Các cơ sở làm lưới, lú làng nghề Thơm Rơm tập trung chủ yếu ở khu vực Tân Lợi 1 và Tân Lợi 2 những ngày nước lớn năm nay chỉ có người bán đứng ngóng người mua. Tuyến đường Quốc lộ 91 đi ngang địa phận làng nghề này mọi năm khách đến mua lưới tấp nập, nhưng năm nay thì thưa thớt.
Nghề sản xuất và buôn bán lưới, lú phụ thuộc vào con nước. Năm nào nước nổi đến sớm và ngập sâu thì năm đó hoạt động sản xuất, bán lưới, lú cũng tăng theo. Những năm trở lại đây, Cần Thơ nói riêng và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung nước tràn đồng ít hơn và chậm hơn nên lượng cá tôm cũng vì thế mà giảm đi. Ngoài ra, năm nay dịch bệnh kéo dài nên sức bán các mặt hàng ngư cụ hầu như cũng hạ nhiệt, thị trường cũng bị thu hẹp vì giãn cách xã hội.
Gia đình anh Lê Hữu Quý, chủ cơ sở sản xuất lưới – lú Hữu Tý (phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt) có thâm niên hai thế hệ sản xuất lưới, lú với 40 năm hoạt động chưa ngày nghỉ nhưng đây là năm đầu tiên cơ sở phải cho công nhân nghỉ đến ba tháng. Mọi năm mùa này, cơ sở hoạt động từ sáng đến tối, tấp nập công nhân làm việc. Mặc dù thời điểm này cơ sở đã quay trở lại sản xuất, nhưng theo anh Quý những sản phẩm được bán, giao cho khách là những mặt hàng đã được làm từ mấy tháng mùa khô (lúc chưa xảy ra dịch). Số lượng sản phẩm lú, lưới được làm ra trong năm nay giảm khoảng 70% so với cùng kỳ những năm trước.
Anh Phạm Phước Công, chủ cửa hàng sản xuất lưới phường Tân Hưng (quận Thốt Nốt) cho biết, năm ngoái người dân đi mua lưới, mua lú nhiều. Thường thì người dân đi mua lưới tầm rằm tháng 7. Tùy theo con nước, nước lớn thì người ta mua ba màn, nước thấp thì mua một màn. Lưới một màn có lỗ cỡ 3,5cm – 4cm giăng cá rô, cá sặc. Năm nay dịch bệnh nên ít người mua. Nếu mọi năm sản xuất khoảng 1.000 tay lưới thì năm nay chỉ làm khoảng 700 – 800 tay lưới.
“Trước đây, lưới, lú ở Thơm Rơm bán đi nhiều tỉnh miền Tây. Còn bây giờ dịch bệnh nên khách ở các tỉnh lân cận không qua được nên hàng hóa ngưng trệ, bán chậm hơn. Ngoài ra, mấy năm trước nước lũ về nhiều, khách mua 5 – 10 tay lưới, giờ nước ít người ta mua 1 – 2 tay lưới về giăng kiếm cá ăn thôi”, ông Phạm Phước Phong, chủ cửa hiệu Năm Tấn cho hay.
Theo các cơ sở sản xuất lưới, lú, dù năm nay giá nguyên vật liệu như: chì, cước… tăng nhẹ, nhưng giá lưới, lú cũng như mọi năm, lưới một màn có giá từ 65.000 – 70.000 đồng/tay; lưới tốt hơn, nhiều màn thì giá cao hơn như lưới bén đánh cá 3 màn có giá 200.000 – 350.000 đồng/tay; lú đánh bắt cá nước ngọt giá 320.000 – 360.000 đồng/cái; lú biển giá 380.000 – 400.000 đồng/cái; chài nhỏ có giá 300.000 – 500.000 đồng/cái; chài lớn giá 500.000 – 800.000 đồng/cái…
Dịch bệnh khiến thu nhập của người dân cũng eo hẹp cộng với nước năm nay tràn đồng thấp hơn so với mọi năm, cũng vì thế mà cá ít hơn nên khách mua lưới cũng đắng đo, cân nhắc. Hôm nay đã là tháng 9 âm lịch, nhưng ông Nguyễn Thanh Bạch, phường Thạnh Hòa, quận Thốt Nốt mới đi mua lưới về giăng bắt cá. Mọi năm, ông Bạch mua 5 – 6 tay lưới, nhưng năm nay ông chỉ mua hai tay lưới.
“Mấy năm trước cá nhiều, tôi giăng bắt ăn không hết thì bán. Năm nay nước lên trễ và có khả năng rút sớm, cá lại ít nên mua ít lưới giăng đủ cá ăn chứ không có bán”, ông Bạch cho biết.
Hết nước, nghĩa là người miền Tây không còn bắt được nhiều tôm, cá trên những cánh đồng nước nổi nên nay đã gần cuối tháng 9 âm lịch, nhưng những tấm lưới, chiếc lú ở làng nghề Thơm Rơm vẫn ngóng chờ khách.
Làng nghề sản xuất lú, lưới Thơm Rơm được công nhận vào năm 2012. Nơi đây có khoảng 35 cơ sở sản xuất chính, khoảng 2.000 hộ ở địa phương và khu vực lân cận tham gia gia công sản phẩm. Ngoài sản xuất các mặt hàng ngư cụ phục vụ nhu cầu khai thác nguồn lợi thủy sản nước ngọt thì làng nghề Thơm Rơm còn cung cấp các loại ngư cụ đánh bắt ở vùng biển. Sản phẩm của làng nghề được bán ra thị trường các tỉnh miền Tây và Campuchia.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Chí Hiếu, Phó Chủ tịch UBND Phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, do dịch bệnh, nước lũ không cao nên sức tiêu thụ các mặt hàng đánh bắt vùng nước ngọt giảm khoảng 50%, còn các mặt hàng phục vụ khai thác vùng biển vẫn giữ nguyên, nhưng gặp khó khăn trong quá trình vận chuyển. Theo đánh giá của địa phương, các cơ sở ở làng nghề ước sụt giảm doanh thu khoảng 30%.
Hy vọng nước lớn trên các cánh đồng còn kéo dài, cá sẽ về nhiều hơn để những chiếc lú, chiếc lưới ở làng nghề Thơm Rơm không lỡ hẹn mùa nước nổi.
Theo Báo Tin Tức