Tạo ra sản phẩm du lịch xanh phục vụ du khách
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Có 3 vấn đề mấu chốt để du lịch phục hồi và phát triển là: “An toàn – Mở – Đồng bộ”. Trong đó, yếu tố “An toàn” là tiên quyết quyết định đến yếu tố “Mở”. Với các doanh nghiệp du lịch đang chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh trong 2 năm qua nên việc mở cửa chính là giải pháp hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp. Mở cửa ở đây chính là kết nối giao thông, thị trường khách…
“Chúng ta hỗ trợ doanh nghiệp lúc này là mang thị trường về cho doanh nghiệp. mang khách đến cho điểm đến.Bên cạnh đó, doanh nghiệp mong muốn phải có sự đồng bộ, nhất quán giữa các địa phương, các ngành. Chẳng hạn khách du lịch đến Nghệ An không chỉ ở địa phương này mà còn đi Hà Tĩnh, Quảng Bình… Nếu một số địa phương cát cứ, quy định không thông suốt, không thể nối tour thì khách không đến được, có khi khách đến thì không về được”, ông Hà Văn Siêu cho biết.
Vấn đề đảm bảo an toàn và mở cửa có thực hiện được hay không phụ thuộc lớn vào sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, ban, ngành, các địa phương, điểm du lịch, doanh nghiệp. Để ngành du lịch phát triển bền vững trong bối cảnh bình thường mới, ông Hà Văn Siêu cho rằng, ngành du lịch tiếp tục cơ cấu lại phát triển theo xu hướng mới về điểm đến, sản phẩm du lịch xanh, thiên nhiên. Đặc biệt, cần khai thác các thế mạnh của Việt Nam về văn hóa, du lịch đêm, kinh tế chia sẻ…
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Kỳ , Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel cho rằng, việc Chính phủ cho phép “mở cửa” theo Nghị quyết 128 là linh hoạt và là giải pháp mạnh mẽ, tạo điều kiện cho du lịch phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 128 vẫn còn tình trạng chưa đồng bộ giữa các địa phương. Vì vậy, ông Nguyễn Quốc Kỳ đề nghị các địa phương cần có sự thống nhất, đồng bộ trong việc thực hiện “mở cửa”; tạo hệ thống khai báo y tế đồng nhất với nhau giữa các địa phương; sớm phục hồi, mở cửa hàng không quốc tế; cần có chính sách với tầm nhìn xa, rõ ràng trong phục hồi và phát triển du lịch.
Còn theo ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc Oxalis Adventure, để phục hồi du lịch cần xây dựng chiến lược quảng bá hình ảnh điểm đến Việt Nam ra thế giới; Xây dựng các quy chế liên quan đến hoạt động du lịch một cách đồng bộ; Có chính sách hỗ trợ, ưu đãi để huy động tổng hợp các nguồn lực phát triển du lịch; phát triển các sản phẩm độc đáo, riêng có của du lịch Việt Nam.
Giải pháp tổng thể
Ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong điều kiện bình thường mới để đảm bảo an toàn cho du khách vào Việt Nam, Bộ Y tế đã phối các Bộ, ngành lấy ý kiến một số tỉnh có khả năng thu hút đầu tư du lịch và đã đưa ra giải pháp cụ thể tại công văn 10688 về phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh; áp dụng thí điểm từ ngày 1/1/2022. Đúng tinh thần của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên khi mở lại các chuyến bay nội đia cũng phải thí điểm. Sau đợt thí điểm này, Bộ Y tế cùng các bộ ngành tiếp thu ý kiến của các địa phương, các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, hãng hàng không…điều chỉnh để đưa ra giải pháp tối ưu nhất trong diễn biến dịch hiện nay”ông Tuyên cho biết.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), hiện có tới 90-95% số lượng doanh nghiệp lữ hành dừng hoạt động. Các khách sạn hầu như không có khách trừ một số cơ sở đón khách cách ly. Đến nay, tổng số cơ sở lưu trú du lịch trong toàn quốc là 38.000 với 780.000 buồng, công suất phòng trung bình năm ước tính chỉ đạt 5%. Nhân lực ngành du lịch đa số bị mất việc làm, số ít còn lại làm việc cầm chừng, một số khác phải chuyển đổi ngành nghề.
Trước tình hình thực tế này, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội năm 2022-2023, trong đó coi du lịch là lĩnh vực trọng tâm ưu tiên với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng. Các doanh nghiệp du lịch dịch vụ nắm bắt tốt các cơ hội sớm phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng cho ngành du lịch. Các địa phương cần tăng cường liên kết, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn và huy động nguồn lực thu hút đầu tư, đổi mới công nghệ cho giai đoạn tăng trưởng mới, hỗ trợ người lao động dễ dàng tiếp cận các chính sách hỗ trợ và tham gia đào tạo nghề, bảo đảm an ninh, an toàn tại các điểm đến du lịch…
Ông Nguyễn Sỹ Dũng, chuyên gia cao cấp nhấn mạnh, du lịch là ngành kinh tế rất quan trọng của Việt Nam, thể hiện qua số lượng khách du lịch tăng lên hàng năm, mang lại nguồn thu lớn cho đất nước, tạo ra nhiều việc làm và quan trọng nhất là có tác động lan tỏa mạnh mẽ đến nhiều ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế. Để phục hồi và phát triển du lịch sẽ gồm 5 nhóm giải pháp gồm có: Mở cửa hoạt động du lịch gắn với đảm bảo an toàn; Hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch; Đổi mới chính sách, tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển du lịch; Đẩy mạnh phát triển hạ tầng du lịch, phát triển sản phẩm du lịch mới; Xây dựng thể chế, cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho du lịch phát triển.
Ông Phùng Quang Thắng, Giám đố Công ty lữ hành Hanoitourist, Phó Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh mới, chúng ta cần xác định “sống chung với dịch” một cách an toàn. Lúc này, các địa phương và các đơn vị kinh doanh du lịch xây dựng sản phẩm phù hợp với tình hình mới, bảo đảm đưa khách đi du lịch an toàn khép kín từ “vùng xanh” đến “vùng xanh”, nói cách khác là thực hiện mô hình “bong bóng du lịch”.
Theo Báo Tin Tức