Cần đổi mới hệ thống quản lý môi trường nhằm tạo chuyển biến, ý thức và hành động trong xã hội. Phó Chủ tịch nước Lê Thị Doan đã có ý kiến như trên vào ngày 8/4 tại hội nghị điển hình tiên tiến toàn quốc về bảo vệ môi trường.
Ngày 8/4, tại hội nghị điển hình tiên tiến toàn quốc về bảo vệ môi trường và cung cấp nước sạch năm 2008, Bộ TN-MT đã trao bằng khen và cup lưu niệm cho 26 tập thể, cá nhân xuất sắc có nhiều đóng góp trong sự nghiệp bảo vệ môi trường.
Tới dự lễ trao bằng khen có Phó Chủ tịch nước Lê Thị Doan và các lãnh đạo của Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT, Hội Nước sạch VN, lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc VN, các DN, cá nhân trong và ngoài nước…
Nhiều đơn vị và cá nhân đã nhận bằng khen, như: ông Nguyễn Minh Châu – Chủ tịch Hợp tác xã Vệ sinh môi trường Hiệp Hòa – tỉnh Bắc Giang, Già làng Y Djret Knut – tỉnh Gia Lai, Lê Văn Khoa – Khoa Môi trường – Trường ĐH Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch huyện Krông Bút – tỉnh Đăk Lăk…
Trong số đơn vị, cá nhân nói trên đã có những tấm gương tiêu biểu như Công ty Cổ phần đầu tư và Phát triển Tâm Sinh Nghĩa – TP.HCM. Công ty đã nghiên cứu và triển khai thành công công nghệ trong nước xử lý rác thải thành các sản phẩm dân dụng, phân bón với tỷ lệ chôn lấp dưới 10%. Hiện Công ty có 6 nhà máy xử lý rác thải tại các tỉnh: Kiên Giang, Phú Yên, Bình Thuận, Cao Bằng, Vũng Tàu… với công suất 200 tấn/ngày và số vốn đầu tư hơn 50 tỷ đồng/nhà máy. Về cá nhân, ông Nguyễn Minh Châu, một cán bộ về hưu đã thành lập Hợp tác xã Vệ sinh môi trường Hiệp Hòa tái chế thành các sản phẩm dân dụng, chia sẻ, nghề xử lý rác thải còn rất mới mẻ, khó thực hiện ở VN và cần đầu tư nguồn vốn lớn. Từ hợp tác xã môi trường, sau đó chuyển mô hình thành công ty sẽ thuận lợi và cần ít vốn hơn rất nhiều.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch nước Lê Thị Doan đánh giá cao các tập thể, cá nhân này đã góp phần đưa công tác bảo vệ môi trường của nước ta đi vào nề nếp. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch nước Lê Thị Doan cho rằng vấn đề nhận các danh hiệu thi đua môi trường chưa có tiêu chí cho bảo vệ môi trường. Nhận thức là khởi điểm, quyết định ý thức và hành động.
Nếu nhận thức không được chuyển biến, ý thức và hành động không được đổi mới thì các cuộc thi mới chỉ dừng lại ở đây. Cần phải tìm ra phương pháp, nội dung tuyên truyền bảo vệ môi trường tốt nhất đi vào lòng người và hoạt động có hiệu quả. Hiện nay, thế giới đang đối mặt với 3 vấn đề là biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và nạn đói hoành hành, cả 3 vấn đề này đều liên quan đến bảo vệ môi trường. Do vậy, hệ thống quản lý môi trường cần phải được đổi mới.