BNEWS Trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, từ trung tuần tháng 7 đến cuối tháng 9/2021, các ngành chức năng tỉnh Kiên Giang đã kết nối tiêu thụ hơn 1,2 triệu tấn nông sản hàng hóa cho nông dân.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, sản lượng tiêu thụ trong tỉnh gần 600.000 tấn và tiêu thụ ngoài tỉnh hơn 613.580 tấn. Các sản phẩm nông sản chủ yếu kết nối tiêu thụ gồm: lúa, khoai lang, khoai môn, rau, củ, quả, khóm (dứa), chuối, thịt lợn, thịt gà, trứng và thủy sản các loại…
Trong thời gian tỉnh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, việc thu hoạch, thu mua, lưu thông tiêu thụ nông sản trên địa bàn diễn ra rất chậm, có thời điểm gần như tạm dừng hoạt động thu mua. Phần lớn các công ty, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, thương lái thu mua nông sản tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết, Sở thành lập Tổ chỉ đạo sản xuất, kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản, đồng thời phản ánh, phối hợp tháo gỡ khó khăn lưu thông hàng hóa, vật tư nông nghiệp, thu mua, thu hoạch nông sản, thủy sản trên địa bàn.
Sở phối hợp với đơn vị có liên quan, huyện, thành phố, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh thành lập các nhóm zalo, trang kết nối mua bán của Tổ công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và trên các trang thông tin điện tử hợp pháp khác để trao đổi thông tin về cung cầu sản phẩm nông sản.
Qua đó, thúc đẩy kết nối tiêu thụ nông sản giữa nông dân, hợp tác xã với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, Bưu điện tỉnh Kiên Giang, Trung tâm hỗ trợ nông dân và giáo dục nghề nghiệp tỉnh, một số huyện mở hàng chục điểm bán hàng bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu tại các bưu cục, xã, phường, thị trấn, vừa hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, vừa cung cấp nhu cầu lương thực, thực phẩm cho người dân trong khu vực trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Mặt khác, những điểm bán hàng của các đơn vị này còn liên kết với siêu thị trên địa bàn tỉnh cung cấp các mặt hàng nông sản, thủy sản theo đơn đặt hàng, cung cấp gói combo nông sản cho Tp. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương theo gói đặt hàng.
Bà Phan Kim Loan, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ nông dân và giáo dục nghề nghiệp tỉnh Kiên Giang chia sẻ, thời điểm dịch bệnh, nông dân gặp nhiều khó khăn trong việc bán sản phẩm nông sản, nhất là những hàng hóa nông sản được sản xuất theo quy trình VietGAP đảm bảo về mẫu mã và chất lượng.
Chung tay hỗ trợ bà con, Trung tâm thành lập điểm bán hàng nông sản tại thành phố Rạch Giá, góp phần giúp nông dân tiêu thụ nông sản, bình quân từ 3 – 5 tấn/ngày, cung cấp lương thực, thực phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng với giá rẻ nhất.
Từ trung tuần tháng 7/2021 đến nay, Trung tâm hỗ trợ nông dân và giáo dục nghề nghiệp tỉnh Kiên Giang đã hỗ trợ tiêu thụ khoảng 250 tấn các loại nông sản, thủy sản như: bắp (ngô), dưa leo, chanh, khổ qua, bí đao, rau cải, khoai lang, khoai môn, tôm, cá, mực… của nông dân ở các huyện U Minh Thượng, Châu Thành, Tân Hiệp, Hòn Đất, Kiên Hải, Giồng Riềng…
Trung tâm liên kết với siêu thị Co.opmark Rạch Sỏi, CIC Rạch Sỏi cung cấp hàng chục tấn rau, củ, quả, khoai, bắp, thủy sản các loại; cung cấp hàng ngàn gói combo nông sản cho Tổ công tác 970 và hàng chục tấn nông sản cho một số đơn vị ở Tp. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương theo đơn đặt hàng – bà Kim Loan cho biết thêm.
Mặt khác, ngành chức năng hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho thương lái, doanh nghiệp đến các xã, ấp trên địa bàn tỉnh thu mua nông sản đến kỳ thu hoạch của nông dân, nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc phòng, chống dịch COVID-19.
Hiện nay, trong tình hình dịch COVID-19 dần dần được kiểm soát, trở lại trạng thái bình thường mới, tỉnh Kiên Giang tập trung thu hoạch dứt điểm vụ lúa Hè Thu và chăm sóc lúa Đông Xuân để đạt và vượt kế hoạch sản lượng lúa năm 2021 là 4,4 triệu tấn lúa; sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt gần 800.000 tấn; trong đó, tôm nuôi hơn 105.460 tấn.
Tỉnh tiếp tục sản xuất các loại củ, quả, rau màu thực phẩm và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm hiệu quả để bù đắp những lĩnh vực sụt giảm, thiếu hụt do ảnh hưởng dịch bệnh, góp phần đóng góp chung tăng trưởng kinh tế.
Cùng với đó, cơ quan chức năng phối hợp với các huyện, thành phố và doanh nghiệp tiếp tục hỗ trợ thu hoạch, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản hàng hóa của nhân dân.
Ngành chức năng và các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho thương lái, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến địa bàn thu mua lúa, rau, củ, quả, tôm, cua, cá, mực, sò huyết… đến kỳ thu hoạch của nông dân, không để sản phẩm nông sản tồn đọng, giá cả giảm thấp gây thiệt hại và ảnh hưởng đến sản xuất./.
Theo BNews/