Trang chủ » Lực lượng Mỹ ở Syria đã bị tấn công bằng rốc-két

Lực lượng Mỹ ở Syria đã bị tấn công bằng rốc-két

bởi unexpress

Người phát ngôn của quân đội Mỹ, Đại tá Wayne Marotto, ngày 28-6 cho biết lực lượng của nước này ở Syria đã bị tấn công bằng nhiều quả rốc-két.

Đại tá Wayne Marotto đăng tải trên Twitter rằng cuộc tấn công xảy ra vào lúc 19 giờ 44 phút (giờ địa phương) ngày 28-6 và thiệt hại đang được đánh giá. Theo các báo cáo ban đầu, không có bất kỳ thương vong nào. Ông Wayne Marotto không tiết lộ về đối tượng tình nghi tiến hành vụ tấn công này, tờ Người Lao Động đưa tin.

Ngày 27-6, Mỹ thông báo về đợt không kích mới nhất nhằm vào lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn ở Iraq và Syria. Cuộc không kích để đáp trả các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của lực lượng này nhằm vào nhân viên và cơ sở của Mỹ ở Iraq.

Ngoại trưởng Antony Blinken và Nhà Trắng đã bảo vệ các cuộc không kích của Mỹ ở Iraq và Syria vào hôm 27-6. Ông Blinken nói với các phóng viên ở Rome: “Chúng tôi đã thực hiện hành động cần thiết, thích hợp, có chủ ý nhằm hạn chế nguy cơ leo thang nhưng cũng để gửi một thông điệp răn đe rõ ràng”.

Các nhóm dân quân Iraq liên kết với Iran trong một tuyên bố nêu tên 4 thành viên của phe Kataib Sayyed al-Shuhada mà họ cho là đã thiệt mạng trong cuộc không kích của Mỹ ở biên giới Syria-Iraq. Họ thề sẽ trả đũa.

Thế nhưng vẫn chưa rõ lực lượng nào đã bắn loạt đạn pháo mới nhất vào lực lượng Mỹ tại Syria.

Cũng trong ngày 28-6, Mỹ cảnh báo Nga đang đối mặt với nguy cơ tổn hại mối quan hệ mang tính xây dựng với Washington nếu nước này sử dụng quyền phủ quyết để đóng cửa khẩu duy nhất viện trợ cho Syria.

Ngoại trưởng Blinken nói với báo giới rằng điều quan trọng là phải “mở rộng hỗ trợ xuyên biên giới, điều cần thiết để tiếp cận hàng triệu người Syria đang cần thực phẩm, thuốc men, vắc-xin Covid-19 và các chương trình viện trợ cứu sinh khác”.

Trước đó, người phát ngôn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Christian Lindmeier, nhấn mạnh việc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) không gia hạn hoạt động viện trợ xuyên biên giới cho Syria thêm một năm vào ngày 10-7 sẽ khiến công tác cung cấp vắc-xin cho khu vực này, bao gồm vắc-xin ngừa Covid-19, trở nên bất khả thi.

Một quan chức cấp cao của Mỹ đi cùng ông Blinken trong các cuộc đàm phán tại Rome – Ý cho biết: “Rõ ràng là chúng tôi không muốn bất kỳ thành viên thường trực HĐBA LHQ nào phủ quyết điều đó. Chúng tôi muốn có một mối quan hệ mang tính xây dựng với Nga trên các lĩnh vực mà chúng tôi có thể làm việc cùng nhau và chúng tôi nghĩ Syria phải là một trong số đó”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nêu vấn đề này khi ông gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin vào ngày 16-6 tại Geneva, Thụy Sĩ. Cả hai lãnh đạo đều bày tỏ hy vọng rằng hội nghị thượng đỉnh sẽ mang lại sự ổn định hơn cho quan hệ Nga-Mỹ sau nhiều tháng căng thẳng gia tăng.

Từ năm 2014-2019, HĐBA LHQ hàng năm ra nghị quyết cấp phép vận chuyển cứu trợ cho Syria qua 4 cửa khẩu, gồm 2 cửa khẩu với Thổ Nhĩ Kỳ, một với Jordan và một với Iraq. Tuy nhiên, từ tháng 1-2020, HĐBA quyết định chỉ cấp phép vận chuyển qua 2 cửa khẩu biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ với thời hạn 6 tháng. Đến tháng 7 cùng năm, dù thông qua nghị quyết nối lại hoạt động viện trợ nhân đạo xuyên biên giới cho Syria nhưng HĐBA chỉ cho phép tiến hành hoạt động này thông qua một cửa khẩu duy nhất, đó là cửa khẩu Bab al-Hawa, theo Người Lao Động.

Có thể bạn quan tâm