Theo thông tin công bố trên website Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cho biết, thực hiện theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước về việc triển khai các giải pháp thúc đẩy phục hồi nền kinh tế cũng như mong muốn chia sẻ khó khăn đối với các doanh nghiệp, MSB điều chỉnh Giảm lãi suất cho vay 2.5 đến 3% cho vay dành cho khách hàng có nhu cầu vay vốn tiêu dùng và sản xuất kinh doanh trong dịp Tết Nguyên Đán.
“Đây sẽ là hành động thể hiện cam kết mạnh mẽ của ngân hàng trong việc tiên phong thực hiện các chính sách điều hành của Chính phủ, nỗ lực vì sự phát triển kinh tế của đất nước”, đại diện MSB chia sẻ.
Trước đó, MSB và một số các ngân hàng tuần qua đã chính thức niêm yết bảng lãi suất huy động mới, được điều chỉnh thấp hơn trước với mức giảm khoảng 1%/năm tùy từng kỳ hạn.
Cụ thể, MSB điều chỉnh giảm đồng loạt 0,4%/năm lãi suất huy động ở tất cả kỳ hạn. Như vậy, lãi suất cao nhất tại MSB hiện là 9%/năm với tiền gửi kỳ hạn từ 13 – 36 tháng; 8,9%/năm với kỳ hạn 12 tháng và 9,2%/năm với kỳ hạn từ 6 – 11 tháng.
Mới đây, trong văn bản chỉ đạo ngày 22/12, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay theo quy định tại Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trang VTV đưa tin.
Văn bản nêu rõ Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi các trường hợp tổ chức tín dụng tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý đối với các tổ chức tín dụng này.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng ra văn bản yêu cầu các ngân hàng phải báo cáo lãi suất tiền gửi và cho vay của giao dịch phát sinh mới trong kỳ báo cáo hàng tuần cho Ngân hàng Nhà nước. Mục đích là để phục vụ việc quản lý hoạt động ngân hàng và điều hành chính sách tiền tệ.
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam ngày 15/12 cho biết các tổ chức tín dụng đã thống nhất quan điểm chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và ủng hộ đề xuất mức tối đa 9,5%/năm cho lãi suất huy động các kỳ hạn, bao gồm cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất, nhằm ổn định mặt bằng huy động, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống.
So với hồi cuối năm 2021, mặt bằng lãi suất huy động hiện đã tăng khoảng 3 – 4%/năm, trở về mức tương đương trước đại dịch COVID-19. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng dao động từ 6,1 – 8,3%/năm; lãi suất huy động tiền gửi từ 12 tháng trở lên phổ biến với mức trên 9%/năm, theo thông tin từ VTV.