Trang chủ » Kết nối giao thương tránh đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản

Kết nối giao thương tránh đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản

bởi unexpress
Chú thích ảnh
Siêu thị Co.opmart Cao Lãnh (Đồng Tháp) đảm bảo rau, củ quả tươi xanh phục vụ khách hàng. 

Từ nay đến cuối năm 2021, tỉnh Đồng Tháp có khả năng cung ứng nhiều loại nông sản như: lúa gần 550.000 tấn, xoài hơn 30.000 tấn, chanh hơn 21.000 tấn, nhãn hơn 11.000 tấn, mít gần 4.000 tấn, thanh long gần 2.000 tấn, ớt gần 1.700 tấn…

Tỉnh Đồng Tháp còn có nhiều nông sản cần kết nối tiêu thụ như: khoai lang, cá tra, ổi, quýt… Ngoài ra, có 160 sản phẩm OCOP của tỉnh từ 3 sao đến 4 sao đang có nhu cầu kết nối tiêu thụ.

Để tránh bị đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các sản phẩm của nông dân ở địa phương, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất đã được cơ quan chuyên môn trong tỉnh quảng bá, kết nối giao thương với các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm trên cả nước.

Trong ngày 29/7, tỉnh Đồng Tháp đã có 2 biên bản ghi nhớ được ký kết về tiêu  thụ nông sản. Cụ thể, Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp đại diện cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Sản xuất thương mại dịch vụ Hồng Thái và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nguyên Hậu ở huyện Châu Thành ký kết hợp tác với Công ty cổ phần Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam. Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp đại diện cho Công ty trách nhiệm hữu hạn chế biến thuỷ sản Tuấn Cường ở huyện Hồng Ngự kết nối với Dự án Hỗ trợ tiêu thụ nông sản EATDELI.

Cùng với đó, tỉnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và nêu cao tinh thần “Nâng niu nông sản Việt – Nâng niu tâm hồn Việt – Nâng niu giá trị Việt” của người tiêu dùng.

UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đề ra Kế hoạch khung tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn. Theo đó, các mặt hàng nông sản của tỉnh được sản xuất, thu hoạch, chế biến và lưu thông, tiêu thụ phải đảm bảo nhanh, thuận lợi, an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh theo đúng quy định trong phòng, chống dịch COVID-19.

Việc thực hiện kế hoạch có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các sở, ban, ngành tỉnh với các địa phương trồng nông sản, doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ; đảm bảo thuận lợi, linh hoạt, chủ động, phù hợp với bối cảnh, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn, phạm vi quản lý.

Tỉnh hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất trên địa bàn với các hệ thống phân phối, doanh nghiệp, chợ, điểm bán nông sản trong và ngoài nước.

Giải pháp tiêu thụ trong nước là kênh tiêu thụ tại chợ đầu mối các tỉnh miền Tây, Thành phố Hồ Chí Minh; các tập đoàn phân phối có các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích như Co.opmart, Big C, VinMart, Bách hóa Xanh, MM Mega Market Vietnam, Tứ Sơn, SATRA… và các chuỗi cửa hàng nông sản sạch; các chợ truyền thống, tiểu thương, xe lưu động, điểm bán nhỏ, lẻ tại các địa phương trên địa bàn tỉnh; các sàn thương mại điện tử Tiki, Sendo, Shopee, Voso, Postmart,… và kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số (online).

Đối với thị trường xuất khẩu, tỉnh Đồng Tháp tranh thủ sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc xúc tiến thương mại các mặt hàng thế mạnh của tỉnh tại các thị trường: Trung Quốc, châu Âu, Mỹ…; thông qua các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, cung ứng xuất khẩu trong và ngoài tỉnh như Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty cổ phần Thủy sản Trường Giang, Công ty TNHH Cỏ May….

Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 934 tổ hợp tác, 180 hợp tác xã, 110 Hội quán nông dân đang phủ đều khắp các vùng sản xuất trong tỉnh. Các cơ sở sản xuất được sự hỗ trợ tích cực của lực lượng đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên trong thu hoạch và thu mua nông sản khi được kết nối tiêu thụ nông sản của các doanh nghiệp.

Theo Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm