BNEWS Việc thí điểm nhập khẩu mặt hàng dược liệu qua cửa khẩu Chi Ma được kỳ vọng sẽ giúp kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu này tăng cao hơn.
Thực hiện Đề án thí điểm nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu Chi Ma (tỉnh Lạng Sơn) kể từ ngày 1/10/2021 theo Nghị quyết số 111/NQ-CP của Chính phủ, trong những ngày qua, các cơ quan chức năng địa phương đã tích cực chuẩn bị các điều kiện liên quan tới cơ sở vật chất, quy trình kỹ thuật, đảm bảo cho hoạt động nhập khẩu mặt hàng dược liệu được diễn ra thông suốt.
Việc thí điểm nhập khẩu mặt hàng dược liệu qua cửa khẩu Chi Ma được kỳ vọng sẽ giúp kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu này tăng cao hơn.
Chính vì thế, cùng với xây dựng phần mềm quản lý về tiêu chuẩn chất lượng các loại dược liệu được phép nhập khẩu, thì một quy trình phối hợp giữa các đơn vị, bảo đảm kiểm soát chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, phòng chống dịch bệnh khi nhập khẩu dược liệu cũng đang được Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma gấp rút xây dựng để triển khai thực hiện.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma Lương Văn Thơ cho biết, Chi cục đã chủ động phối hợp với các lực lượng Biên phòng, Kiểm dịch, Trung tâm quản lý cửa khẩu thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn để xây dựng quy trình hướng dẫn để nhập khẩu các loại dược liệu, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ chất lượng, chủng loại hàng nhập khẩu, không để xảy ra tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại đối với mặt hàng này.
Để thích ứng với điều kiện hoạt động xuất nhập khẩu sẽ có chiều hướng ngày càng tăng trong thời gian tới, Đồn biên phòng cửa khẩu Chi Ma cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện đảm bảo về cơ sở vật chất kỹ thuật, đáp ứng việc kiểm soát, phân luồng, tránh ách tắc trong khu vực cửa khẩu;
Phối hợp với lực lượng kiểm dịch y tế, đảm bảo nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19. Đặc biệt, lực lượng Biên phòng cửa khẩu Chi Ma cũng đã chủ động nâng cấp phần mềm quản lý phương tiện điện tử để tạo thuận lợi cho việc đăng ký, thống kê phương tiện, lái xe chở mặt hàng dược liệu nhập khẩu ra vào khu vực.
Thiếu tá Đinh Thế Anh – Phó Đồn trưởng đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma, tỉnh Lạng Sơn cho hay, đơn vị đã tập trung rà soát, kiểm tra các điều kiện tại các cơ sở bến bãi, từ đó có những phương án đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng phương tiện phù hợp, lưu thông nhanh. Đồng thời, có những tuyên truyền đến các doanh nghiệp, chủ hàng và lái xe để thực hiện tốt việc phòng chống dịch bệnh.
Riêng đối với lực lượng kiểm dịch thực vật, công tác tập huấn nghiên cứu dịch hại trên dược liệu nhập khẩu đã được triển khai; các trang thiết bị kỹ thuật, nhân lực, vật lực cũng đã được tăng cường, đảm bảo đáp ứng có hiệu quả các điều kiện kiểm soát dịch hại trong việc nhập khẩu dược liệu vào cửa khẩu.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch Thực vật vùng VII Nguyễn Thị Hà, tất cả cán bộ của Trạm kiểm dịch Thực vật Chi Ma đã được tìm hiểu, nghiên cứu những thành phần dịch hại để quản lý chặt chẽ hơn và để tạo thuận lợi thông thoáng, nhanh chóng cho doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục kiểm dịch thực vật.
Những năm 2017 trở về trước, dược liệu là một trong những mặt hàng nhập khẩu truyền thống của cửa khẩu Chi Ma. Theo số liệu từ Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, kim ngạch mặt hàng dược liệu thô nhập khẩu qua cửa khẩu Chi Ma năm 2015 đạt gần 14,3 triệu USD. Năm 2016 đạt gần 9,8 triệu USD và trong hơn 6 tháng đầu năm 2017 đạt gần 12,8 triệu USD.
Sau một thời gian dài gián đoạn, việc Chính phủ cho phép thí điểm nhập khẩu dược liệu trở lại qua cửa khẩu Chi Ma là một tín hiệu vui đối với Lạng Sơn cũng như cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nhất là tại đây đã có cơ sở hạ tầng khang trang, đường giao thông đi lại thuận tiện, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng được đảm bảo./.
Theo BNews/