Trang chủ » Khắc phục những vướng mắc khi thực hiện giãn cách xã hội

Khắc phục những vướng mắc khi thực hiện giãn cách xã hội

bởi unexpress

Tuy nhiên, nhờ nỗ lực từ các bộ, ngành chức năng cũng như sự đồng lòng trong phòng, chống dịch của các địa phương và nhân dân cả nước mà những lúng túng, khó khăn ban đầu bởi những tác động tiêu cực của dịch tới đời sống kinh tế – xã hội đang dần được khắc phục. 

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng để phòng dịch. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Phát huy hiệu quả các Tổ công tác đặc biệt

Việc các bộ, ngành khẩn trương thành lập các Tổ công tác đặc biệt tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã mang lại hiệu quả bước đầu, các đơn vị có sự phối hợp chặt chẽ nhằm tháo gỡ từng bước việc cung ứng, lưu thông hàng hóa, đảm bảo đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân vùng dịch.

Thời gian qua các Bộ Giao thông vận tải và Công Thương đã chủ động phối hợp đề giải quyết nhanh những vướng mắc trong lưu thông hàng hóa. Tại buổi làm việc với Bộ Giao thông Vận tải chiều ngày 22/7, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương cho biết, việc lưu thông, vận chuyển hàng hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản và lương thực thực phẩm trong 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam cơ bản thuận lợi. Giao thông hàng hóa liên tỉnh tại miền Tây và miền Đông Nam bộ tương đối thông thoáng.

Thành viên Tổ công tác Bộ Công Thương đề xuất tăng cường lực lượng lái xe phản ứng nhanh phục vụ vận chuyển hàng thiết yếu liên tỉnh, nhân rộng các mô hình bán hàng lưu động sử dụng taxi, xe tải nhẹ, xe buýt tới các khu vực có nhu cầu.

Trong khi đó, Bộ Giao thông vận tải cũng tạo thuận lợi bằng cách không yêu cầu dừng kiểm soát những xe được nhận diện phương tiện ưu tiên vận chuyển hàng hóa thiết yếu trong 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam mà chỉ kiểm soát ở điểm cuối và điểm đầu xuất phát.

Đồng thời, chiều 22/7, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi các sở, ngành, địa phương của thành phố và Sở Giao thông vận tải các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nam bộ hướng dẫn tổ chức cho phương tiện lưu thông, vận chuyển hàng hóa trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg.

Theo đó, đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa là các loại hàng mau hỏng (nông sản, thực phẩm tươi sống, hàng đông lạnh), các loại hàng thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh có lộ trình đi vào, đi ra từ TP Hồ Chí Minh và “quá cảnh” qua thành phố, Sở Giao thông vận tải hướng dẫn cụ thể như sau: Nếu phương tiện chỉ lưu thông trong phạm vi giữa 19 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg không cần đăng ký cấp giấy nhận diện phương tiện. Sở Giao thông vận tải sẽ không tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đề nghị cấp giấy nhận diện cho các phương tiện lưu thông giữa các tỉnh thuộc vùng thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg kể từ ngày 21/7.

Cũng trong ngày 22/7, Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi Tổ công tác của Bộ Công Thương; các Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh danh sách hợp tác xã, doanh nghiệp cung ứng nông sản trong điều kiện dịch COVID-19.

Theo đó, Tổ công tác đã tổng hợp được 180 đơn vị cung ứng các mặt hàng nông sản. Cụ thể, rau củ có 41 đơn vị cung ứng; trái cây có 65 đơn vị; thủy hải sản, hàng chế biến, chăn nuôi, trứng, thịt, sữa có 59 đơn vị; gạo 11 đơn vị; các mặt hàng khác có 4 đơn vị.

Tổ Công tác đặc biệt phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Xây dựng tại TP Hồ Chí Minh do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng làm Tổ trưởng cũng đã có cuộc họp trực truyến với 19 tỉnh, thành phố phía Nam nhằm nắm bắt tình hình của các địa phương để kịp thời xử lý, giải quyết ngay những nhiệm vụ phát sinh trong phòng, chống dịch và các vấn đề liên quan trong phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng; trong đó trọng tâm là hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong xây dựng bệnh viện dã chiến.

Theo đại diện các tỉnh, thành phố Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Cà Mau, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh…, các địa phương đều thống nhất trong việc giao Sở Xây dựng làm đầu mối trong đầu tư xây dựng bệnh viện dã chiến, khu cách lý tập trung; chủ động triển khai các bệnh viện dã chiến với quy mô đảm bảo thu dung, khám chữa bệnh nhân F0, có dự phòng phát sinh trong thời gian tới.

Cụ thể, đại diện TP Hồ Chí Minh cho biết, địa phương đã hoàn thành xây dựng nhiều bệnh viện dã chiến với tổng quy mô lên đến 55.000 giường. Hiện nay, thành phố tiếp tục xây dựng một số bệnh viện dã chiến và dự kiến lần lượt hoàn thành, đưa vào sử dụng trong tháng 8, 9, nâng tổng quy mô của các bệnh viện dã chiến lên đến 87.000 – 90.000 giường.

Đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cho nhân dân

Để bù đắp cho sự thiếu hụt của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ, Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cho biết, từ nay đến hết tháng 7/2021, tỉnh Lâm Đồng sẽ tăng sản lượng rau, củ, quả thêm khoảng 2.560 tấn/ngày.

Cụ thể, trong 10 ngày (từ 21 – 31/7/2021), sản lượng rau, củ, quả sản xuất của tỉnh Lâm Đồng dự kiến đạt 98.434 tấn, tương ứng sản lượng đạt 9.843 tấn/ngày và có thể cung ứng ra thị trường khoảng 8.560 tấn/ngày. Nguồn cung cấp nông sản chủ yếu từ huyện Đức Trọng, Đơn Dương và thành phố Đà Lạt.

Theo Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, hiện TP Hồ Chí Minh thiếu 1.500 tấn rau, củ mỗi ngày; trong đó, nguồn cung từ tỉnh Lâm Đồng chiếm 55%, tương đương 825 tấn/ngày. Sở đã chủ độn phối hợp Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển rau, củ cập nhật thông tin để tạo “luồng xanh” cho 120 phương tiện vận chuyển rau, củ về TP Hồ Chí Minh thuận tiện.

Trong khi đó, để phục vụ nhu cầu hàng hóa thiết yếu cho người dân trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ , Sở Công Thương thành phố Cần Thơ phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, UBND các quận, huyện và cộng đồng doanh nghiệp đã thành lập 34 điểm bán hàng theo mô hình “mang chợ ra phố” tại tất cả các quận, huyện. Qua khảo sát hoạt động tại các điểm bán hàng theo mô hình “mang chợ ra phố” cho thấy, hầu hết các điểm bán hàng đều thực hiện đúng các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Các loại hàng hóa được bày bán chủ yếu là lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt hàng ngày như: thịt gia súc, gia cầm, thủy sản các loại, trứng gia cầm, rau, củ, quả các loại, gạo và các loại thực phẩm chế biến sẵn… được niêm yết giá đầy đủ và bán đúng giá niêm yết. Nhiều mặt hàng nằm trong nhóm bình ổn giá được các tiểu thương, doanh nghiệp bán bằng giá hoặc thấp hơn giá trong hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích như: thịt lợn, thịt gà, thủy sản các loại…

Theo Sở Công Thương thành phố Cần Thơ, nhìn chung giá cả ổn định, riêng các loại rau, củ, quả, trứng gia cầm tăng từ 5 – 10%, thịt lợn, thủy hải sản giảm từ từ 3 – 5% so với trước khi giãn cách xã hội. Nhờ các điểm bán hàng theo mô hình “mang chợ ra phố” và các điểm bán hàng bình ổn giá tại các địa phương nên sức mua đã giảm từ 10 – 15% tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích so với những ngày trước đó.

Không chỉ cung ứng hàng hóa theo phương pháp truyền thống, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, việc phân phối, cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam qua sàn thương mại điện tử dù còn nhiều khó khăn, nhưng đang từng bước được khắc phục. Hiện tại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp chặt chẽ cùng các sàn thương mại điện tử, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương trong việc tổ chức nhà cung cấp và nguồn hàng để cung ứng kịp thời cho người dân.

Các sàn thương mại điện tử đã nhanh chóng triển khai các Chương trình như: “Đi chợ tại nhà” của Sendo tại địa chỉ https://www.sendo.vn/su-kien/di-cho-tai-nha, “Tiếp sức Sài Gòn – Tiki trao tươi ngon” của Tiki https://tiki.vn/rau-cu-qua-xanh/c44818, “Thực phẩm bình ổn” của Shopee https://shopee.vn/m/shopee-fresh hay Chương trình “An tâm ở nhà” của Voso https://voso.vn/hang-binh-on-gia để cùng chung tay, chung sức đảm bảo cung ứng và bình ổn giá cho thị trường Tp. Hồ Chí Minh, nhất là các thực phẩm tươi sống, lương thực, hàng thực phẩm.

Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng các sàn thương mại điện tử đã nỗ lực tìm ra phương án hợp lý nhất trong nguồn cung và giao vận tại các vùng có dịch. Ngoài ra, với sự đồng hành sát sao của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cùng các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, việc cung ứng và tiêu thụ hàng hóa tại TP Hồ Chí Minh và các vùng có dịch luôn đảm bảo kịp thời, hàng hóa chất lượng và giá cả hợp lý cho người tiêu dùng.

Theo Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm