử mô hình B2C tăng 25%, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. 

Dự kiến năm 2021 doanh thu thương mại điện tử trên di động sẽ đạt 7 tỷ USD và đến năm 2023 có khả năng sẽ chạm tới mức 10,2 tỷ USD. Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, các dịch vụ giao hàng cũng phát triển mạnh trong giai đoạn này, nhất là đối với ngành ăn uống, các chủ doanh nghiệp cấp tiến đã chủ động và tăng cường các dịch vụ giao hàng. Rất nhiều chuỗi siêu thị cũng đã mở rộng dịch vụ giao hàng tận nhà như: Vinmart, BigC, Saigon Coopmart… 

Theo Fitch Solutions, được đánh giá là thị trường bán lẻ tiềm năng, xếp hạng 4 về tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử trong những quốc gia Đông Nam Á, chi tiêu hộ gia đình Việt Nam trong năm 2021 dự kiến tăng 9,6% theo năm, tăng so với mức dự báo 0,5% năm 2020. Một số danh mục chi tiêu của người tiêu dùng dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trở lại trong 2021.

Tuy nhiên, sự chuyển mình của xu hướng bán lẻ trong thời đại mới, hay thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng đang đặt ra nhiều thách thức cho thị trường bán lẻ Việt Nam. Có thể thấy, khi ranh giới giữa mua sắm online và offline ngày càng mờ nhạt, sự kết hợp của các thương vụ này đang “vẽ” nên một sân chơi mới cho thị trường bán lẻ Việt Nam.

Một số chuyên gia cho rằng, có hai động lực chính thúc đẩy nhu cầu trung tâm dữ liệu trên thế giới; trong đó, có Việt Nam. Đầu tiên, đó là nhu cầu về việc sử dụng máy tính và các công cụ kỹ thuật số được thúc đẩy bởi sự chuyển đổi quy mô lớn sang làm việc tại nhà của nhiều doanh nghiệp và tổ chức. 

Thứ hai, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số
chưa bao giờ trở nên quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu hơn lúc này. Trong số đó, Đông Nam Á được đánh giá là một trong những khu vực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng trung tâm dữ liệu toàn cầu.

Chia sẻ tầm nhìn và chiến lược trong năm 2021, cũng như trong những năm tiếp theo, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đánh giá, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp và khó lường, đất nước đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi, đan xen nhiều khó khăn, thách thức, Saigon Co.op thực hiện chiến lược có mạng lưới bán lẻ hiện đại, hoạt động hiệu quả, song song với phát triển thương mại điện tử, kênh mua sắm tiện ích. Điển hình, hoạt động quản trị của Saigon Co.op từng bước thay đổi gắn liền với công nghệ hóa, điện toán hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu…

Riêng trong năm 2021, Saigon Co.op dự kiến đưa vào hoạt động mô hình trung tâm phân phối mới theo hướng hiện đại, góp phần hoàn thiện chuỗi cung ứng. Cùng với đó, Saigon Co.op triển khai mô hình thương mại điện tử và phương thức bán lẻ đa kênh. Riêng trang thương mại điện tử http://Coopmart.vn được ra mắt và chính thức phục vụ khách hàng ở khu vực TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục được nâng cấp giao diện website, bổ sung các chức năng mới… phục vụ khách hàng.

Còn ông Philippe Broianigo, CEO của Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam chia sẻ, bên cạnh việc phát triển mở rộng mạng lưới trung tâm thương mại và cửa hàng tại Việt Nam, CRC cũng sẽ tập trung nâng cao trải nghiệm khách hàng bằng việc phát triển nền tảng đa kênh, gồm: kênh bán hàng trực tuyến; xây dựng cửa hàng thương mại điện tử; hợp tác với các ứng dụng đặt hàng… Đồng thời, phát triển thương mại điện tử kết hợp mạng xã hội như: Zalo, bán hàng qua hotline và dịch vụ “Click and Drive”.

Theo Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm