Theo đánh giá từ đơn vị thuộc Bộ GTVT, nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng trong quá trình triển khai và xây dựng hệ thống đường sắt tốc độ cao.
Lấy bài học từ Trung Quốc, Đèo Cả, Vinaconex… gấp rút chuẩn bị nguồn nhân lực tham gia vào dự án đường sắt 67 tỷ USD
Theo đánh giá từ đơn vị thuộc Bộ GTVT, nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng trong quá trình triển khai và xây dựng hệ thống đường sắt tốc độ cao.
Vào ngày 4/1/2025, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh cùng đoàn công tác đã thăm và làm việc tại Trường Đại học GTVT TP. HCM.
Theo đó, Bộ trưởng ghi nhận sự phát triển của trường và đánh giá cao cơ sở vật chất cũng như môi trường học tập chuyên nghiệp tại đây. Ông khuyến khích trường tiếp tục phát huy thế mạnh trong việc kết nối lý thuyết và thực tiễn, mở rộng hợp tác quốc tế và ưu tiên các ngành cốt lõi như đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị và tự động hóa.
Hồi cuối tháng 11/2024, Tập đoàn Đèo Cả phối hợp Trường Đại học GTVT TP. HCM khai giảng Chương trình đào tạo đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị cho 130 học viên. Khoá học được tổ chức nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, một trong những công trình trọng điểm của quốc gia.
Ông Nguyễn Minh Giang – Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết, để thực hiện mục tiêu tham gia các dự án đường sắt, doanh nghiệp đã hợp tác với các trường đại học để tuyển sinh đào tạo nhân lực chất lượng cao với mô hình hợp tác gồm “đặt hàng tại nguồn” và “đào tạo tại chỗ”, đẩy mạnh đào tạo đội ngũ công nhân, kỹ sư, nhà quản lý.
Ngoài ra, Đèo Cả cũng tổ chức các chương trình công tác nước ngoài và nghiên cứu thực tiễn quá trình đào tạo ngành đường sắt – metro. Tập đoàn cũng tích cực thúc đẩy hợp tác với các đối tác quốc tế có kinh nghiệm về đường sắt tốc độ cao như Nhật Bản, Trung Quốc để chuyển giao công nghệ và các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, đồng thời nghiên cứu để “bản địa hóa” công nghệ và thiết bị sao cho phù hợp với điều kiện, nhu cầu của thị trường Việt Nam.
Tập đoàn Đèo Cả, Vinaconex, FECON đang ráo riết đào tạo nguồn nhân lực tham gia vào dự án đường sắt lớn nhất lịch sử |
Lấy bài học thực tiễn từ các nước trên thế giới đã triển khai xây dựng thành công hệ thống đường sắt tốc độ cao, ông Lê Quốc Dũng – Quyền Giám đốc Ban Quản lý dự án 7 (Bộ GTVT) khẳng định, việc Việt Nam đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam và đường sắt đô thị là một tất yếu khách quan.
“Phải nói rằng, để làm được đường sắt tốc độ cao không hề đơn giản. Đơn cử tại Trung Quốc, họ mất 30 năm để có 672km đường sắt cao tốc đầu tiên, nhưng đến năm 2022 họ đã có 42.000km đường sắt cao tốc và dự kiến đến năm 2025 đạt mốc 50.000km, 2035 đạt mốc 200.000km. Vì sao họ làm được như vậy? Đầu tiên vẫn là yếu tố nguồn nhân lực”, ông Lê Quốc Dũng nói.
Bên cạnh Đèo Cả, nhiều nhà thầu lớn như CTCP FECON (HoSE: FCN) và Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex – VCG) đang chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt nhân lực, tiếp cận công nghệ mới để nắm bắt cơ hội từ các dự án đường sắt.
Cụ thể, Vinaconex đã hợp tác với Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, tổ chức đào tạo kỹ sư chuyên ngành xây dựng công trình giao thông, với trọng tâm là đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị. Trong khi đó, FECON đã liên kết với Trường Đại học GTVT Hà Nội để triển khai các khóa đào tạo kỹ sư đường sắt, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho các dự án lớn trong ngành.
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có tổng chiều dài khoảng 1.541km với tổng mức đầu tư lên tới 1.713.548 tỷ đồng (hơn 67 tỷ USD), nối liền từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến ga Thủ Thiêm (TP. HCM), đi qua 20 tỉnh, thành phố. Quy mô đầu tư bao gồm tuyến đường đôi khổ 1.435mm với tốc độ thiết kế lên tới 350km/h và tải trọng 22,5 tấn/trục.
Theo tính toán của Ban Quản lý đường sắt, công tác quản lý dự án yêu cầu từ 700 đến 1.000 nhân sự. Các đơn vị tư vấn cần đào tạo từ 1.000 đến 1.300 người, trong khi đơn vị vận hành khai thác cần đến 13.800 nhân lực. Lĩnh vực nhà thầu xây dựng, các cơ sở sản xuất vật tư, linh kiện, cùng tổ hợp công nghiệp phục vụ thi công dự án sẽ cần khoảng 220.000 lao động theo lộ trình thực hiện.