Trong đại dịch COVID-19, cùng với các cơ quan báo chí truyền thông, mạng xã hội (MXH) được đánh giá là một trong những kênh hữu hiệu, thể hiện sự ưu việt góp phần tạo nên sức mạnh mềm để Việt Nam vượt qua đại dịch.
Việt Nam đang là quốc gia có tỷ lệ người dân sử dụng MXH và internet thuộc hàng cao trên thế giới. Theo báo cáo về “Thị trường ứng dụng di động 2021” do Appota phát hành vào trung tuần tháng 5 vừa qua, tỷ lệ dân số sử dụng internet tại Việt Nam chiếm 70%, lượng người dùng sử dụng internet qua thiết bị di động chiếm khoảng 95% và trung bình mỗi người dành 3 giờ 18 phút để sử dụng internet qua di động.
Tính đến tháng 12/2020, dân số Việt Nam đạt hơn 97,3 triệu người. Số liệu Appota công bố gần đây nhất thì có 72 triệu người sử dụng MXH (tương đương 73% dân số) – một tỷ lệ cao trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã, đang bùng nổ trên toàn cầu.
Đứng đầu bảng xếp hạng các MXH và nền tảng chat được người Việt sử dụng nhiều nhất là Youtube và Facebook. Bên cạnh đó, các MXH nước ngoài như Instagram, Tik Tok, Twitter, Skype… được đông đảo người dân nước ta sử dụng. Đặc biệt, sau Youtube và Facebook, MXH Zalo của Việt Nam đứng thứ 3 cùng với những trang trong nước khác là Mocha, Lotus, Gapo. MXH của Việt Nam đang có những bước tiến đáng kể, trong đó Zalo có khoảng 60 triệu thành viên, Mocha 12 triệu thành viên, Gapo có 6 triệu thành viên và Lotus có hơn 2,5 triệu thành viên.
Trải qua thời gian, MXH đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của rất nhiều người với mục đích sử dụng khác nhau, việc đăng ký tham gia MXH đơn giản, dễ dàng, tiện lợi đã khiến những kênh này ngày càng thu hút mọi người. Không phân biệt thành phần xã hội, độ tuổi và cũng không giới hạn vùng miền, bất kể ai đều có thể trở thành thành viên của các MXH chỉ bằng vài thao tác đơn giản trên điện thoại, máy tính bảng, laptop.
Sở dĩ MXH đang ngày càng bùng nổ, trở nên phổ biến bởi MXH đem đến cho người dùng cảm giác được tương tác với bất kỳ ai, từ bạn bè, đồng nghiệp, gia đình cho đến những người nổi tiếng và thần tượng. Tuy nhiên, thực chất, người dùng chỉ đang tương tác với nền tảng được xây dựng bởi đa dạng các nội dung do nhiều người sáng tạo nên. MXH là nơi tiếp nhận thông tin, lưu dữ liệu, sau đó tập hợp lại và thể hiện trên giao diện đặc trưng. Nói cách khác, đây là không gian tương tác của một dự án sáng tạo nội dung mở, ở đó người dùng tự nguyện sáng tạo, thu hút các thành viên khác tiếp tục tham gia.
Khi người người, nhà nhà dùng internet, tham gia MXH như đã nói trên, MXH được xem là một trong những kênh thông tin hữu hiệu góp phần giúp Việt Nam đẩy lùi dịch COVID-19.
Đặc tính chung của các trang MXH của nước ngoài cũng như các kênh “made in Việt Nam” chính là sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng rãi. Kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, MXH trở thành một kênh truyền thông cập nhật các diễn biến của dịch bệnh, cũng như cách phòng chống COVID-19. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá, chính phủ nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã tận dụng ưu thế của MXH, phát đi những thông tin nóng hổi nhất, phổ biến những kiến thức cần thiết, kịp thời truyền đi cảnh báo, tuyên truyền về cách ứng phó với virus nguy hiểm, đồng thời phát đi nhiều thông điệp ý nghĩa nhằm nâng cao tinh thần, ý thức của người dân trong việc phòng chống dịch bệnh.
Việt Nam đến nay đã bước đến đợt dịch COVID-19 lần thứ tư trong gần 1 năm rưỡi và chúng ta là một trong những quốc gia được đánh giá sử dụng hiệu quả MXH để ứng phó với COVID-19. Theo nhận định của tạp chí hàng đầu Mỹ The Nation, chiến dịch truyền thông mạnh mẽ và sáng tạo thông qua MXH là một trong những yếu tố giúp Việt Nam thành công trong cuộc chiến chống dịch. Việc Bộ Y tế Việt Nam công bố kênh thông tin trên mạng xã hội Lotus hay ra mắt kênh chống dịch trên nền tảng TikTok… đã giúp lan tỏa những kiến thức phòng, chống bệnh đúng cách, giúp người dân cập nhập tình hình dịch bệnh, góp phần trang bị thêm kiến thức để có hành vi đúng đắn, chủ động phòng chống dịch bệnh, bảo vệ bản thân và cộng đồng.
Đơn cử như Facebook tại Việt Nam, MXH này đã triển khai bản đồ theo dõi vị trí người dùng, cung cấp dữ liệu về xu hướng phạm vi di chuyển, từ đó dự báo sự lây lan của COVID-19. Trên những bài chia sẻ cảm xúc trạng thái trên Facebook thời gian qua, các bài viết của thành viên thường được trang này gợi ý và đề xuất một đường link (địa chỉ) dẫn đến trang thông tin chuyên biệt về COVID-19 tại Việt Nam như tổng số ca mắc, ca khỏi bệnh, ca tử vong cùng những khuyến cáo, cách phòng tránh dịch từ Bộ Y tế Việt Nam.
Một trong những trang MXH của Việt Nam là Zalo trong suốt thời gian qua cũng đã tích cực vào cuộc để đẩy mạnh những thông tin chính thống về dịch COVID-19 tới hàng chục triệu người dùng. Dễ dàng nhận thấy, các thuê bao điện thoại (smart phone) của hầu hết người dùng Zalo luôn trong tình trạng “nóng” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Tức là mọi thông tin về tình hình, diễn biến của dịch bệnh trên ở Việt Nam, các chỉ thị, văn bản, công điện, chỉ đạo về phòng chống dịch liên tục được cập nhật qua ứng dụng Zalo 24/24 giờ như một đường dây nóng. Nhờ những cập nhật của Zalo, hàng chục triệu thành viên nhanh chóng tiếp cận với những thông tin mới nhất, nhanh nhất về dịch COVID-19.
Đặc biệt, nhiều kênh Zalo của các địa phương ở nước ta đã triển khai tính năng khai báo y tế ngay trên trang MXH này. Có thể kể đến các trang Zalo của Công an tỉnh Quảng Nam, Hải Dương, Hà Nam. Các đơn vị này đã triển khai tính năng “Khai báo y tế” trên trang Zalo, từ đó chủ động thực hiện hiệu quả công tác truy vết, phát hiện kịp thời những trường hợp có nguy cơ mắc, nhiễm bệnh, đồng thời góp phần chung tay phòng chống, đẩy lùi dịch COVID-19 trên địa bàn.
Với vai trò là nền tảng nhắn tin hàng đầu Việt Nam, tiếp cận đến 90% người dùng internet và là phương tiện giao tiếp phổ biến nhất trong thời kỳ có dịch bệnh, Zalo đã đồng hành cùng các bộ, ban, ngành Chính phủ để cập nhật tin tức một cách chính thống đến người dân, qua đó đóng góp tích cực cho quá trình phòng chống dịch COVID-19 tại nước ta.
Kênh Zalo của Bộ Y tế Việt Nam ngay từ đợt dịch đầu tiên ở nước ta đã được phát triển, trở thành một trong những kênh chính thống cung cấp các thông tin về phòng, chống dịch COVID-19 đến người dân trong và ngoài nước. Đến nay, trung bình mỗi ngày có gần 50 triệu người được cập nhật những thông tin mới nhất về dịch bệnh từ Zalo Bộ Y tế với tin tức các ca bệnh mới, diễn biến dịch tại các địa phương từng giờ và các thông tin về COVID-19 ở những điểm nóng. Trong đó, đa số các bài viết, thông tin được chia sẻ trên Zalo Bộ Y tế là những sản phẩm báo chí đã được đăng tải trên báo Sức khỏe&Đời sống, báo Gia đình và Xã hội (giadinh.net.vn) điện tử.
Bất kỳ ai bấm “quan tâm” Zalo Bộ Y tế còn có thể xem nhanh cẩm nang về dịch bệnh, cách phòng tránh, số điện thoại đường dây nóng tư vấn về dịch bệnh này. Tất cả được tích hợp sẵn trên thanh công cụ, giúp người dùng nhanh chóng nắm bắt thông tin mình muốn chỉ với một thao tác bấm. Đặc biệt, Bộ Y tế thời gian qua tích hợp CHATBOT giúp người dùng tra cứu thông tin chi tiết, chính xác danh sách cơ sở y tế có khả năng tiếp nhận, thu dung điều trị và quản lý ca bệnh COVID-19, tránh tình trạng người dân đổ dồn về các cơ sở y tế tuyến trên gây quá tải trong khám sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm bệnh. Ngoài ra, CHATBOT trên Zalo Bộ Y tế còn hỗ trợ xem thống kê tình hình dịch bệnh ở Việt Nam dưới dạng bản đồ theo thời gian thực. Việc cung cấp thông báo này đã trực quan hóa dữ liệu, giúp người dân dễ hình dung hơn về dịch bệnh. Và hàng ngày, tin tức mới nhất về COVID-19 tại Việt Nam liên tục được Zalo Bộ Y tế gửi đến người sử dụng MXH này, đảm bảo mọi người có những thông tin xác thực và chính thống nhất về dịch bệnh.
Tương tự, mạng xã hội Lotus của Việt Nam, tuổi đời còn non trẻ khi mới hơn 1 năm đi vào hoạt động nhưng đã mở chiến dịch thông tin “Lá chắn virus Corona” tạo được dấu ấn với hàng chục triệu thành viên. “Lá chắn virus Corona” của Lotus cung cấp những thông tin tin cậy và kiến thức hữu ích, kêu gọi mỗi người trở thành “lá chắn” bảo vệ bản thân, người thân và xã hội. Với những tính năng tương tự như Facebook, “Lá chắn virus Corona” của Lotus đã kết nối mọi thành viên lại với nhau, cùng tiếp cận những thông tin về dịch COVID-19 chuẩn mực, góp phần đẩy lùi những thông tin sai lệch, chưa được kiểm chứng gây hoang mang về dịch COVID-19 ở nước ta.
Một trong những điểm sáng của MXH và người dùng MXH ở Việt Nam trong dịch COVID-19 là trên thế giới ảo nhưng đã tạo nên những “làn sóng nhân văn” ở đời thực. Thông qua hàng loạt fanpage, group lớn nhỏ, tài khoản cá nhân của KOLs có sức ảnh hưởng, các thông điệp của Bộ Y tế được truyền tải tới đông đảo cư dân mạng. Đặc biệt, những bài viết của những người nổi tiếng, các nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ kêu gọi mọi người chủ động, bình tĩnh, chọn lọc nguồn tin uy tín, nâng cao trách nhiệm cộng đồng, chia sẻ khó khăn với lực lượng tuyến đầu chống dịch có sức lan tỏa lớn.
Cũng trên mạng xã hội, rất nhiều người nổi tiếng và có sức ảnh hưởng với cộng đồng đã kêu gọi bạn bè, đồng nghiệp và cả những ai không thân thiết cùng chung tay, góp sức, góp của để “chia lửa” với các tâm dịch như Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM. Hàng loạt ảnh đại diện của người dùng trên MXH Facebook, Zalo ở Việt Nam đã được thay mới, với nội dung chung là cùng đất nước, cùng các địa phương quyết thắng COVID-19. Bên cạnh đó, với sự ảnh hưởng của mình, những người nổi tiếng đã kêu gọi cộng đồng góp tiền, góp của để chia sẻ với các điểm nóng dịch bệnh. Hàng tỷ đồng, nhiều trang thiết bị, đồ dùng, nhu yếu phẩm đã được quyên góp từ sự kêu gọi của người nổi tiếng trên mạng xã hội. Tất cả mọi người, không phân biệt ít nhiều, với tấm lòng hướng thiện, tinh thần tương thân tương ái đã góp thêm nguồn lực, sức mạnh để các địa phương là điểm nóng của COVID-19 thêm tự tin, cảm thấy không bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến với “sát thủ vô hình” SARS-CoV-2.
Hoặc gần đây nhất, thông tin Quỹ Vắc-xin phòng chống COVID-19 của Chính phủ được chia sẻ mạnh mẽ trên Facebook, Zalo, Lotus… đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng mạng, rất nhiều người đã chuyển tiền ủng hộ quỹ với mong muốn Việt Nam sớm có vắc-xin phòng COVID-19 để tiêm cho 70% dân số. Những hiệu quả kể trên cho thấy MXH đã, đang trở thành trợ thủ đắc lực trong công cuộc phòng chống đại dịch tại quốc gia hình chữ S.
Hiện nay, hầu hết các cơ quan báo chí đều thành lập những trang Facebook, YouTube, TikTok riêng để tiếp cận công chúng, lan tỏa những thông tin hữu ích đến với bạn đọc cùng với sản phẩm báo in, báo điện tử. Không đứng ngoài xu hướng này, báo Sức khỏe&Đời sống hiện nay cũng đã phát triển trang MXH gồm cả Facebook, YouTube, TikTok với số lượng người tương tác, lượng người truy cập tăng lên từng ngày.
Tính đến hiện tại, trang fanpage Facebook của báo Sức khỏe&Đời sống có hơn 119.000 người theo dõi, kênh Youtube hơn 56.000 người đăng ký. Đặc biệt, trang TikTok Sức khỏe&Đời sống dù mới ra mắt nhưng đã có gần 300 ngàn người theo dõi và hơn 3 triệu người thích kênh này. Cả 3 kênh MXH của báo Sức khỏe&Đời sống đều là những kênh thông tin chính thống, được cộng đồng mạng và bạn đọc tin tưởng.
Trong dịch COVID-19, kênh YouTube của báo thường xuyên đăng tải những video, clip từ chương trình trực tuyến với sự góp mặt của các chuyên gia y tế hàng đầu tại Việt Nam để đưa ra những khuyến cáo, kiến thức cho người dân phòng bệnh.
TikTok là kênh MXH mới của báo Sức khỏe&Đời sống vừa đi vào hoạt động nhưng đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng. Rất nhiều video, clip về dịch COVID-19, trong đó là hình ảnh, câu chuyện về y bác sĩ làm việc trong tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh; Những sự chi viện của các tỉnh bạn cho hai địa phương này trên kênh TikTok có lượng người xem “khủng” từ vài chục nghìn đến hàng trăm nghìn, thậm chí cả chục triệu. Nhiều clip có hàng trăm lượt tương tác bình luận của người xem, chia sẻ và đồng cảm, thêm trân quý những thầy thuốc áo trắng không ngại gian lao vất vả để dập dịch, đưa cuộc sống sớm trở lại trạng thái bình thường mới.
Với fanpage Facebook của báo Sức khỏe&Đời sống, từ lâu đây là kênh để Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế chia sẻ những bài viết, hình ảnh và những thông tin hữu ích liên quan tới tất cả mọi lĩnh vực của ngành y, sức khỏe con người nói riêng và các vấn đề thời sự, văn hóa xã hội ở Việt Nam nói chung tới bạn đọc. Trong đại dịch, fanpage Facebook của báo cũng thường xuyên, liên tục chia sẻ những bài viết, thông tin chính thống và độc quyền về dịch bệnh, góp phần đẩy lùi những tin tức xấu độc, chưa được kiểm chứng do các “anh hùng bàn phím” tung lên MXH để câu view, câu like.
Theo Sức Khoẻ Đời Sống