-
Theo dữ liệu tổng hợp, tính đến hết quý II, 18/27 ngân hàng có tỷ lệ CASA giảm so với đầu năm.
-
MSB ghi nhận CASA ở mức 35,2%, tăng 1,1 điểm phần trăm so với đầu năm. Lượng tiền gửi không kỳ hạn đạt 34.592 tỷ đồng, tăng 7,2%, tiền gửi khách hàng ở mức 98.326 tỷ đồng, tăng 3,9%.
-
Tỷ lệ CASA trung bình của 27 ngân hàng niêm yết ở mức 21,86%, giảm 68 điểm cơ bản so tỷ lệ cuối năm trước.
-
Hiện VietCapital Bank đang là ngân hàng có tỷ lệ CASA thấp nhất toàn hệ thống ở mức 5,4%, giảm 1 điểm phần trăm so với đầu năm.
Theo dữ liệu thống kê tổng hợp 27 ngân hàng niêm yết của FiinGroup, tổng lượng tiền gửi khách hàng tính đến hết 30/6 là 7,84 triệu tỷ đồng, tăng 4,7% so với đầu năm, trong đó lượng tiền gửi không kỳ hạn của 27 nhà băng ở mức 1,71 triệu tỷ đồng, tăng 1,5%. Theo đó, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) trung bình ở mức 21,86%, giảm 68 điểm cơ bản so tỷ lệ hồi đầu năm.
Trong 3 năm gần đây, tăng trưởng CASA là một trong những ưu tiên hàng đầu của nhiều ngân hàng nhằm tận dụng được nguồn vốn chi phí thấp. Các nhà băng đã triển khai nhiều chính sách thu hút dòng tiền này như miễn phí giao dịch, chương trình ưu đãi thanh toán…
12/27 nhà băng có tỷ lệ CASA trên 15%
Theo dữ liệu tổng hợp, tính đến hết quý II ghi nhận 18/27 ngân hàng có tỷ lệ CASA giảm so với đầu năm. 9 nhà băng ghi nhận có tỷ lệ CASA tăng là MSB, Vietcombank, BIDV, ABBank, Eximbank, NCB, SeABank, Bac A Bank, và VietBank.
Hiện quán quân CASA vẫn đang là Techcombank với tỷ lệ 43,4%, mặc dù giảm hơn 3,6 điểm phần trăm so với đầu năm. Tiền gửi khách hàng tính đến hết 30/6 đạt 321.634 tỷ đồng, tăng 2,2% so với đầu năm, tiền gửi không kỳ hạn ở mức 139.512 tỷ đồng, giảm 5,6%. Techcombank cho biết tỷ lệ CASA giảm là do khách hàng có xu hướng chuyển dịch CASA sang một số sản phẩm khác như bất động sản và đầu tư chứng khoán.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định việc suy giảm CASA của Techcombank chỉ mang tính tạm thời trong bối cảnh hết hạn mức tín dụng ở hầu hết các ngân hàng thì khách hàng có nhu cầu sử dụng lượng tiền mặt sẵn có cũng như gia tăng cho vay mượn lẫn nhau để tối ưu hiệu quả. Trong khi đó, Công ty chứng khoán ACB (ACBS) nhận định CASA của Techcombank sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ xu hướng giao dịch qua kênh ngân hàng số và khả năng thu hút khách hàng mới của ngân hàng. Nhóm chuyên gia kỳ vọng tỷ lệ CASA của Techcombank sẽ đạt mức 52,7% vào cuối năm nay.
Ở vị trí thứ hai là MB với tỷ lệ 41,9%, lượng tiền gửi khách hàng đạt 396.910 tỷ đồng, tăng 3,2%. Theo báo cáo nhận định của BVSC nhóm chuyên gia cho rằng CASA MB duy trì ở mức cao nhờ ngân hàng có tập khách hàng chất lượng cũng như đã gia tăng được khách hàng nhanh chóng. Cuối quý II, lượng khách hàng sử dụng ứng dụng MB đã lên tới 12,9 triệu người tăng 17,3% so với cuối quý I và 228% so với cùng kỳ.
BVSC nhận định với việc MB tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, chương trình miễn phí chuyển khoản hấp dẫn và những chương trình marketing thú vị sẽ giúp cho MB tiếp tục thu thút được ngày càng nhiều khách hàng sử dụng tài khoản MB làm tài khoản giao dịch chính và từ đó tiếp tục duy trì được vị thế CASA.
Nằm trong top 3, MSB ghi nhận CASA ở mức 35,2%, tăng 1,1 điểm phần trăm so với đầu năm. Lượng tiền gửi không kỳ hạn đạt 34.592 tỷ đồng, tăng 7,2%, tiền gửi khách hàng ở mức 98.326 tỷ đồng, tăng 3,9%.
Vị trí thứ tư trong bảng xếp hạng CASA là Vietcombank với tỷ lệ 33,7%, tăng 1,4 điểm phần trăm so với đầu năm. Theo thống kê mặc dù tỷ lệ CASA đứng thứ tư nhưng Vietcombank lại là ngân hàng có lượng tiền gửi khách hàng không kỳ hạn cao nhất hệ thống với 402.345 tỷ đồng, tăng 9,6%. Tiền gửi khách hàng tính đến hết 30/6 là 1,19 triệu tỷ đồng, tăng 5,3%.
BVSC cho rằng với vị thế là ngân hàng top đầu thì Vietcombank có thể tăng trưởng CASA tích cực trong thời gian tới khi đã thực hiện chính sách miễn phí chuyển khoản cũng như miễn phí quản lý tài khoản.
Sau Vietcombank là ACB với tỷ lệ CASA ở mức 24,4%, giảm 40 điểm cơ bản so với ngày 31/12/2021. ACB ghi nhận tiền gửi khách hàng tăng 2,2% so với đầu năm lên 388.132 tỷ đồng, tiền gửi không kỳ hạn ở mức 94.660 tỷ đồng, tăng 0,4%.
Đứng thứ 6 với tỷ lệ CASA 22,3% là Sacombank, tiền gửi khách hàng ghi nhận 456.418 tỷ đồng, tăng 6,8%, trong đó, tiền gửi không kỳ hạn ở mức 101.719 tỷ đồng, tăng 6%.
BIDV ở vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng CASA với tỷ lệ 19,4%. BIDV đang là ngân hàng có tiền gửi khách hàng lớn nhất hệ thống với hơn 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 1,9% so với đầu năm, chiếm tỷ trọng 18% tổng lượng tiền gửi của 27 ngân hàng niêm yết.
Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về VietinBank (19,2%), VPBank (18,1%) và TPBank (16,7%). Ngoài ra, hai ngân hàng còn lại trong nhóm nhà băng có tỷ lệ CASA trên 15% là ABBank và Eximbank với tỷ lệ CASA lần lượt ở mức 16,6% và 15,2%.
Kết thúc quý II, nhiều nhà băng ghi nhận sự sụt giảm tỷ lệ CASA, trong đó Kienlongbank ghi nhận CASA ở mức 9%, giảm 6,5 điểm phần trăm so với đầu năm. Tiền gửi khách hàng của Kienlongbank giảm gần 16% so với đầu năm xuống còn 43.219 tỷ đồng. Tiền gửi có kỳ hạn cũng ghi nhận mức giảm 51,2%, từ 7.949 tỷ đồng xuống còn 3.878 tỷ đồng.
Sau Kienlongbank, VietABank cũng là ngân hàng có tỷ lệ CASA đi xuống trong quý II, ở mức 6,2%, giảm 5,6 điểm phần trăm so với đầu năm. Lượng tiền gửi không kỳ hạn của VietABank giảm 48,6% xuống còn 4.094 tỷ đồng.
Hiện VietCapital Bank đang là ngân hàng có tỷ lệ CASA thấp nhất toàn hệ thống ở mức 5,4%, giảm 1 điểm phần trăm so với đầu năm. Tiền gửi khách hàng giảm 11,4%, xuống 2.548 tỷ đồng.
CASA đứng trước áp lực giảm trong trung hạn
Nửa cuối năm, các chuyên gia tại Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) kỳ vọng tiền gửi phục hồi nhờ động lực lãi suất hấp dẫn, nhằm bù cho các rủi ronhư áp lực lạm phát và tăng lãi suất điều hành của các nền kinh tế lớn, dẫn đến rủi ro mất giá của đồng nội đị. Các ngân hàng đang điều chỉnh tăng lãi suất để thu hút dòng tiền tìm kiếm kênh trú ẩn an toàn. Vì vậy, nhóm phân tích cho rằng các đợt điều chỉnh lãi suất sắp tới sẽ thúc đẩy tăng trưởng tiền gửi.
Tuy nhiên, MAS cũng cho rằng lo ngại lạm phát cao và các bất ổn kinh tế trên thế giới ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý người tiêu dùng, gián tiếp suy giảm tỷ lệ CASA. Nhóm phân tích cho biết do các lo ngại về suy thoái kinh tế và mất giá đồng tiền, người tiêu dùng sẽ có xu hướng chọn lọc hơn khi mua sắm, vì vậy, số dư trong tài khoản thanh toán giảm làm cho CASA của phần lớn các ngân hàng giảm.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định trong các quý tới, tỷ lệ CASA có thể gặp áp lực giảm do các thị trường đầu tư tài sản kém thuận lợi và dòng tiền nhàn rỗi rút ra tập trung đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Các ngân hàng ghi nhận lượng khách hàng thường xuyên tăng nhanh như Techcombank, MB, MSB, TPBank… sẽ có được nguồn vốn huy động dồi dào hơn và giảm được chi phí vốn trong dài hạn.
Bên cạnh đó, MAS cho biết việc tìm kiếm các kênh đầu tư an toàn để bù vào rủi ro lạm phát và suy giảm tỷ giá đang là lựa chọn hàng đầu, trong bối cảnh lãi suất từ các kênh đầu tư có thu nhập cố định (tiền gửi, trái phiếu) chưa đủ hấp dẫn. Vì vậy, nhóm chuyên gia cho rằng CASA sẽ không có mức tăng tốt như giai đoạn 2020 và 2021 trong trung hạn. MAS cũng nhận thấy rằng CASA của các ngân hàng thương mại quốc doanh đang bắt kịp dần với tỷ lệ chung của các ngân hàng tư nhờ thay đổi chính sách thu phí giao dịch.
Trái ngược với nhận định của MAS và VCBS, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng CASA sẽ phục hồi tăng trở lại khi hạn mức tín dụng được nâng lên vào cuối quý III. Nhóm chuyên gia đưa ra nhận định hầu hết các ngân hàng đều đã công bố tỷ lệ CASA thấp hơn quý II nguyên nhân là do tín dụng bị eo hẹp, khi các ngân hàng đã sử dụng hết hạn mức tín dụng ban đầu. Do đó, các ngân hàng không thể giải ngân và những người đi vay sẽ phải rút tiền gửi CASA để chi trả hoặc phân bổ vào những kênh đầu tư như bất động sản hay chứng khoán.
@ NDH
Nguồn: https://marketinsider.vn/