BNEWS Năm 2022, Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu cải thiện từ 73,02 lên 75,38 điểm, tăng 2,36 điểm so với năm 2021.
Quảng Ninh 5 năm liên tiếp nhận Cúp quán quân, 9 năm nằm trong TOP 5 bảng xếp hạng danh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Theo đánh giá từ VCCI, Quảng Ninh là địa phương có những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế và kiểm soát dịch COVID-19.
Dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh, song chất lượng điều hành kinh tế tiếp tục duy trì xu hướng cải thiện theo thời gian. Cải cách hành chính có chuyển biến tích cực, với hiệu quả và hiệu lực thực thi gia tăng. Những nỗ lực phòng chống tham nhũng đang phát huy tác dụng trong việc giảm gánh nặng chi phí không chính thức cho doanh nghiệp.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết, đây là năm thứ 5 liên tiếp Quảng Ninh giữ vị trí quán quân PCI và 9 năm liên tiếp trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước. Đây là kết quả nỗ lực của cả hệ thống chính trị với quyết tâm chính trị, cùng chung tay, chung sức vào cuộc để làm nên thương hiệu PCI của Quảng Ninh.
Tuy nhiên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký bày tỏ, dù đứng đầu cả nước, nhưng điểm PCI năm 2021 giảm 2,07 điểm so với năm 2020. Một số chỉ tiêu mặc dù đã có sự cải thiện tăng điểm hoặc tăng hạng nhưng nhìn chung vẫn ở thứ hạng chưa cao so với các địa phương trên cả nước, còn nhiều dư địa để cải cách. Kết quả PCI 2021 cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ của các địa phương, những tỉnh thành khác đang có lợi thế của “người đi sau” khi có thể tham khảo và áp dụng những cách làm hay, thực tiễn tốt sẵn có từ những tỉnh nhóm trên để cải thiện môi trường kinh doanh tại địa phương mình.
Trong khi đó, ở một số việc, một số nơi, một số lãnh đạo ở sở, ngành và cấp huyện cũng chưa thực sự thể hiện rõ sự tâm huyết, trăn trở đối với việc tìm kiếm các cơ hội mới để đổi mới sáng tạo, tiếp tục thay đổi về chất đối với cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là các chỉ số liên quan tới doanh nghiệp và người dân.
Thực tế cho thấy, địa phương chưa tận dụng và phát huy tốt nhất các cơ hội tạo đột phá mới từ chính các mô hình Quảng Ninh đã tiên phong thực hiện, góp phần mang lại thành công PCI những năm qua như Trung tâm phục vụ hành chính công… để tạo ra sự chuyển biến về tốc độ và chất lượng phục vụ doanh nghiệp, người dân tốt hơn.
Năm 2022, Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu cải thiện từ 73,02 lên 75,38 điểm, tăng 2,36 điểm so với năm 2021. Đối với 10 chỉ số thành phần, phấn đấu có 6 chỉ số trong top 5/63 tỉnh, thành phố; trong đó, 3 chỉ số dẫn đầu cả nước.
Để đạt mục tiêu này, các chuyên gia cho rằng, Quảng Ninh tập trung đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; phát triển doanh nghiệp và phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân, khởi nghiệp sáng tạo; thực hiện hiệu quả “ba đột phá chiến lược” trong tình hình mới, thích ứng linh hoạt với tình hình kinh tế thế giới và khu vực, nhất là diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền, nền kinh tế số và xã hội số, công dân số; nâng cao chất lượng phần mềm hệ thống quản lý, xử lý văn bản, nền tảng tích hợp, chia sẻ; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của các cấp, các ngành về tầm quan trọng và ưu tiên tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, khắc phục tâm lý chủ quan, thoả mãn với những kết quả bước đầu…
Để cải thiện bền vững PCI, ông Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu các sở, ban, ngành và các địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển doanh nghiệp và phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân, khởi nghiệp sáng tạo.
Đồng thời, đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tiếp tục tạo môi trường bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực giữa các thành phần doanh nghiệp, các nhà đầu tư; nâng cao hiệu quả tính minh bạch làm cơ sở thu hút các nhà đầu tư, các tập đoàn đa quốc gia, gắn với hợp tác, chia sẻ lợi ích và trách nhiệm với các doanh nghiệp của tỉnh. Từ đó, tạo thành mối liên kết, hợp tác, hỗ trợ phát triển thành cụm liên kết ngành để xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương thực sự cạnh tranh, tác động lan tỏa nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tỉnh./.
Theo BNews/