Trang chủ » Mặt trái của việc thắt chặt chính sách tiền tệ

Mặt trái của việc thắt chặt chính sách tiền tệ

bởi unexpress

BNEWS Việc các nước phát triển tăng lãi suất không những gây áp lực tương đối lớn cho các nền kinh tế mới nổi, mà còn khiến các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu đối diện với thách thức nghiêm trọng.

Theo nhật báo kinh tế China Economic Daily, trong thời gian gần đây, việc lạm phát liên tục tăng cao đã khiến các nền kinh tế phát triển, bao gồm Mỹ và châu Âu, gấp rút tăng lãi suất, từ đó đẩy cao rủi ro nợ toàn cầu.

Điều này không những gây áp lực tương đối lớn cho các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, mà còn khiến các nền kinh tế phát triển như Mỹ, châu Âu… đối diện với thách thức nghiêm trọng.
Ngày 10/6, Bộ Lao động Mỹ công bố số liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng Năm đã tăng 1% so với tháng trước và tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021. Cả hai chỉ số đều vượt qua kỳ vọng của thị trường.
Các phân tích cho rằng trước khi công bố số liệu lần này, thị trường từng duy trì thái độ lạc quan về việc “lạm phát đã chạm đỉnh”, nhưng thực tế thì ngược lại. Dữ liệu lạm phát cao đã làm trầm trọng thêm quan ngại của thị trường đối với việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất.
Việc Mỹ nhanh chóng thắt chặt chính sách tiền tệ đang đẩy cao rủi ro nợ toàn cầu. Đồng USD đóng vai trò là đồng tiền dự trữ quốc tế, do đó sự thay đổi về nguồn cung và lãi suất của đồng tiền này là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến nợ toàn cầu.
Trong bối cảnh thanh khoản toàn cầu bị thắt chặt do Fed tăng lãi suất, các vấn đề như chi phí huy động vốn tăng cao, môi trường tài chính bị thu hẹp, vốn quốc tế chảy ra bên ngoài… sẽ xuất hiện. Đối với các nền kinh tế mới nổi, mức độ khó khăn trong việc nhận các khoản vay mới sẽ tăng đáng kể, áp lực trả nợ gia tăng, dẫn đến rủi ro vỡ nợ nghiêm trọng.
Đồng thời, kể từ khi dịch COVID-19 xảy ra đến nay, quy mô nợ toàn cầu đã tăng lên nhanh chóng. Đặc biệt, tình hình ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển càng nổi cộm hơn. Cách đây không lâu, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đã nhấn mạnh rằng hiện nay khoảng 60% các nước thu nhập thấp đang tồn tại vấn đề nợ nghiêm trọng, trong đó một số nước cần tiến hành tái cấu trúc nợ.
Tương tự, việc nhanh chóng thắt chặt chính sách tiền tệ cũng sẽ làm trầm trọng thêm rủi ro nợ của Mỹ. Do Chính phủ Mỹ đã không thắt chặt chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế trong những năm gần đây, nên tổng quy mô nợ tích lũy của nước này đã cao ngất ngưỡng.
Đầu tháng Hai năm nay, Bộ Tài chính Mỹ công bố số liệu cho thấy quy mô nợ của Chính phủ liên bang Mỹ đã vượt ngưỡng 30.000 tỷ USD. Báo cáo do Fed chi nhánh New York công bố vào đầu tháng Hai cho thấy, chịu ảnh hưởng từ việc gia tăng của các khoản vay mua nhà và ô tô, tổng quy mô nợ hộ gia đình của Mỹ đã tăng 1.020 tỷ USD trong năm 2021, tiệm cận mức 16.000 tỷ USD.
Việc Fed tăng lãi suất sẽ khiến chi phí vay nợ của chính phủ và hộ gia đình Mỹ nhanh chóng tăng. Xét từ góc độ chính phủ, báo cáo do Văn phòng ngân sách Quốc hội công bố ngày 25/5 cho thấy lãi suất tăng và nợ tăng sẽ khiến tỷ trọng chi phí lãi vay ròng (NIC) trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng gấp đôi trong 10 năm qua, từ 1,6% năm 2022 lên 3,3% vào năm 2032, cao hơn mức bình quân 2% trong 50 năm qua.
Xét từ góc độ hộ gia đình, việc Fed tăng lãi suất nhanh sẽ làm gia tăng chi phí nợ của người tiêu dùng Mỹ, khiến tình hình dòng tiền hộ gia đình liên tục xấu đi, từ đó kiềm chế tăng trưởng tiêu dùng. Ngày 10/6, số liệu sơ bộ do Đại học bang Michigan công bố cho thấy chỉ số niềm tin người tiêu dùng trong tháng Sáu của Mỹ là 50,2 điểm, thấp hơn nhiều so với mức kỳ vọng của thị trường là 58,5 điểm và mức 58,4 điểm của tháng Năm.
Có thể nói đây là một dấu hiệu không tốt cho nền kinh tế vốn đã tăng trưởng âm trong quý I của Mỹ. Nếu cộng thêm các khoản nợ doanh nghiệp không thể thống kê chính xác, thì không khó để thấy rằng rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ đang tăng lên nhanh chóng.
Tương tự, vấn đề nợ của châu Âu cũng không hề nhỏ. Dưới sức ép lạm phát cao, ngày 9/6, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) công bố quyết định chấm dứt chương trình mua tài sản từ ngày 1/7, đồng thời có kế hoạch tăng lãi suất chủ chốt thêm 25 điểm cơ bản trong tháng 7/2022.
Để kích thích nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), ECB bước vào kỷ nguyên lãi suất âm từ tháng 6/2014. Hiện nay, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cho vay giao dịch ký quỹ và lãi suất tiền gửi của ECB lần lượt duy trì ở các mức 0%, 0,25% và -0,5%.
Có phân tích nhấn mạnh môi trường lãi suất này đã quá quen thuộc với nhiều chính phủ, doanh nghiệp và gia đình. Việc nợ công của một số quốc gia châu Âu cao như “đập chắn” đã khiến mọi người lo ngại và nếu châu Âu khởi động tăng lãi suất thì khả năng xảy ra khủng hoảng nợ ở những nước có mức nợ công cao, kinh tế tăng trưởng chậm là không hề nhỏ.
Mỹ và châu Âu đối diện với rủi ro nợ không những đe dọa đến tăng trưởng kinh tế của chính họ, mà còn gây ra hiệu ứng lan tỏa tiêu cực cho thế giới. Một số phân tích nhấn mạnh kinh tế Mỹ suy thoái sẽ khiến nhu cầu bên ngoài của toàn cầu sụt giảm, làm suy yếu tính an toàn của tài sản dự trữ bằng USD và làm trầm trọng thêm tình trạng hỗn loạn tài chính toàn cầu… Tuần trước, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã lần lượt hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay xuống còn 2,9% và 3%.
Đối diện với tình hình kinh tế nghiêm trọng, thế giới cần phối hợp và hợp tác thực chất hơn. Tại Hội nghị Bộ trưởng kinh tế và thương mại của BRICS (bao gồm các nền kinh tế lớn mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) lần thứ 12 diễn ra ngày 9/6, các bộ trưởng đã nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế số, đầu tư-thương mại và phát triển bền vững, chuỗi cung ứng, thể chế thương mại đa phương…
So với những thông tin tiêu cực liên tục phát đi từ Mỹ và châu Âu, đây có lẽ là một trong số những điểm sáng hiếm hoi của kinh tế thế giới trong tuần qua./.
Theo BNews/

Có thể bạn quan tâm