Trang chủ » Long An khôi phục sản xuất theo ‘4 tại chỗ’

Long An khôi phục sản xuất theo ‘4 tại chỗ’

bởi unexpress

Tỉnh cũng đã chủ trương cho doanh nghiệp sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” và đạt hiệu quả sản xuất, kinh doanh tương đối cao. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp gặp khó dù có các đơn hàng, hợp đồng nhưng thiếu lao động hoặc phải thực hiện cách ly theo quy định về phòng, chống dịch. Tỉnh Long An đang chuẩn bị khôi phục sản xuất – kinh doanh theo phương án “4 tại chỗ”.

Áp lực chi phí

Chú thích ảnh
Công nhân của Công ty TNHH giầy CHINH LUH Việt Nam (Bến Lức, Long An) làm việc theo phương án “4 tại chỗ”. 

Tỉnh Long An có 840 doanh nghiệp hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” với tổng số lao động 40.870 người. Ngoài các doanh nghiệp hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” và các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thiết yếu được hoạt động, các doanh nghiệp khác phải tạm dừng hoạt động để thực hiện phòng, chống dịch.

Mặc dù dịch COVID-19 tác động tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực thích ứng với tình hình mới, duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động.

Theo ông Trần Tấn Lợi, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng nhà máy nước DNP Long An,  công ty đã xây dựng và thực hiện phương án “3 tại chỗ” cho nhà máy nước Nhị Thành đặt tại xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa. Công ty trang bị đầy đủ những đồ dùng thiết yếu như: tủ lạnh, máy giặt, quạt điện, bếp nấu… đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cơ bản và yêu cầu người cách người tối thiểu 2m, thực hiện nghiêm 5K tại đơn vị. Đến nay, tất cả nhân viên được tiêm ngừa vaccine COVID-19. Với đặc thù của công ty là sản xuất và cung cấp nước sạch, công ty tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch, đảm bảo cấp nước liên tục trong mọi tình huống diễn biến của dịch trên địa bàn tỉnh.

Nói về khó khăn doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp Hội thanh long tỉnh Long An cho biết, Hiệp hội có lực lượng công nhân là nòng cốt thu mua toàn bộ thanh long cho cả tỉnh. Để phòng, chống dịch hiệu quả, Hiệp hội đã lập danh sách đề nghị ưu tiên tiêm vaccine cho đối tượng này, nhưng đến nay vẫn chưa được. Bên cạnh đó, ngoài việc bị áp lực tiêu thụ hàng hóa cho người dân, công nhân được yêu cầu test 3 ngày/lần với chi phí khá cao, gây áp lực khá lớn cho doanh nghiệp.

Còn ông Nguyễn Thành Mười, Giám đốc Công ty cổ phần Tân Đồng Tiến bày tỏ, Long An chuẩn bị vào vụ thu hoạch chính nhưng doanh nghiệp gặp khó khăn nhân công. Theo đó, nhân viên, thương lái đi thu mua lúa bắt buộc phải có giấy test COVID-19 trong vòng 72 giờ. Nếu không sẽ bị phạt 2 triệu đồng/người và chi phí test quá cao nên họ không đi làm. Bên cạnh đó, quy định phòng, chống dịch người dân không được ra đường sau 18 giờ nên lực lượng thu mua không thể hoạt động hiệu quả.

Còn đại diện Công ty Lương thực Long An đề xuất, các ngành chức năng cần xem xét ưu tiên “luồng xanh” như xét nghiệm nhanh tại chốt cho các phương tiện vận chuyển lúa tươi từ cánh đồng về nhà máy sấy; vận chuyển gạo từ nhà máy ra các cảng xuất khẩu, khu vực tiêu thụ nội địa đang có nhu cầu nhiều. Cùng đó, ưu tiên tiêm vaccine cho những lao động bắt buộc phải tham gia trực tiếp trong chuỗi cung ứng lúa gạo nói riêng và lương thực nói chung như: tài xế, tài công, người đi thu mua, nhân viên nhà máy, nhân viên xuất nhập khẩu, nhân viên điều phối hiện trường.

Sát cánh cùng doanh nghiệp

Chú thích ảnh
Công nhân nhà máy nước Nhị Thành (Thủ Thừa, Long An) làm việc trong thời gian thực hiện phương án “3 tại chỗ”. 

Ông Huỳnh Văn Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An cho biết, thời gian qua, tỉnh triển khai phương án “3 tại chỗ đối với một số doanh nghiệp về cơ bản đạt yêu cầu. Trước khi triển khai, các doanh nghiệp đều lấy mẫu test nhanh sàng lọc COVID-19 cho người lao động.

Trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp theo dõi sức khỏe người lao động; kịp thời báo cáo, phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương xử lý các trường hợp nhiễm bệnh. Hiện 18 khu  khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản đã tiêm xong đợt 1 cho 1.034 doanh nghiệp với 41.978 lao động.

Hiện nay, tỉnh Long An đang xây dựng các phương án tiếp tục tháo gỡ khó khăn, chuẩn bị khôi phục sản xuất – kinh doanh theo phương án “4 tại chỗ”. Đó là sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ và y tế tại chỗ; đồng thời, gắn với “2 yêu cầu” là vaccine và thực hiện 5K. Phương án chia thành 3 giai đoạn cụ thể: giãn cách xã hội, sau giãn cách xã hội và bình thường mới để tổ chức thực hiện phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh.

Long An sẽ tiếp tục đồng hành chia sẻ, sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ những vấn đề khó khăn cấp bách với phương châm “sớm nhất và hiệu quả nhất”. Điều này nhằm giảm bớt thiệt hại, tác động tiêu cực cho doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh.
 
Tỉnh cũng xây dựng chính sách và chuẩn bị nguồn lực triển khai các biện pháp hỗ trợ dài hạn, giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh sau khi kiểm soát được dịch bệnh; nâng cao năng lực ứng phó trước những thay đổi bất thường của môi trường kinh doanh. Cùng đó, tận dụng cơ hội mới, thu hút dòng đầu tư và các nguồn lực bên ngoài, tạo đà bứt phá cho tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, tỉnh Long An thực hiện tốt “luồng xanh” hàng hóa liên tỉnh, liên vùng để vận chuyển hàng hóa trên nguyên tắc giảm các thủ tục, nhanh nhất, thuận lợi nhất nhưng đảm bảo phòng chống dịch; ứng dụng công nghệ trong kiểm soát điều kiện đi lại cho các phương tiện và người lao động trong giao thông vận tải hành khách, hàng hóa đảm bảo chuỗi cung ứng thông suốt….

Theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Long An Nguyễn Văn Được, tỉnh thực hiện quyết liệt các giải pháp để “xanh hóa vùng xanh”; chuyển “vùng vàng thành vùng xanh” và khoanh chặt, thu hẹp, triệt tiêu “vùng đỏ”. Trước mắt, Long An đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine cho công nhân, bởi đây là vấn đề “then chốt” để các doanh nghiệp sớm trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới.
 
Đối với việc lưu thông hàng hóa, tỉnh sẽ nghiên cứu triển khai mô hình “vận tải xanh” với phương án linh hoạt, đảm bảo an toàn cho “vùng xanh”. Đồng thời, ứng dụng công nghệ, tích hợp hệ thống thông tin của doanh nghiệp vào hệ thống thông tin của nhà nước để quản lý, phân tích, dự báo diễn biến tình hình dịch bệnh tại từng địa phương, từng doanh nghiệp.
 
Qua đó, kịp thời đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, thiết thực, góp phần không để đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm