Trong bối cảnh đại dịch đã giúp khách hàng Mỹ tiêu thụ sản phẩm từ Việt Nam nhiều hơn, Amazon đang muốn tăng cường thu hút giới thương nhân Việt Nam hiện có hiệu quả kinh doanh tăng nhanh và sẵn sàng cạnh tranh cùng Alibaba của Trung Quốc.
Thông tin trên được tờ Nikkei Asia đưa ra dựa trên các thông tin được cung cấp bởi ông Gijae Seong – Phụ trách bộ phận kinh doanh toàn cầu của Amazon tại Việt Nam.
Theo đó, việc tập trung vào Việt Nam là một phần trong chiến lược lớn hơn của Amazon nhằm khai thác các nhà cung cấp ở châu Á. Chiến lược này được đánh giá là đang bắt đầu có kết quả khi số lượng thương nhân xuất khẩu hàng hóa trị giá ít nhất 1 triệu USD từ VN đã tăng gấp 3 lần vào năm 2020. Đây là kết quả của việc nhu cầu mua sắm qua mạng tăng nhanh do các biện pháp giãn cách xã hội để đề phòng dịch bệnh Covid-19.
Tuy nhiên, đại diện Amazon từ chối tiết lộ số lượng nhà cung cấp Việt Nam vượt mốc doanh thu 1 triệu USD trên nền tảng thương mại trực tuyến này. Phía Amazon chỉ cho biết doanh thu tăng chủ yếu đến từ các mặt hàng như dụng cụ, đồ dùng nhà bếp, thủ công mỹ nghệ, đồ gia dụng và quần áo.
“Người bán hàng VN đã làm phong phú thêm lựa chọn sản phẩm toàn cầu của chúng tôi”, tờ Nikkei Asia dẫn lời ông Gijae Seong chia sẻ.
Mảng bán hàng toàn cầu của Amazon chuyên phụ trách đưa các thương gia quốc tế vào nền tảng Amazon. Những năm qua, mảng bán hàng toàn cầu của Amazon đã mở văn phòng tại nhiều nơi ở châu Á như Trung Quốc, Thái Lan… Và cũng chính thức thành lập văn phòng tại Việt Nam để đào tạo các thương nhân địa phương cung cấp hàng hóa cho Amazon.
Theo nhà quản lý Seong, Mỹ là đối tác nhập khẩu rất lớn của Việt Nam. Và trong đại dịch vừa qua, người Mỹ đặt mua hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam ngày càng nhiều hơn.
Mặt khác, Alibaba cũng là công ty tiên phong trong việc đưa các thương gia nhỏ vào cửa hàng trực tuyến và nay cũng mở rộng sang các nước.
Chính vì thế, để tăng cường khả năng cạnh tranh, Amazon cần tăng cường đa dạng hóa các loại sản phẩm, nên đang mở rộng thu hút thương nhân Việt Nam để tránh các thương nhân này chỉ tập trung cung cấp hàng hóa cho Alibaba.
Theo Nikkei Asia, Việt Nam là thị trường thương mại trực tuyến có sự tập trung khá đông đảo các công ty liên quan Trung Quốc như Alababa sở hữu Lazada, Shopee và Tiki do JD.com hậu thuẫn, theo tờ Thanh Niên đưa tin.