Nhiều người đã quá quen với lão nông Bảy Bon (tên gọi thân mật) ở cồn Sơn thành công với mô hình nuôi cá lồng bè kết hợp làm du lịch đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long.
“Từ cái khó, ló cái khôn” đã đưa ông Bảy Bon từ một người nông dân nuôi cá, bí bách đầu ra, thua lỗ trở thành tỷ phú trên dòng sông Hậu. Xuất phát điểm, ông Bảy Bon nuôi cá diêu hồng trong các lồng bè trên sông Hậu. Tuy nhiên, sau thời gian thua lỗ vì giá cá sụt giảm mạnh, năm 2012, qua tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ người khác, ông Bảy Bon mạnh dạn chuyển sang nuôi cá thát lát cườm. và gắn bó với con cá thát lát đến nay gần 10 năm.
Từ nuôi cá thát lát cườm để bán, ông Bảy Bon nhạy bén đầu tư nhà xưởng để chế biến chả cá rút xương, cá thát lát muối sả… Bên cạnh nuôi cá thát lát, ông Bảy Bon còn sưu tầm nuôi một số loại cá lạ như: cá Koi, cá bảo ngọc, các hồng vĩ, cá trà sóc… để kết hợp làm du lịch cho khách tham quan.
Trước khi dịch bệnh xảy ra, mỗi ngày cồn Sơn đón trung bình 300 – 500 khách/ngày, ngày lễ có khi 1.000 khách. Khách đến cồn Sơn tạo thêm cơ hội cho ông Bảy Bon…bán cá. Có khách từ Quảng Nam sau khi đến đây du lịch về quê làm đại lý tiêu thụ cá thát lát Bảy Bon; đoàn khách Nhật Bản sau khi tìm hiểu quy trình nuôi cá, chế biến cá ở xưởng đã đặt hàng tấn cá qua Nhật;…
“Trước khi dịch bệnh xảy ra, bình quân, mỗi năm, cơ sở xuất bán 600- 800 tấn cá thát lát đi trong và ngoài nước kết hợp với dịch vụ du lịch, thu về khoảng từ 5 – 7 tỷ đồng. Điểm du lịch kết hợp nuôi cá nói riêng và du lịch cộng đồng Cồn Sơn đã tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương và các tỉnh lân cận”, ông Bảy Bon cho biết.
Thế nhưng dịch COVID-19 xảy ra và kéo dài, hơn hai tháng qua, Cần Thơ thực hiện Chỉ thị 15 rồi đến Chỉ thị 16, bè nuôi cá kết hợp du lịch và xưởng chế biến cá thát lát của ông Bảy Bon cũng tạm dừng hoạt động như các điểm, cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác để phòng, chống dịch.
Hoạt động kinh doanh, sản xuất ngưng trệ, doanh thu sụt giảm, du lịch thì “đóng băng”, khoảng 300 tấn cá dưới bè lớn mỗi ngày cũng không thể chế biến vì xưởng đóng cửa. Ông Bảy Bon chia sẻ, trong số cá hiện có ở lồng bè, chỉ bán được cá tra, cá lăng, cá bông lau cho địa phương, đặc biệt là cá thát lát không thể tiêu thụ được vì xưởng chế biến ngừng hoạt động. Mỗi ngày, cơ sở đều phải duy trì mua thức ăn nuôi cá và vẫn phải trả tiền lương để giữ chân 15 công nhân. Tuy nhiên, ông vẫn cố cầm cự đợi hết dịch để quay trở lại hoạt động sản xuất, đón khách du lịch.
Khó khăn là vậy nhưng ông nông dân Bảy Bon vẫn cho rằng, ông đỡ hơn nhiều người vì ở cồn Sơn những ngày qua vẫn là vùng xanh, chưa có một F0 nào, bà con trên cồn chia sẻ với nhau con cá, bó rau,…tự cung tự cấp.
Nhưng, ông Bảy Bon không giữ may mắn đó cho riêng mình, nhà có bè cá, mỗi ngày ông ủng hộ cho các chốt kiểm soát dịch bệnh ở phường, hội nông dân quận để chia sẻ với người dân khó khăn, hỗ trợ cho hướng dẫn viên du lịch “bị kẹt” lại ở Cần Thơ không về quê được,…
“Dịch bệnh kéo dài, tôi có thời gian suy nghĩ và thực hiện các góp ý của nhiều người đối với bè cá. Tôi cho thợ mua các chậu hoa, cây kiểng như hoa giấy, cây cau… để tạo thêm cảnh quan cho bè cá; bố trí, sắp xếp lại các nhà bè, sửa chữa đường đi và đặc biệt thay hết mái nhà bè từ mái tôn sang lá dừa để phù hợp với chất miền Tây, dân dã. Thời gian này, tôi cũng tìm hiểu và sưu tầm đem về lồng bè nuôi thêm được giống cá mới. Ngoài ra, tôi và bà con trên cồn Sơn còn tham gia lớp học tiếng Anh trực tuyến để tăng thêm vốn từ chờ ngày đón khách du lịch trở lại;…”, ông Bảy Bon nói.
Ông Bảy Bon chia sẻ, thời gian tới, ông sẽ tập trung nuôi các loại cá sống ở dòng sông Mekong với số lượng lớn như cá tra dầu, cá tra cờ, cá bảo ngọc..; đối với các loại cá ngoại lai nếu được chỉ nuôi vài con lạ lạ để du khách chiêm ngưỡng.
Nếu dịch bệnh ổn, ngoài 30 lồng bè của gia đình, ông Bảy Bon sẽ phối hợp với 2 nhà bè (60 lồng bè) gần nhà nuôi gia công cá thát lát để chế biến xuất bán. Ngoài ra, để tạo công ăn việc làm cho bà con có thêm thu nhập, kết nạp thêm bà con vào cộng đồng du lịch để đa dạng sản phẩm, Hợp tác xã nuôi cá lồng bè sẽ kết hợp các nhà vườn để tạo mô hình du lịch đa dạng, cộng đồng du lịch đa dạng.
Theo bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Cần Thơ, ông Lý Văn Bon là một nông dân tiêu biểu của thành phố với nhiều ý tưởng làm ăn nhạy bén, mới lạ đem lại thu nhập cao và tạo được công ăn việc làm cho người dân. Trước thành tích nổi bật, đóng góp trên, ông Lý Văn Bon đã nhận được nhiều bằng khen từ Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội nghề cá Việt Nam, UBND thành phố Cần Thơ,… Ngoài ra, ông Lý Văn Bon vừa được Trung ương Hội nông dân Việt Nam chọn là một trong các Nông dân xuất sắc Việt Nam năm 2021.
Theo Báo Tin Tức