Trang chủ » Lý do lãnh đạo Saudi Arabia, UAE từ chối điện đàm với ông Biden bàn về giá dầu

Lý do lãnh đạo Saudi Arabia, UAE từ chối điện đàm với ông Biden bàn về giá dầu

bởi unexpress
Chú thích ảnh
Xuất hiện rạn nứt trong quan hệ giữa Mỹ với Saudi Arabia và UAE dưới thời Tổng thống Joe Biden. Ảnh: ZumaPress

Tờ Wall Street Journal (WSJ) ngày 8/3 cho biết Nhà Trắng đã không thể thu xếp, kết nối các cuộc điện đàm giữa Tổng thống Joe Biden với giới lãnh đạo Saudi Arabia và UAE trong bối cảnh Mỹ muốn có được sự ủng hộ của Trung Đông trong cuộc chiến ở Ukraine cũng như hỗ trợ ngăn đà tăng giá của dầu thô.

Cả Thái tử Mohammed bin Salman và Thái tử Mohammed bin Zayed al Nahyan – hai nhân vật được cho là nắm quyền lãnh đạo Saudi Arabia và UAE trên thực tế, đều từ chối yêu cầu của Mỹ về tiến hành điện đàm với ông Biden trong vài tuần gần đây. Động thái này xuất hiện tại tại thời điểm Saudi Arabia và UAE lên tiếng thể hiện sự không hài lòng đối với chính sách của Mỹ tại vùng Vịnh.

“Đã từng có kỳ vọng nhất định về một cuộc điện đàm. Nhưng điều đó không xảy ra. Đây là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm kết nối với nguồn dầu mỏ của Saudi Arabia”, một quan chức Mỹ từng tham gia vào tiến trình thiết lập điện đàm giữa hai bên cho biết.

Ông Biden hôm 9/2 đã có cuộc nói chuyện điện thoại với Quốc vương Salman của Saudi Arabia. Trong trao đổi, hai bên nhấn mạnh đến quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Saudi Arabia. Bộ Ngoại giao UAE cho biết cuộc điện đàm giữa Tổng thống Biden với Thái tử bin Zayed al Nahyan sẽ được lên lịch trở lại.

Chính quyền Riyadh gần đây bắn tín hiệu cho biết mối quan hệ Mỹ – Saudi Arabia đi xuống dưới thời Tổng thống Biden. Saudi Arabia muốn nhận được sự hậu thuẫn lớn hơn của Mỹ trong cuộc chiến ở Yemen, phát triển chương trình hạt nhân dân sự cho Riyadh và miễn trừ pháp lý đối với Thái tử bin Salman trong một số vụ việc Mỹ đang tiến hành điều tra. Ông bin Salman hiện đối mặt với một số cáo buộc ở Mỹ, trong đó có vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi hồi năm 2018.

Giới chức Mỹ và Trung Đông cho biết UAE cũng có cùng mối quan ngại như Saudi Arabia, khi chứng kiến phản ứng thiếu quyết liệt của Mỹ liên quan đến một số vụ tấn công tên lửa gần đây của phiến quân Houthi ở Yemen nhằm vào các cơ sở kinh tế, dầu mỏ tại UAE và Saudi Arabia. Hai nước cùng lo ngại về triển vọng khôi phục lại thỏa thuận hạt nhân Iran, một tiến trình đang ở giai đoạn cuối nhưng không giải quyết thỏa đáng mối quan tâm an ninh của Riyadh và Abu Dhabi.

Gần đây, Nhà Trắng nỗ lực phục hồi quan hệ với hai đồng minh chủ chốt ở Trung Đông, khi Mỹ cần sự ủng hộ của Saudi Arabia và UAE trong nỗ lực hạ nhiệt giá dầu thô, vốn đã vượt mốc 130 USD/thùng lần đầu tiên trong vòng 14 năm qua. Saudi Arabia và UAE là hai nhà sản xuất dầu mỏ lớn của thế giới có sản lượng tiềm năng còn dư dồi dào, có thể bơm hàng triệu thùng dầu ra thị trường mỗi ngày tức thời. Với nguồn bổ sung này, thị trường dầu thô sẽ hạ nhiệt, giúp giảm sức ép tại thị trường nội địa Mỹ, nơi giá bán lẻ xăng dầu lần đầu tiên tại Mỹ vượt ngưỡng 4 USD/gallon kể từ năm 2008.

Brett McGurk, Điều phối viên phụ trách Trung Đông tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC), cùng với Amos Hochstein – đặc phái viên về năng lượng tại Bộ Ngoại giao Mỹ, đã có chuyến thăm Riyadh vào cuối tháng trước nhằm kết nối lại quan hệ với giới chức Saudi Arabia. Ông McGurk cũng có cuộc gặp với thái tử bin Zayed al Nahyan tại Abu Dhabi để xoa dịu phản ứng của UAE trước việc Mỹ chần chừ phản ứng các vụ tấn công của phiến quân Houthi.

Đến thời điểm này, cả Saudi Arabia và UAE đều từ chối yêu cầu của Mỹ và một số nước nhập khẩu dầu lớn trên thế giới về tăng sản lượng khai thác và cung ứng ra thị trường. Hai nước bảo lưu quan điểm của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác do Nga đứng đầu (gọi tắt là OPEC+) về mức tăng sản lượng khiêm tốn 400.000 thùng/ngày. Liên minh mới với sự tham gia của Nga đã giúp OPEC tăng cường được sức mạnh, đẩy Saudi Arabia và UAE xích lại gần Nga.

Saudi Arabia và UAE đã thiết lập được quan hệ gần gũi với Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, người lên tiếng ủng hộ Riyadh và Abu Dhabi trong cuộc đối đầu với Qatar tại khu vực, người ra quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran – thỏa thuận mà cả Saudi Arabia và UAE đều phản đối. Nhưng việc ông Trump từ chối can thiệp sau vụ Iran tấn công tên lửa và drone vào một cơ sở dầu mỏ lớn tại Saudi Arabia hồi năm 2019 đã khiến các đối tác Vùng Vịnh bất an, bởi họ từng dựa vào cam kết bảo đảm an ninh từ Mỹ trong nhiều thập kỉ trước đó.

Rạn nứt giữa Tổng thống Biden với Thái tử bin Salman xuất hiện ngay trong kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020. Trên cương vị ứng cử viên tranh cử đại diện cho đảng Dân chủ, ông Biden cam kết sẽ hành xử với Saudi Arabia như một nhà nước “bạo chúa” khi ông đề cập đến vụ nhà báo Khashoggi bị ám sát. Sau khi lên nhậm chức, ông Biden đã cho công bố báo cáo tình báo, trong đó kết luận thái tử bin Salman là người thông qua kế hoạch bắt giữ và thủ tiêu ông Khashoggi.

Về phần mình, UAE cũng hối thúc Mỹ liệt phiến quân Houthi vào danh sách các tổ chức khủng bố quốc tế, tăng chuyển giao và viện trợ quân sự cho UAE để giúp chính quyền Abu Dhabi bảo vệ đất nước trước các cuộc tấn công. Tuy nhiên, Mỹ vẫn chưa có động thái nào để xử lý những quan ngại này của UAE.

Theo Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm