Trang chủ » Linh hoạt giúp doanh nghiệp phát triển sản phẩm chủ lực

Linh hoạt giúp doanh nghiệp phát triển sản phẩm chủ lực

bởi unexpress

BNEWS Ninh Bình đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, động viên các doanh nghiệp nỗ lực sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đạt mục tiêu đề ra trong năm 2022.

Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 và tình hình thế giới diễn biến phức tạp đã gây ra sự thiếu hụt nguyên liệu sản xuất, giá nguyên liệu gia tăng… dẫn đến sản lượng của một số sản phẩm chủ lực của tỉnh Ninh Bình bị sụt giảm. Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, động viên các doanh nghiệp nỗ lực sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đạt mục tiêu đề ra trong năm 2022.
* Thiếu hụt nguyên liệu
Theo báo cáo của Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại địa phương từ đầu năm đến nay tuy không còn chịu ảnh hưởng nhiều của đại dịch COVID-19 nhưng vẫn bị tác động từ căng thẳng giữa Nga và Ukraine, nguồn nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tiếp tục bị thiếu hụt và khan hiếm. Một số sản phẩm chủ lực của tỉnh giảm so với cùng kỳ.
Trong 11 sản phẩm chủ lực chỉ có 4 sản phẩm có chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ là kính, giầy dép vải, camera modul và linh kiện điện tử, còn lại 7 sản phẩm có tỷ trọng lớn như ô tô, đạm, phân bón, xi măng… đều giảm; trong đó, 3 sản phẩm đạt trên 50% kế hoạch năm 2022 là giầy dép vải, camera module và linh kiện điện tử.
Theo đại diện Nhà máy sản xuất ô tô Huyndai Thành Công Việt Nam tại tỉnh Ninh Bình, khó khăn đối với ngành sản xuất ô tô là sự thiếu hụt nguồn linh kiện điện tử trên toàn cầu; trong đó, chủ yếu là linh kiện bán dẫn (bo mạch). Nhà cung cấp không có linh kiện để lắp đặt nên không thể xuất hàng.
Nhà máy sản xuất ô tô Huyndai Thành Công phải huy động tối đa các kênh để có được số lượng thiết bị tối ưu, chấp nhận thêm chi phí, vận chuyển bằng đường hàng không về Việt Nam để kịp thời lắp đặt. Tuy nhiên, mỗi tháng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 50-60% nhu cầu và dự kiến tình trạng thiếu linh kiện sẽ kéo dài đến hết năm 2022.
Đối với nhà máy Đạm Ninh Bình, trong quý I, nhà máy phải dừng máy một số ngày để bảo trì thiết bị từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3. Trong quý II, từ ngày 15/5 đến 5/6 tiếp tục dừng hoạt động để sửa chữa lớn. Bên cạnh đó, giá vật tư đầu vào tăng cao, thiếu than cho sản xuất, giá than đã tăng từ 13 – 25% trong những tháng đầu năm 2022. Từ cuối tháng 6, giá đạm sụt giảm mạnh gây khó khăn cho việc kinh doanh và thu hồi vốn của doanh nghiệp.
Theo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình, qua tìm hiểu, phân tích và trao đổi cụ thể với các doanh nghiệp nhận thấy, nguyên nhân tác động tới sự tăng, giảm của các sản phẩm chủ lực chủ yếu từ những nguyên nhân khách quan mang lại như: trong quý I/2022, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số lao động trong các doanh nghiệp mắc bệnh và nghi mắc phải nghỉ để điều trị gây ra thiếu hụt lao động. Cùng với đó, chính sách “Zero COVID” của Chính phủ Trung Quốc làm cho việc lưu thông hàng hóa, cung cấp nguyên liệu cũng như thị trường tiêu thụ của các sản phẩm chủ lực bị giảm mạnh.
Bên cạnh đó, căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã gây ra sự thiếu hụt, chậm trễ cung ứng nguyên, vật liệu, linh kiện phục vụ sản xuất, khó khăn về thị trường tiêu thụ, giá thành nguyên liệu tăng cao. Chi phí vật tư, nguyên liệu tăng cao gây ra áp lực tài chính lớn cho hầu hết các doanh nghiệp đang hoạt động. Một số doanh nghiệp đặc biệt gặp khó khăn về nguồn vốn, thiếu vốn lưu động; thiếu vật tư dự phòng.
Bên cạnh đó, sản phẩm bị cạnh tranh gay gắt, chi phí sản xuất cao nhưng giá bán thấp dẫn đến kinh doanh không có lãi. Hiện lượng hàng tồn kho một số sản phẩm khá cao như: kính tồn kho khoảng 70%; giầy da, may mặc tồn kho từ 40 – 50%; phân bón NPK tồn kho từ 50-60%…
*Hỗ trợ tối đa doanh nghiệp Trước những khó khăn do dịch COVID-19 và tình hình thế giới diễn biến phức tạp, tỉnh Ninh Bình đã có nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, động viên các doanh nghiệp nỗ lực sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đạt mục tiêu đề ra trong năm 2022.
UBND tỉnh Ninh Bình ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19 cùng các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội; báo cáo tình hình lao động, việc làm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang triển khai tiêm vaccine mũi 4 bảo đảm tiến độ, an toàn.
Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Khí Công nghiệp Ninh Bình chia sẻ, đơn vị đã triển khai dự án “Nhà máy sản xuất CO2 lỏng tinh khiết công suất 45.000 tấn/năm” tại Khu Công nghiệp Khánh Phú, tỉnh Ninh Bình vào tháng 3/2020 đúng lúc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên gặp rất nhiều khó khăn.
Công ty được sự hỗ trợ của UBND tỉnh Ninh Bình, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh và các ban ngành liên quan nên được giải quyết các thủ tục hành chính theo quy định rút ngắn thời gian. Đồng thời, được giải quyết các hỗ trợ về tiền thuế, tiền điện, tiền thuê nhà cho công nhân một cách kịp thời góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để vượt qua đại dịch COVID-19.
Hiện tại, nhà máy đã đi vào hoạt động chính thức với sản lượng đạt khoảng 60-70%. Căn cứ theo thời gian tới về sự phục hồi kinh tế công ty sẽ đầu tư tiếp giai đoạn 2 và dự kiến năm 2024 nâng công suất dây chuyền lên gấp đôi.
Ông Bùi Duy Quang, Phó Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình cho biết, đến thời điểm hiện tại, mặc dù còn nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm công nghiệp chủ lực đa số đều giảm sản lượng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, các chỉ tiêu chính vẫn có mức tăng trưởng nhẹ; trong đó, doanh thu lũy kế 7 tháng ước đạt trên 33 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ; thu ngân sách trong các khu công nghiệp 6 tháng đầu năm ước đạt 7.600 tỷ đồng.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, động viên các doanh nghiệp nỗ lực sản xuất, kinh doanh, đơn vị đã phối hợp với các ban, ngành liên quan triển khai các giải pháp như bình ổn thị trường cho doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo lao động nâng cao tay nghề cho người lao động; hỗ trợ xúc tiến thương mại; đảm bảo an ninh trật tự môi trường cảnh quan cho khu công nghiệp và đẩy nhanh giải quyết các thủ tục hành chính cho các doanh
nghiệp.
Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã chủ động bám sát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, nắm bắt kịp thời các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện, hỗ trợ, đề xuất UBND tỉnh xem xét, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới. Đồng thời, tiếp tục rà soát các dự án chậm tiến độ trong các khu công nghiệp, tham mưu, đề xuất biện pháp xử lý theo quy định để nâng cao hiệu quả sử dụng đất…/.
Theo BNews/

Có thể bạn quan tâm