Theo dõi, nắm bắt tình hình giá xăng dầu
Sau kỳ điều chỉnh giá xăng vào chiều 1/3, giá xăng đã tăng lần thứ 6 liên tiếp từ giữa tháng 12/2021. Theo đó, giá xăng E5 RON92 tăng 545 đồng/lít, xăng RON95 tăng 554 đồng/lít. Giá các mặt hàng dầu cũng tăng, cụ thể dầu hỏa tăng 469 đồng/lít, lên mức 19.978 đồng/lít; dầu diesel tăng 509 đồng/lít, ở mức 21.310 đồng/lít; dầu mazut tăng 536 đồng, lên 18.468 đồng/kg.
Theo sát hoạt động của xã hội, mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có văn bản giao Ủy ban Tài chính – Ngân sách chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kinh tế và các cơ quan có liên quan thực hiện theo dõi, nắm bắt tình hình về sản xuất, nhập khẩu, bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu trong giai đoạn hiện nay và việc bình ổn thị trường xăng dầu trong nước; tình hình hoạt động và thực trạng về tài chính của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn; giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2021/QH15 ngày 13.11.2021 của Quốc hội (Nghị quyết Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV).
Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả giám sát trong tháng 3/2022.
Đánh giá cao sự phản ứng linh hoạt, sâu sát của người đứng đầu Quốc hội, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, việc cơ quan đại diện cho nhân dân tham gia, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu, bình ổn giá xăng dầu để bảo đảm phục vụ đời sống, sản xuất của nhân dân là có trách nhiệm, có tính kịp thời và phù hợp nhằm làm rõ và tăng cường trách nhiệm của các đơn vị sản xuất xăng dầu trong nước, các doanh nghiệp kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu, các cơ quan chức năng trong việc thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm nguồn cung xăng dầu, đồng thời, công khai minh bạch với người dân về các biện pháp và chính sách đang triển khai để người dân hiểu và đồng thuận.
Thông tin với báo chí tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 3/3, lý giải về việc giá xăng dầu tăng cao cũng như đưa ra kế hoạch cho việc điều chỉnh giá xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Hiện giá xăng dầu thế giới đang tăng rất mạnh và sẽ còn tiếp tục tăng. Theo quy định trước đây, 15 ngày sẽ điều chỉnh giá xăng dầu 1 lần, nhưng hiện nay đã giảm xuống là 10 ngày. Tuy nhiên có quy định nếu giá xăng dầu có biến động bất thường ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội và đời sống của người dân thì Bộ Công Thương và Bộ Tài chính phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép được quyết định có điều chỉnh giá hay không và điều chỉnh thế nào.
“Vì vậy, sắp tới, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính sẽ ngồi lại bàn với nhau xem có cần thiết báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc này hay không”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, nguồn cung cấp xăng dầu sản xuất trong nước từ trước đang đáp ứng khoảng 70% như cầu, thậm chí có giai đoạn lên đến 80%, chủ yếu từ hai nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và Bình Sơn (Nghi Sơn đáp ứng từ 35 – 40% thị phần, còn lại khoảng 30% là nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn).
“Tuy nhiên, do khó khăn về tài chính của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn nên ngay từ đầu tháng 1/2022 công suất của nhà máy giảm 90%, sau đó xuống 80%, và giờ chỉ còn khoảng 60%. Từ đó việc giao hàng cho các đầu mối kinh doanh xăng dầu giảm mạnh so với thỏa thuận. Nguồn cung của nhà máy Nghi Sơn chỉ đạt 43% và trong tháng 3/2022 theo kế hoạch giao khoảng 680.000 khối nhưng dự kiến chỉ có thể giao được khoảng 80%. Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn dù đã được chỉ đạo tăng công suất lên để bù lại khó khăn của nhà máy Nghi Sơn, tuy nhiên vẫn chưa đủ bù đắp lượng cung thiếu hụt do Nghi Sơn giảm công suất. Tình trạng này đã khiến cho một số nơi thiếu xăng dầu cục bộ”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.
Xăng dầu tăng cao có nguy cơ, ảnh hưởng đến nền kinh tế
Theo thống kê, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Khi giá xăng dầu tăng 10% sẽ khiến GDP giảm khoảng 0,5%, mức giảm khá lớn. Đặc biệt, khi giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ khiến chỉ số giá cả hàng hóa tăng trở lại, tiềm ẩn nguy cơ lạm phát, đe dọa tới hiệu quả của gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế mới được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất vừa qua.
Đánh giá về giá xăng dầu tăng có nguy cơ, ảnh hưởng đến nền kinh tế, ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho rằng: Xăng dầu là yếu tố đầu vào của nhiều hoạt động kinh tế – xã hội. Khi giá xăng dầu tăng lên đẩy giá các yếu tố khác tăng. Chi phí lưu thông tăng thì tất cả các hàng hóa liên quan tăng, giá nguyên liệu đầu vào, giá máy móc thiết bị tăng, giá các loại hàng hóa tăng thì nguy cơ chỉ số giá tiêu dùng tăng cao. Khi chỉ số giá cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động sản xuất kinh doanh, yếu tố đầu vào tăng cao thì khả năng đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh sẽ giảm xuống.
Cũng theo đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Hoàng Văn Cường, năm 2022 là năm Việt Nam cố gắng kích thích thúc đẩy kinh tế phục hồi, theo kịp đà tăng trưởng của kinh tế. Để thực hiện mục tiêu đó Chính phủ đã có gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế với quy mô gần 350.000 tỷ đồng hay như giảm 2% thuế VAT nhằm khuyến khích tiêu dùng, giảm chỉ số giá, cố gắng giữ lạm phát không tăng. Do đó, nếu không cẩn trọng để cho giá xăng dầu tăng cao thì gần như mục tiêu đặt ra không đạt được và việc giảm thuế VAT 2% gần như không còn ý nghĩa.
“Chúng ta cố gắng hỗ trợ để mở rộng sản xuất thì nay giá xăng dầu tăng, hiệu quả không cao nguy cơ hạn chế đầu tư của các doanh nghiệp. Đây là điều đáng lo ngại nếu không kiểm soát tốt giá xăng dầu thì đà phục hồi kinh tế Việt Nam khó có thể đạt được kỳ vọng 6%-7%”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Việc điều chỉnh giá xăng, dầu gần đây đã ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình, khi mà nhiều hàng hoá được điều chỉnh tăng giá do tác động của giá xăng tăng. Do đó nhiều gia đình buộc phải cân đối lại tài chính và thắt chặt chi trong tiêu dùng hàng ngày. Trong khi đó, tại một số địa phương xảy ra tình trạng một số ít cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, bán theo giờ, bán theo định lượng.
Theo các chuyên gia kinh tế, diễn biến của tình hình xăng dầu trong nước thời gian qua cho thấy, vai trò quản lý, điều tiết của Bộ Công Thương cần phải được nâng lên. Có ý kiến cho rằng để đảm bảo an toàn an ninh năng lượng xăng dầu của Việt Nam thì không chỉ Bộ Công Thương mà cần có cơ chế đảm bảo an toàn năng lượng nói chung và an toàn xăng dầu nói riêng của Việt Nam. Do đó cần tăng cường cơ chế thị trường, cạnh tranh nhiều hơn nữa và tự do hóa kinh doanh xăng dầu. Bên cạnh nguồn dự trữ xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối cần có nguồn dự trữ cấp quốc gia đảm bảo an ninh năng lượng.
Ông Hoàng Văn Cường cho biết, xăng dầu là mặt hàng bình ổn giá và được Nhà nước quản lý, do đó điều hành của Bộ Công Thương là rất quan trọng. Cho nên Bộ này cần phải có kiểm soát nguồn cung và dự trữ để đảm bảo chủ động nguồn cung trong nước và trong việc điều hành giá cần linh hoạt để khi giá xăng dầu giảm thấp thì tăng thêm phần trích vào Quỹ bình ổn giá và khi giá xăng tăng cao thì phải sử dụng Quỹ bình ổn đó để bù cho giá xăng.
Bên cạnh đó, phải điều hành mức dữ trữ, kiểm soát dự trữ của các nhà cung cấp để không có tình trạng nhà cung cấp găm hàng, đầu cơ om hàng không đưa xăng ra bán đợi giá tăng trong tương lai. Như vậy, Bộ Công thương vừa kiểm soát vừa điều tiết ở cung của hàng hóa, điều tiết giá và kiểm soát bằng mệnh lệnh hành chính không để đầu cơ xăng dầu.
Nhìn ở góc độ khác, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong bối cảnh này, cần có các giải pháp để khuyến khích và tạo điều kiện cho nhập khẩu xăng dầu, bảo đảm hài hòa lợi ích cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đang thực hiện nhiệm vụ nhập khẩu xăng dầu. Do đó, cần tập trung vào một số giải pháp như: Việc điều hành giá xăng dầu của Nhà nước cần bám sát diễn biến của giá xăng dầu thế giới để giá xăng dầu trong nước không chênh lệch nhiều với giá thế giới và các nước trong khu vực; các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước cần có các biện pháp nhằm tạo điều kiện về thủ tục hải quan, về hạn mức tín dụng… để nhập khẩu xăng dầu được thuận lợi hơn.
Theo Báo Tin Tức