Trang chủ » Lãi suất liên ngân hàng tăng lên mức cao nhất trong gần 3 năm qua

Lãi suất liên ngân hàng tăng lên mức cao nhất trong gần 3 năm qua

bởi unexpress

Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh trong tuần cuối cùng của tháng, với lãi suất qua đêm (ON) và lãi suất 1 tuần (1W) ở quanh mức 4,1% – 4,2% vào ngày 27/07, mức cao nhất kể từ tháng 9/2019.

Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh trong bối cảnh thanh khoản thắt chặt tạm thời do một lượng lớn tín phiếu được phát hành trong thời gian qua và NHNN bán USD giao ngay cho các ngân hàng thương mại, đồng thời một phần USD đã bán trong tháng 4/2022 đáo hạn. Công ty chứng khoán Bản Việt (VCI/ VCSC) ước tính, trong tháng 7, NHNN đã hút ròng khoảng 40 – 52 nghìn tỷ đồng thông qua các kênh tín phiếu, reverse repos, bán USD giao ngay và USD kỳ hạn đáo hạn.

Theo nhận định của VCSC, lãi suất liên ngân hàng có thể tiếp tục duy trì quanh 4% trong tháng 8. Trong tháng 8, sẽ có khoảng 3,0 tỷ USD kỳ hạn 3 tháng bán bởi NHNN cho các NHTM sẽ đáo hạn, như vậy sẽ có khoảng 70 nghìn tỷ đồng sẽ được rút khỏi hệ thống ngân hàng thông qua kênh bán ngoại tệ. Trong khi đó, các ngân hàng đang chờ đợi việc được nới trần hạn mức tín dụng. Nếu NHNN nới room tín dụng, thanh khoản có thể tiếp tục giảm và qua đó sẽ gây áp lực lên lãi suất liên ngân hàng.

Lợi suất trái phiếu tăng trong bối cảnh thanh khoản hệ thống giảm

Kho bạc Nhà nước (KBNN) công bố kế hoạch phát hành 85 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (TPCP) trong quý 3, giảm 30% so với kế hoạch quý 2 là 120 nghìn tỷ đồng, nhưng vẫn cao gấp ba lần lượng phát hành thực tế trong quý 2.

Thống kê cho thấy, mặc dù đặt mục tiêu phát hành cao, nhưng lượng TPCP phát hành trong tháng 7 đã giảm 39% so với tháng trước (MoM) chỉ đạt 9,34 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 11% kế hoạch quý 3. Tính chung 7 tháng năm 2022, tổng TPCP phát hành đạt 78,4 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 19,6% kế hoạch cả năm.

Trong phiên đấu thầu gần nhất của tháng 7, lợi suất các kỳ hạn 10 năm và 15 năm trên thị trường sơ cấp lần lượt tăng lên 2,58% (+10 điểm cơ bản MoM) và 2,83% (+5 điểm cơ bản MoM).

Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp cũng tăng mạnh do thanh khoản hệ thống ngân hàng giảm khi NHNN hút một lượng lớn VND qua kênh tín phiếu và bán USD để đáp ứng nhu cầu của các ngân hàng thương mại. Tính đến cuối tháng 7, lợi suất các kỳ hạn 5 năm và 10 năm đạt lần lượt là 3,04% (+66 điểm cơ bản MoM) và 3,50% (+26 điểm cơ bản MoM), là một trong những mức cao nhất trong 3 năm qua.

Lợi suất TPCP có thể duy trì ở mức cao trong tháng 8 do trạng thái căng thanh khoản có thể tiếp tục. Ngoài ra, KBNN có thể tăng lợi suất trái phiếu để thúc đẩy việc phát hành TPCP.

Tỷ giá USD/VND tăng nhẹ mặc dù đồng USD chạm mức cao nhất trong 20 năm qua

Tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng, đạt 23.440 đồng vào ngày 19/07 (tăng 0,67% so với cuối tháng 6/2022) do đồng USD tăng gần 4% đạt mức cao nhất trong 20 năm vào giữa tháng 7. Tuy nhiên, khi đồng USD giảm vào cuối tháng 7 – cùng với nguồn cung USD từ NHNN và lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng tăng mạnh – tỷ giá USD/VND đã giảm nhẹ vào cuối tháng và đóng cửa tháng 7 ở mức 23.343 (tăng 0,26% trong tháng 7).

VCSC nhận định, tỷ giá USD/VND sẽ được hỗ trợ nhờ nguồn cung được cải thiện vào các tháng cuối năm. Hiện tại, VCSC kỳ vọng tỷ giá USD/VND sẽ tăng 2,5% trong năm 2022.

Theo VCSC

Nguồn: https://marketinsider.vn/

Có thể bạn quan tâm